Năm 2016 đánh dấu mốc 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Nga và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Để kỷ niệm dấu mốc quan trọng này, LB Nga đang tích cực chuẩn bị tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Nga - ASEAN vào tháng 5 tới tại khu nghỉ dưỡng cao cấp Sochi, LB Nga.
Giới chuyên gia và giới lãnh đạo chính trị Nga luôn xác định Việt Nam đóng vai trò đầu tàu trong khối ASEAN, và Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh kinh tế Á - Âu ký kết hồi tháng 5/2015 chính là biểu tượng để thúc đẩy hợp tác toàn diện với các quốc gia trong khu vực.
Để biết rõ hơn về thực chất vị trí của Việt Nam trong chính sách ngoại giao của LB Nga, Phóng viên TTXVN đã có buổi phỏng vấn ông Anton Tsvetov - Chuyên gia Hội đồng Đối ngoại - Trực thuộc Chính phủ LB Nga:
* Thưa ông, xin ông cho biết về thực chất vị trí của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của LB Nga trong tình hình hiện nay?
Hiện đang là giai đoạn khó khăn của nước Nga. Một mặt là cuộc khủng hoảng trong quan hệ với các quốc gia phương Tây, mặt khác là những khó khăn về kinh tế. Với tình hình như vậy, Moskva phải nỗ lực tìm kiếm những nguồn lực mới để phát triển đất nước, những hướng hợp tác chính trị và kinh tế mới.
Và để làm điều đó, Nga đang tập trung hướng sự quan tâm của mình sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Và tất nhiên, trọng tâm của sự chuyển hướng ấy chính là Trung Quốc - một cường quốc cả về chính trị và kinh tế trong khu vực. Tuy nhiên, cả giới chuyên gia và các nhà lãnh đạo chính trị của LB Nga đều nhận thức được sự cần thiết phải cân bằng "luân phiên" ở châu Á. Có nghĩa là các quốc gia ASEAN cũng là một trong những đối tác quan trọng cần được thúc đẩy hợp tác một cách toàn diện.
Trong số các quốc gia ASEAN thì Nga có mối quan hệ chính trị truyền thống và phát triển nhất với Việt Nam, cũng như hợp tác với Việt Nam trong cả 3 lĩnh vực chiến lược là dầu khí, năng lượng hạt nhân và kỹ thuật quân sự. Chính bởi vậy, nếu Moskva thực sự muốn đa dạng hoá chính sách hướng Đông của mình thì việc gia tăng tiềm năng hợp tác với Việt Nam là một yếu tố bắt buộc trong chính sách đó. Vấn đề đặt ra là cần phải có sự thay đổi về chất chứ không đơn giản chỉ phải tiếp tục và phát triển mô hình hợp tác hiện tại.
* Theo ông, các yếu tố Trung Quốc, Mỹ và những khó khăn về kinh tế của Nga đang ảnh hưởng thế nào đối với việc phát triển quan hệ Nga - Việt Nam?
Dĩ nhiên, tất cả các yếu tố này đều tác động đến mối quan hệ giữa Nga và Việt Nam. Nhưng cần phải lưu ý rằng Việt Nam đóng vai trò quan trọng để cân bằng trong quan hệ với các cường quốc lớn. Ví dụ, mặc dù đang có mối quan hệ lạnh nhạt với Nga nhưng Washington vẫn phải chú ý tới mối quan hệ truyền thống Nga - Việt Nam.
Về phần mình, Moskva cũng thực sự quan tâm tới mối quan hệ Mỹ và Việt Nam đang phát triển tích cực thời gian gần đây. Điều quan trọng để xu hướng này vẫn tiếp diễn là Việt Nam không trở thành một đấu trường cho sự cạnh tranh của các cường quốc. Nhưng để làm được điều đó thì Việt Nam cần phải có chính sách thực dụng và thận trọng hơn nữa.
Theo tôi, những khó khăn trong nền kinh tế Nga chưa ảnh hưởng tới mối quan hệ song phương Nga - Việt Nam. Trên thực tế, do thu nhập giảm sút và sự mất giá của đồng ruble đã khiến nhu cầu mua sắm của người Nga cũng giảm theo, cũng như các tour du lịch tới Việt Nam trở nên đắt đỏ hơn trước. Nhưng đáng chú ý là trong điều kiện như vậy, kim ngạch thương mại song phương Nga - Việt Nam năm 2015 vẫn tăng, dù chỉ là chút ít, đặc biệt là khi mà kim ngạch thương mại giữa Nga với các quốc gia khác, trong đó có cả các nước châu Á đã suy giảm.
* Ông dự báo như thế nào về sự phát triển quan hệ giữa Nga và Việt Nam trong tương lai? Và cần phải làm gì để phát triển mối quan hệ này cả trong lĩnh vực chính trị và kinh tế?
Rất khó có thể dự báo gì đó trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và nước Nga đang diễn biến rất phức tạp. Điều quan trọng là mối quan hệ song phương của 2 nước chúng ta đang có một nền tảng tốt và vững chắc, thể hiện ở việc thường xuyên trao đổi các đoàn công tác chính trị cấp cao và sự tin cậy lẫn nhau. Tuy nhiên, tôi cho rằng vẫn còn một số vấn đề cơ bản cần được khắc phục:
Thứ nhất, cần phát huy hơn nữa vai trò của khối doanh nghiệp tư nhân trong quan hệ kinh tế song phương. Nhiệm vụ quan trọng lúc này là tạo ra những điều kiện thuận lợi để đầu tư song phương bằng nguồn vốn tư nhân. Có lẽ, trong ngắn hạn cần bàn nhiều đến vấn đề đưa nguồn vốn Việt Nam vào Nga.
Thứ hai, cần đạt tới một mức độ mới về chất trong nhận thức và hợp tác song phương, trong cả giới chính trị và giới chuyên gia về quá trình đang diễn ra ở hai nước chúng ta. Để làm được điều này thì cần đánh giá đúng vai trò của các chuyên gia và có nhiều hình thức trao đổi chuyên gia ở cấp nhà nước.
Thứ ba, tôi phải nói rằng các mối quan hệ Nga - Việt ở mức độ cá nhân rất yếu - phải thành thật thừa nhận như vậy. Đúng, có một nhóm nhỏ, là các sinh viên và các nhà nghiên cứu ở cả hai nước đang có ảnh hưởng ở mức độ nào đó tới ý kiến xã hội có lợi cho mối quan hệ song phương. Nhưng ở mức độ dân thường hay thậm chí những thanh niên thành thị có học thức thì các mối quan hệ này rất yếu, hay có thể nói là hoàn toàn không có. Nếu không làm gì để tăng cường các mối quan hệ này thì yếu tố con người để thúc đẩy hợp tác trong tương lai sẽ không hề đơn giản.
Tôi cũng xin nhấn mạnh thêm rằng các mối quan hệ này cần phải được hình thành trên cơ sở thị trường. Tôi nghĩ rằng Việt Nam cần đưa vào Nga những sản phẩm tốt nhất được sản xuất tại chính nước mình và đáp ứng câu hỏi: Điều gì đang ảnh hưởng tới cuộc sống của tầng lớp thành thị trung lưu? Chính nhóm này đang có nhiều ảnh hưởng nhất tới ý kiến xã hội Nga. Bao gồm trong đó là cả ẩm thực Việt Nam, cả công nghệ thông tin và văn hoá Việ Nam.
Ví dụ, Việt Nam khá thành công trong lĩnh vực nghệ thuật đương đại - đó là cả hội hoạ, cả nhiếp ảnh, cả điện ảnh. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần cố gắng sử dụng các dịch vụ của Nga để hiểu rõ người Nga đang cần cái gì. Tóm lại, trong lĩnh vực xã hội, cần mở rộng hình thức giao lưu văn hoá như mô hình các trung tâm "Hà Nội - Moskva" hay các triển lãm hàng hoá Việt Nam tại Nga.
* Vâng, xin cám ơn các ý kiến quý báu của ông!
Theo VNTTX