Phát biểu tại lễ khánh thành cao tốc Hà Nội - Hải Phòng ngày 5/12,Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ quan điểm ủng hộ việc chủ đầu tư là Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) sẽ bán vốn đầu tư cao tốc này cho đối tác Ấn Độ.
Đại diện Vidifi cho biết, doanh nghiệp Ấn Độ đã quan tâm, dành hơn 1 năm tìm hiểu về dự án trước khi quyết định đặt vấn đề mua lại vốn công trình.
Từ chối chia sẻ thông tin về giá trị chuyển nhượng vào thời điểm này, Vidifi cho biết, tuy hợp đồng nguyên tắc đã được thông qua, song hai bên vẫn đang trong quá trình đàm phán để đi đến thống nhất.
Giải đáp những lo ngại về vấn đề khi bán dự án cho nhà đầu tư ngoại khai thác, mức phí cao tốc có thể bị điều chỉnh tăng, đại diện Vidifi khẳng định, dù công trình được bán vốn cho đối tác nào thì việc vận hành quản lý và thu phí phải tuân theo quy định và pháp luật của Nhà nước.
Sau khi đàm phán hoàn tất và ký kết hợp đồng, Vidifi và IL&FS (đơn vị mua lại vốn công trình) dự kiến sẽ thành lập pháp nhân mới là một công ty cổ phần, để tiếp nhận dự án.
Cao tốc ôtô Hà Nội - Hải Phòng đã chính thức khánh thành hôm qua, 5/12. Tuyến đường dài 105 km, có tổng mức đầu tư 45.487 tỷ đồng. Dự án được kỳ vọng sẽ giảm ùn tắc, tai nạn giao thông trên quốc lộ 5, nơi có mật độ lưu thông vận chuyển hàng hóa lớn nhất cả nước. Cao tốc sau khi được thông xe cũng sẽ giúp giảm thời gian di chuyển từ Hà Nội tới Hải Phòng còn 1 giờ.
Dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có mức đầu tư công bố năm 2007 là 24.566 tỷ đồng. Sau đó, dự án được điều chỉnh lên 45.487 tỷ đồng vì lý do chi phí xây dựng và bồi thường giải phóng mặt bằng tăng.
Sau khi thông xe, mức phí toàn tuyến từ vành đai 3 Hà Nội đến cảng Đình Vũ (Hải Phòng) là 160.000 đồng cho xe dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn; và 840.000 đồng cho xe tải trên 18 tấn và container.
Theo Zing