Chiều 1/8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp với một số bộ, ngành, địa phương về một số vấn đề thúc đẩy giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi.
Số liệu của Bộ KH và ĐT cho thấy từ năm 1993 đến 6/2017, Việt Nam đã ký kết các khoản vay và viện trợ không hoàn lại có giá trị khoảng 82,61 tỷ USD (trong đó vốn vay là 74,92 tỷ USD).
Đến hết tháng 6/2017, hiện có 810 chương trình dự án đang triển khai với số vốn ODA và vốn vay ưu đãi, còn lại chưa giải ngân khoảng 21,167 tỷ USD Số vốn này sẽ giải ngân theo tiến độ hiệp định từ nay đến hết năm 2026, tuy nhiên, sẽ tập trung khối lượng lớn vào giai đoạn 2017-2020 là 17,485 tỷ USD. Để bảo đảm giải ngân số vốn còn lại đã ký kết, trong giai đoạn này trung bình mỗi năm cần giải ngân được 4,37 tỷ USD.
Đáng chú ý, năm 2017, tổng vốn ODA và vốn vay ưu đã có khả năng giải ngân khoảng 4,6 tỷ USD. Trong 6 tháng đầu năm, đã giải ngân được 1,5 tỷ USD, bằng 32,6% số vốn dự kiến giải ngân cả năm.
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, thời gian qua vốn ODA đã có đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước, phần lớn đã sử dụng có hiệu quả, trong đó một số bộ, ngành, địa phương đã quản lý, sử dụng công trình ODA đạt kết quả.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng trăn trở trước việc 6 tháng đầu năm 2017 mới giải ngân được 1,5 tỷ USD, đạt 32,6%. Trên tinh thần bảo đảm giải ngân được hết số vốn ODA và vốn vay ưu đã đã ký kết theo tiến độ, kể cả giai đoạn 2017-2020, đặc biệt là năm 2017, Thủ tướng nhấn mạnh, số vốn ODA và vốn vay ưu đã đã ký kết theo tiến độ, kể cả giai đoạn 2017-2020, đặc biệt là năm 2017.
“Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xem lại từng dự án, ưu tiên các dự án hoàn thành trong năm 2017. Ngành, đơn vị nào không làm được thì báo cáo để điều chỉnh. Ông không làm được thì ông thôi, đừng làm. Không làm được thì sẽ cắt vốn chứ không thể cứ do dự mãi được” – Thủ tướng nói.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cần chỉ đạo sát sao hơn nữa các cơ quan thực hiện dự án ODA và vốn vay ưu đãi, nhất là những dự án kết thúc trong năm 2017-2018, bảo đảm không gia hạn thời gian thực hiện, hạn chế điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư do nguyên nhân chủ quan; phối hợp với nhà tài trợ xây dựng, rà soát lại kế hoạch vốn hằng năm phù hợp với nhu cầu giải ngân.
Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan làm việc với các nhà tài trợ để sửa đổi các điều kiện vay vốn tại các hiệp định theo hướng nâng cao tính cạnh tranh trong việc lựa chọn nhà thầu tránh để tình trạng chỉ định thầu các nhà thầu không đủ năng lực như trường hợp dự án đường sắt tuyến Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) hay nhà thầu dự án nước Hưng Yên. Thủ tướng cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các cơ quan rà soát, tổng hợp các vướng mắc của Luật Đầu tư công và các nghị định hướng dẫn và đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Nghiên cứu đề xuất bổ sung vào Luật Đầu tư công về quy trình riêng áp dụng đối với dự án ODA và vay ưu đãi nhằm tinh giản thủ tục, giảm bớt chi phí phát sinh do quy định gây ra.
Nói về định hướng thu hút ODA, vốn vay ưu đãi thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh, cần sớm xây dựng kế hoạch năm 2018 kèm theo kế hoạch tài chính 3 năm trong đó có kế hoạch ODA.
“Cái gì ta làm được, dân ta làm được thì ta phải làm. Cái gì bức xúc, đặc biệt công trình hạ tầng, chúng ta chưa có khả năng vốn thì chúng ta kêu gọi”, Thủ tướng nói và kêu gọi đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực trong nhân dân.