Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý ngành ngân hàng tại cuộc gặp mặt các chủ tịch, tổng giám đốc ngân hàng thương mại nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, sáng 16/10.
Nhấn mạnh một số nội dung, Thủ tướng nêu rõ những kết quả đạt được trong 9 tháng đầu năm 2022 và thời gian qua đã khẳng định vai trò quan trọng của hệ thống ngân hàng đối với nền kinh tế và an ninh tiền tệ quốc gia.
Hệ thống ngân hàng đóng vai trò huyết mạch, là kênh dẫn vốn chủ yếu phục vụ sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân.
“Hệ thống ngân hàng có ổn định, lành mạnh, an toàn, hiệu quả thì nền kinh tế mới ổn định và phát triển. Ngược lại, nền kinh tế có ổn định, phát triển thì hệ thống ngân hàng ổn định, lành mạnh, an toàn hiệu quả”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cũng chỉ ra một số hạn chế của ngành ngân hàng như tiềm lực tài chính nhỏ, chất lượng chưa cao, trình độ quản lý, công nghệ nhiều ngân hàng còn lạc hậu; còn hiện tượng sở hữu chéo, cạnh tranh thiếu lành mạnh, tính công khai, minh bạch chưa cao.
Thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản bộc lộ những bất cập, ảnh hưởng đến nhiều tổ chức tín dụng. Công tác thanh tra, giám sát của ngân hàng còn chưa chủ động, sâu sát, kịp thời, còn để xảy ra sai phạm.
Chính sách hỗ trợ lãi suất 2% triển khai chậm, hiệu quả chưa cao do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan nên cần khắc phục triệt để thời gian tới.
Theo Thủ tướng, dự báo thời gian tới sẽ tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức. Các ngân hàng thương mại cần nghiêm túc triển khai những nhiệm vụ theo tinh thần “nỗ lực tiết giảm chi phí, ngành ngân hàng chia sẻ khó khăn với đất nước, đồng hành với người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cần tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật, đổi mới khuyến khích giảm lãi suất phù hợp, hiệu quả với các đối tượng ưu tiên, phản ứng chính sách kịp thời hơn.
Thủ tướng đề nghị các ngân hàng thương mại tuân thủ pháp luật, tăng cường năng lực quản trị, điều hành, năng lực tài chính, bảo đảm an toàn hoạt động. Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ, chất lượng tín dụng, bảo đảm công khai, minh bạch, tập trung cho các động lực tăng trưởng của nền kinh tế.
Tại cuộc gặp mặt, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, cho biết ngành ngân hàng vừa qua đã thực hiện tốt đồng thời hai nhiệm vụ là vừa kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, vừa cung cấp vốn tín dụng hỗ trợ nền kinh tế.
Tính đến cuối tháng 9/2022, doanh số cho vay theo chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại đạt trên 15.000 tỉ đồng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt trên 13.000 tỉ đồng.
Ngân hàng Chính sách xã hội tích cực thực hiện giải ngân các chính sách cho vay ưu đãi thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, đạt hơn 10.400 tỉ đồng, trong đó riêng chương trình cho vay hỗ trợ việc làm đạt 7.000 tỉ đồng, với khoảng 150.000 khách hàng được vay vốn.
Thanh toán không dùng tiền mặt cũng tăng trưởng mạnh. Đến tháng 8/2002, giao dịch qua thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 33,21% về giá trị so với cùng kỳ; giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 83,7% về số lượng và tăng 33,4% về giá trị./.