Xem chi cho chuyển đổi số là hoạt động đầu tư
Trả lời câu hỏi của doanh nghiệp tại tọa đàm "Chuyển đổi số hiệu quả thúc đẩy phát triển kinh tế vùng" trong khuôn khổ “Tuần lễ Chuyển đổi số - Huế 2021” diễn ra từ ngày 27/4-30/4, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho rằng, vấn đề chuyển đổi số ở Việt Nam không chỉ là vấn đề công nghệ số, mà còn là câu chuyện của nhận thức và chính sách. Để thực hiện chuyển đổi số thành công, bắt buộc các tổ chức, doanh nghiệp phải có kế hoạch và phải lưu ý những khó khăn thách thức hiện tại để đảm bảo được sự phát triển bền vững.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, cần nhìn bài học đầu tư cho hoạt động chuyển đổi số từ các nước quanh khu vực trong thời gian qua. Để phát triển lĩnh vực ICT, các nước đều giành ngân sách chi tiêu cho ICT khoảng 2% GRDP mỗi năm. Ví dụ như Hàn Quốc hay Singapore, họ chi từ 2-4% GRDP cho hoạt động ICT và duy trì liên tục trong hơn 20 năm qua. Ở nước ta, Chính phủ đã có những chỉ đạo đối với hoạt động đầu tư trong lĩnh vực ICT. Cụ thể, Chính phủ đề nghị UBND các địa phương, báo cáo HĐND chi ngân sách hàng năm khoảng 1% cho hoạt động phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng (giữa) chia sẻ tại tọa đàm "Chuyển đổi số hiệu quả thúc đẩy phát triển kinh tế vùng" trong khuôn khổ “Tuần lễ Chuyển đổi số - Huế 2021” |
“Để thực hiện chuyển đổi số hiệu quả, rộng khắp thì việc cấp kinh phí cho chuyển đổi số cần xem xét như hoạt động đầu tư, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và đo đếm được. Nếu nói câu chuyện chuyển đổi số sẽ chi bao nhiêu thì chưa đủ mà cần làm sao chi đúng, chi sao cho hiệu quả và làm sao chi đúng rất khó, bởi các gói phần mềm là tải sản vô hình, không sờ nắm được nên bài toán chi đảm bảo hiệu quả là một thách thức. Chính vì vậy, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của Bộ hỗ trợ các địa phương về việc xác định chi phí, nên các địa phương bất cứ khi nào băn khoăn về mặt kinh phí thì Bộ TT&TT sẽ sẵn sàng có câu trả lời và chúng tôi sẽ có trách nhiệm hỗ trợ các địa phương về việc ấy”- Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nói.
Không những vậy, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho rằng: “Một vấn đề quan trọng mà Bộ TT&TT đang quan tâm, nghiên cứu để làm sao biến khoản chi cho chuyển đối số xem như là khoản đầu tư và phải có lãi, đem lại lợi ích thật sự cho doanh nghiệp. Hiệu quả mang lại từ chuyển đối số phải lớn hơn chi phí bỏ ra, có như vậy mới kích thích được các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số. Và chúng tôi đang chuẩn bị ra những văn bản hướng dẫn. Tuy nhiên để thực hiện sẽ rất là khó, nên Bộ TT&TT rất mong nhận được nhiều hiến kế để có thể hiện thực việc này. Chúng ta làm sao tiên lượng được việc khi chúng ta chi cho chuyển đổi số 1 đồng thì chúng ta có thể đem lại được 2-3 đồng”.
Chuyển đổi số là cơ hội lớn từ cuộc đua marathon
Chia sẻ với doanh nghiệp tại buổi toạ đàm, ông Nguyễn Long - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam cho rằng, để chuyển đổi số thành công, chúng ta cần có sự kết nối, làm sao cho nhanh nhất, hiệu quả nhất, an toàn nhất… Tiếp đó là chia sẻ, những kết quả đạt được, phân tích và nhân rộng những kết quả đó. Và cuối cùng là sự trải nghiệm. Trong đó, phải là trải nghiệm cho chính mình, cho người dân và những đối tượng được hưởng lợi từ các hoạt động chuyển đổi số.
“Để chuyển đổi số thành công, cần 3 thành tố. Đó là cơ sở pháp lý, những điều kiện tạo ra cơ sở để thực hiện. Tiếp đến là nhân tố con người, con người tạo ra sản phẩm, con người ứng dụng sản phẩm và con người tiêu dùng sản phẩm. Và thành tố cuối cùng là công nghệ, chúng ta phải sử dụng các công nghệ, giải pháp thì mới có thể thực hiện chuyển đổi số thành công. Cuối cùng, chuyển đối số là cơ hội lớn của một cuộc đua marathon mà ở đó tất cả đều bắt đầu mà không có hồi kết. Ở đó, chúng ta cần xem xét việc đầu tư để sớm đạt được những thành quả và nắm bắt lấy cơ hội”- ông Nguyễn Long nhấn mạnh.
Các chuyên gia, các nhà quản lý tại toạ đàm trong khuôn khổ “Tuần lễ Chuyển đổi số - Huế 2021” |
Cũng theo đại diện Hội Tin học Việt Nam, chuyển đổi số là sự kết hợp tổng thể của chính quyền, doanh nghiệp và người dân, và là quá trình thực hiện dài nên cần sự đồng tâm nhất trí của các cấp ngành từ trung ương, địa phương đến từng doanh nghiệp, phối hợp với các hiệp hội để và các địa phương… tạo nên sức mạnh từ chính sách đến các khu vực địa phương… “Nếu cơ chế tốt, kêu gọi được xã hội hoá thì sẽ thực hiện thành công công cuộc chuyển đổi số này”- Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam chia sẻ thêm.
Đồng quan điểm với đại diện Hội Tin học Việt Nam, ông Phí Anh Tuấn – Hiệp hội Tin học TP HCM cho rằng, chuyển đối số là hoạt động đương nhiên và mặc nhiên. Quan trọng nhất vẫn là tốc độ thực hiện. “Cần phải thực hiện chuyển đối số nhanh nhưng lưu ý xây dựng các nền tảng tránh chạy nhanh nhưng thiếu bền vững. Để làm được điều này thì cần có sự phối hợp với các chuyên gia hàng đầu để giải quyết bài toán chuyển đổi số này”- ông Phí Anh Tuấn nói.
Hiến kế cho cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động chuyển đổi số, nhất là cần có sự tha gia của cộng đồng các doanh nghiệp vừa và nhỏ, ông Phí Anh Tuấn cho hay, chuyển đối số đối với doanh nghiệp hay nói cách khác là doanh nghiệp số thì phải có đầu ra, ở đó người dùng phải được hưởng thụ và trải nghiệm sản phẩm.
“Việc các doanh nghiệp CNTT tạo ra các sản phẩm CNTT là chuyện đương nhiên, nhưng chú trọng đến việc giải quyết bài toán thực tiễn làm sao đảm bảo đầu ra cho sản phẩm và giải quyết bài toán thực tiễn mà xã hội yêu cầu là rất cần thiết. Việc các dự án lớn, mang tính chủ trương định hướng lâu dài của các cấp chính quyền thì hiển nhiên các doanh nghiệp nhỏ sẽ không thể tham gia được mà phải các tập đoàn lớn vì nó còn mang tính ổn định và an toàn”- ông Phí Anh Tuấn chia sẻ.
Ông Phí Anh Tuấn – Hiệp hội Tin học TP HCM chia sẻ tại toạ đàm |
Cũng theo ông Phí Anh Tuấn, những vấn đề cụ thể, mang tính sáng tạo thì các doanh nghiệp nhỏ có thể kết hợp với các tập đoàn lớn để xây dựng các giải pháp mang tính linh hoạt, giúp giải quyết các vấn đề hiện hữu, hàng ngày mà các doanh nghiệp đang đối mặt. “Bởi chuyển đổi số là sự nghiệp chung của tất cả, của chính quyền, của doanh nghiệp và cuối cùng vẫn là sự trải nghiệm, sự đáp ứng yêu cầu thực tế của người dùng và có như vậy thì mới tạo dựng được những giá trị, chuyển đổi số mới thành công”- ông Phí Anh Tuấn cho hay.