Ngày 3/5, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2018, khi được hỏi về việc lựa chọn phương án xử lý trạm thu phí BOT Cai Lậy, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết Bộ GTVT đã trình Chính phủ 5 phương án, đã có “phân tích ưu, nhược điểm cụ thể, lượng hóa, quy đổi giá trị mỗi phương án thành thời gian thu phí bao lâu”.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT, tại buổi họp ngày 23/4 vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao các phương án được trình lên bởi Bộ GTVT và UBND tỉnh Tiền Giang, cùng việc phối hợp giữa các bộ ngành trong vấn đề quản lý thu phí thời gian qua. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận, giao cho Bộ GTVT và Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang quyết định thời điểm cụ thể để thực hiện một trong hai phương án trình trước đó.
Phương án 1 là giữ nguyên trạm hiện tại, giảm mức thu phí lớn, từ mức 35.000đ xuống 15.000đ đối với xe con. Phương án 2 là đặt thêm một trạm nữa trên tuyến tránh, 2 trạm này sẽ song song thu phí, khi hòa vốn phần tiền cho quốc lộ 1 thì dỡ trạm đó, hoàn vốn tuyến tránh thì kết thúc cả dự án.
Ông Đông phân tích, nếu thực hiện phương án 2 thì sẽ phát sinh thêm kinh phí đầu tư xây dựng trạm thu phí, từ đó chi phí sẽ tăng lên và kéo dài thêm thời gian thu phí. Vì vậy, Thứ trưởng Đông đánh giá phương án 1 được coi là phương án tối ưu trong bối cảnh hiện tại, vì nó ít gây xáo trộn tổ chức giao thông trong nội đô và ít tác động đến “ô nhiễm môi trường”.
"Trên cơ sở kết luận của Thủ tướng, Bộ GTVT sẽ thực hiện chỉ đạo, tiếp tục triển khai, phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Tiền Giang để tính toán chi tiết các vấn đề đặt ra, làm tốt công tác truyền thông. Khi Chính phủ quyết định thời gian cụ thể, chúng tôi sẽ thông báo rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng và thông báo đến người dân" - Thứ trưởng Đông nói.
5 phướng án Bộ GTVT trình Thủ tướng về xử lý trạm BOT Cai Lậy
Phương án đề xuất thứ nhất của Bộ GTVT là giữ nguyên vị trí trạm thu phí BOT hiện tại. Nhưng giảm khoảng 30% giá phí qua trạm so với phương án ban đầu.
Cụ thể, giá phí qua trạm đối với phương tiện nhóm 1 (xe 4 chỗ) sẽ giảm xuống còn 15.000 đồng/lượt, thấp nhất trong các dự án BOT trên quốc lộ 1.
Đồng thời, mở rộng diện miễn giảm giá cho các phương tiện vùng lân cận theo hướng miễn phí các loại xe buýt và các loại phương tiện không sử dụng để kinh doanh, giảm 50% cho các loại phương tiện sử dụng để kinh doanh.
Bộ GTVT cho biết, áp dụng phương án 1 thời gian thu phí hoàn vốn đầu tư dự án bị kéo dài, vào khoảng 15 năm 9 tháng.
Phương án 2 do Bộ GTVT đề xuất là lập thêm trạm thu phí BOT trên tuyến tránh, và thu giá với phương tiện nhóm 1 tại trạm hiện nay với mức 15.000 đồng/lượt, thu tại trạm mới trên tuyến tránh thu giá 25.000 đồng/lượt.
Phương án này đòi hỏi vốn đầu tư phát sinh khoảng 90 tỷ đồng và phải có thêm diện tích đất để xây trạm, đồng thời có thể sẽ khiến ùn tắc trên Quốc lộ 1 do phương tiện chọn đi hướng này để hưởng mức phí thấp.
Phương án 3 là giữ nguyên vị trí trạm thu phí hiện nay và mức giá 25.000 đồng/lượt (với phương tiện nhóm 1). Phương án này có thời gian hoàn vốn ngắn, khoảng 7 năm 7 tháng.
Tuy nhiên, phương án này cần được tuyên truyền tốt về nội dung vị trí đặt trạm là đúng quy định, và cơ quan Công an cùng địa phương phải có phương án, biện pháp đảm bảo tiếp tục tổ chức thu phí tại trạm BOT hiện nay.
Phương án 4 là chuyển hẳn trạm thu phí BOT Cai Lậy về tuyến tránh. Theo Bộ GTVT, phương án này sẽ cho kết quả thu không đảm bảo cho chủ đầu tư và nhà nước phải hỗ trợ khoảng 1.250 tỷ đồng vào năm 2019.
Phương án 5 là xóa hẳn trạm thu phí BOT Cai Lậy hiện nay, dùng vốn nhà nước thanh toán cho nhà đầu tư tương ứng với doanh thu hợp đồng BOT đã ký.
Phương án này có thời gian hoàn trả vốn đầu tư 7 năm 7 tháng, số tiền thanh toán hàng năm ước tính khoảng 2.026 tỷ đồng.
Trước đó, Trạm BOT Cai Lậy đã bắt đầu ùn tắc từ cuối tháng 7, đầu tháng 8/2017 và phải tạm dừng thu phí. Sau khi bình ổn tình hình, đầu tháng 12/2017, trạm này thu phí trở lại và tiếp tục ùn tắc, phải dừng thu phí cho đến nay.