​Thủ đô nước Ý “trước bờ vực suy tàn”

Các chính trị gia và doanh nhân Ý vừa lên tiếng cảnh báo thủ đô Rome đang “đứng trước bờ vực của sự suy tàn” do chính quyền bị mafia xâm nhập, các dịch vụ cơ bản xuống cấp, hệ thống giao thông ngày càng tồi tệ.
Đường phố Rome ngập rác thải - Ảnh: Reuters
Đường phố Rome ngập rác thải - Ảnh: Reuters


“Thành phố vĩnh hằng” Rome là một trong 10 thành phố lớn nhất châu Âu, dân số 2,8 triệu dân. Thành phố trái tim của nước Ý có những quảng trường, đài phun nước, viện bảo tàng và nhà thờ thuộc vào loại đẹp nhất thế giới. Nhưng hiện Rome đang xuống cấp trầm trọng về mọi phương diện.

Hệ thống tàu điện ngầm của Rome bị quá tải và luôn trễ giờ - Ảnh: Reuters
Hệ thống tàu điện ngầm của Rome bị quá tải và luôn trễ giờ - Ảnh: Reuters

“Rome đang đứng trước bờ vực của sự sụp đổ - Reuters dẫn lời ông Giancarlo Cremonesi, chủ tịch Phòng Thương mại Rome, than thở - Thật không thể chấp nhận được việc một thành phố lớn, tự nhận mình là phát triển lại có thể rơi vào tình trạng suy tàn như vậy”.

Một ví dụ điển hình của tình trạng xuống cấp là sân bay Flumicino, cảng hàng không lớn nhất nước Ý và là cửa ngõ quốc tế vào thủ đô. Đến nay, sân bay vẫn chưa thể phục hồi sau vụ hỏa hoạn ngày 7-5. Dù lửa chỉ bốc lên trong một khu vực của một trong ba nhà ga, nhưng đến nay mỗi ngày vẫn có tới 40% chuyến bay bị hủy.

Nguyên nhân do những tranh cãi xung quanh vấn đề chất gây ô nhiễm từ vụ hỏa hoạn tạo ra mối nguy hiểm ở sân bay. Các thẩm phán địa phương ra lệnh phong tỏa khu vực hỏa hoạn trong nhiều tuần lễ để kiểm tra chất lượng không khí, trong khi hàng loạt cơ quan nhà nước cãi cọ nhau về tình trạng ô nhiễm.

Ông Vito Riggio, lãnh đạo Tổng cục Hàng không dân dụng Ý, khẳng định lẽ ra chính quyền địa phương phải lập tức di dời các cơ sở, vật liệu bị lửa làm hư hại để khôi phục sân bay. “Nhưng họ lại ra lệnh đóng cửa khu vực này. Nguồn gốc gây ô nhiễm vẫn còn nguyên. Chẳng ai trong chính quyền nói gì cả” - ông Riggio bức xúc.

Chưa rõ đến bao giờ sân bay Flumicino mới hoạt động bình thường trở lại và hiện mùi nhựa cháy vẫn lẩn khuất khắp sân bay. Chính quyền Rome vẫn đang tiến hành cuộc điều tra. Và tinh trạng bế tắc tiếp diễn.

Vòi bạch tuộc mafia

Trong khi đó, nội tình tòa thị chính Rome đang vô cùng rối ren do cuộc điều tra của chính phủ về cáo buộc mafia đã xâm nhập sâu vào chính quyền thủ đô. Hồi tháng 12-2014, báo chí giật tít mô tả Rome là “thủ đô mafia” khi hàng loạt quan chức thành phố bị bắt giữ vì dính líu đến các băng đảng tội phạm có tổ chức.

Nợ tới 14 tỉeuro (15,5 tỉUSD), Rome được chính quyền trung ương giải cứu khỏi nguy cơ phá sản bằng các quỹ khẩn cấp của nhà nước. Điều tra cho thấy mafia đã bòn rút nhiều triệu euro từ công quỹ thành phố nhờ hàng loạt hợp đồng hậu hĩ để thực hiện các dự án công, từ dọn rác đến cung cấp nơi ăn chốn ở cho người nhập cư.

Phần lớn cáo buộc tham nhũng nhắm vào chính quyền cũ của cựu thị trưởng Gianni Alemanno. Hiện ông này đang bị điều tra. Tuy nhiên mới đây các thẩm phán cho biết vòi bạch tuộc của mafia bám vào cả chính quyền hiện tại của thị trưởng Ignazio Marino, một đồng minh thân cận của Thủ tướng Ý Matteo Renzi.

Ông Marino không đối mặt với cáo buộc nào, nhưng một số quan chức dưới quyền ông đã bị điều tra và buộc phải từ chức. Trong lá thư được báoCorriere della Serađăng tải hôm 13-7, thị trưởng Marino thừa nhận phần lớn chính quyền thành phố Rome “đã mục ruỗng đáng kể”. Ông cam kết sẽ cải tổ thành phố. Mới đây ông Marino lập lực lượng 500 người để dọn dẹp sạch sẽ thành phố.

BáoIl Messaggerocũng ca cẩm “Rome đang tan vỡ thành từng mảnh“. Báo này đưa tin chi tiết về vấn nạn chuột bọ sinh sôi thành đàn đông đảo ở trung tâm thành phố. Khảo sát của Ủy ban châu Âu cho thấy Rome xếp hạng bét trong số 28 thủ đô Liên minh châu Âu về chất lượng dịch vụ công và áp chót về sự hài lòng đối với chất lượng cuộc sống.

Giao thông tồi tệ, trộm cắp gia tăng

Thời gian qua, lực lượng lái tàu điện ngầm ở Rome nhiều lần tổ chức biểu tình để phản đối các quy định lao động và giờ giấc ngặt nghèo mới. Trước đó thị trưởng Marino chỉ trích việc các lái tàu điện ngầm ở Rome chỉ làm việc trung bình 730 giờ mỗi năm, trong khi con số ở Milan là 1.200 giờ.

Cuộc tranh chấp này khiến các chuyến tàu liên tục trễ giờ, khiến nhiều hành khách gặp khó khăn khi di chuyển trong bầu không khí nóng bức của tháng 7. Trên mạng Internet, rất nhiều người lên tiếng chỉ trích hệ thống giao thông của Rome.

Rome là địa điểm du lịch hàng đầu nước Ý và năm ngoái thu hút 10,6 triệu du khách, nhưng con số này đã giảm so với mức trên 11 triệu của năm 2013. Người dân địa phương và các chuyên gia cho biết hạ tầng ngày càng tồi tệ của Rome chính là nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm này.

“Mọi khách du lịch đều khen Rome rất đẹp, nhưng tất cả đềuphàn nàn về chất lượng dịch vụ. Tàu điện ngầm chẳng khi nào đúng giờ, các trạm tàu đầy những kẻ móc túi, đường sá ngập rác thải. Tình hình ngày càng tồi tệ” - ông Marcello Lazazzera, một chủ khách sạn, than thở.

Chính quyền Rome lo ngại tình trạng trên sẽ trở nên tồi tệ hơn nữa vào năm 2016 khi 25 triệu tín đồ Thiên Chúa giáo kéo đến thủ đô Ý để dự các hoạt động tôn vinh Năm linh thiêng vì lòng nhân từ do Giáo hoàng Francis phát động. Đến nay tòa thị chính Rome vẫn chưa công bố chiến lược tiếp nhận dòng người đông đảo này và cũng chưa tính toán nguồn ngân sách nào để đảm bảo các chi phí.

Theo Tuổi trẻ