+ Có ý kiến cho rằng theo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt của Chính phủ, thì cứ có nồng độ cồn trong hơi thở ra đường sẽ bị phạt là quá “chặt”. Xin bà cho biết quan điểm về điều này?
- Tôi khẳng định Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt không hề “chặt”, vì Nghị định hoàn toàn phù hợp với mục tiêu của Luật phòng, chống tác hại rượu, bia - khuyến cáo người dân đã uống rượu, bia thì không lái xe hoặc nếu đã định điều khiển phương tiện giao thông thì không nên uống rượu, bia.
Bên cạnh đó, Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia không quy định cứ có nồng độ cồn ra đường là phạt. Luật chỉ quy định người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới không được có cồn trong máu và hơi thở. Việc phạt thế nào phải thực hiện theo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt của Chính phủ.
Theo tôi, Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia được ban hành vào thời điểm này là hoàn toàn phù hợp với bối cảnh. Đã đến lúc phải cảnh tỉnh người dân về thói quen sử dụng rượu, bia.
+ Có ngưỡng an toàn nào trong việc sử dụng rượu, bia không thưa bà?
- Thực tế, không có ngưỡng an toàn nào trong việc sử dụng rượu, bia. Bởi thông thường người dân đã uống là uống nhiều chứ không uống một chút hoặc nhấp môi.
Cảnh sát giao thông đo nồng độ cồn. Ảnh: Internet
|
Thống kê cho thấy, người Việt Nam tiêu thụ rượu bia rất nhiều, mức gia tăng cao và nhanh: Có tới 80,3% người dân sử dụng rượu, bia và 44% uống rượu, bia ở mức có hại (6 lon bia trong một lần uống). Mỗi năm Việt Nam tiêu thụ 1 tỷ lít bia, 350 triệu lít rượu (chủ yếu là rượu tự chế). Điều này cho thấy người dân uống rượu, bia quá nhiều.
Nếu quy định ngưỡng an toàn trong sử dụng rượu, bia thì người dân sẽ mất cảnh giác, có tâm lý chủ quan, không nhận thức đúng đắn về tác hại của rượu, bia. Không chỉ vậy, dù tiêu thụ ít thì rượu, bia vẫn có tác động đến sức khỏe.
Vì thế việc đặt ra ngưỡng an toàn trong việc sử dụng rượu, bia không có ý nghĩa tạo động lực cho người dân giảm tiêu thụ rượu, bia.
+ Hiện, vẫn còn nhiều ý kiến thắc mắc về việc ăn một số loại hoa quả, thực phẩm cũng có thể thổi ra nồng độ cồn. Xin bà thông tin rõ hơn về vấn đề này?
- Các sản phẩm hoa quả thông thường chúng ta ăn hàng ngày có tỷ lệ cồn rất thấp. Trong điều kiện bảo quản bình thường, khi ăn hoa quả tươi sẽ không có nồng độ cồn trong máu.
Tuy nhiên, đối với những trái cây như: nho, dâu tây, chuối, nhãn, mít,… sấy khô, để lâu lên men, chín nẫu sẽ chuyển sang trạng thái hoa quả lên men. Khi ăn các loại hoa quả này, trong máu sẽ có nồng độ cồn. Do đó, người dân cần cân nhắc khi ăn hoa quả đã lên men.
Nếu chủ động uống nước nho, nước dâu đã lên men thì người dân đã tiêu thụ sản phẩm chứa cồn. Lúc đó, khi tham gia giao thông, người dân phải tuân thủ theo quy định của pháp luật.
+ Bao lâu thì nồng độ cồn trong máu được đào thải hết thưa bà?
- Đối với nam giới khỏe mạnh, bình thường, chức năng gan tốt sau khi uống 2/3 lon bia hoặc một chén rượu (100ml/ 300ml) sau 3 giờ sẽ hết nồng độ cồn. Đối với nữ khoảng 3-4 giờ sau khi uống rượu, bia thì mới hết nồng độ cồn vì cơ chế đào thải rượu, bia của nữ kém hơn nam giới. Tuy nhiên, người dân thường uống nhiều rượu, bia nên cơ thể sẽ mất thời gian để đào thải cồn trong máu.
Sau khi uống rượu, bia cần cho gan được nghỉ ngơi, có thời gian đào thải nồng độ cồn trong máu.
Thường xuyên uống rượu, bia gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe. Ảnh: Internet
|
+ Sau khi Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 đến nay, chúng ta đã đạt được những kết quả gì, thưa bà?
- Tôi cho rằng quy định người điều khiển phương tiện giao thông không uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông trong Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia đã được người dân cũng như dư luận xã hội tích cực ủng hộ. Phần lớn người dân đã có nhận thức đúng đắn về Luật thông qua Facebook cá nhân, các trang mạng xã hội,…
Trong quá trình triển khai Luật, có một số đối tượng phản ứng khi mức phạt vi phạm tại Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt cao hơn so với trước. Tuy nhiên, sau khi giải thích, họ đã tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật.
Sau quy định cấm đốt pháo, đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông thì Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia đã chứng minh được giá trị răn đe, cảnh báo đối với người dân. Đây là một tín hiệu tích cực về mặt thực thi pháp luật, góp phần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật cho người dân.
+ Cảm ơn bà!