Hoa quả chín đến mức lên men sẽ trở thành sản phẩm chứa cồn

VietTimes -- Theo PGS. TS. Nguyễn Duy Thịnh – Viện công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội – những loại quả chín quá mức sau một thời gian lên men sẽ trở thành sản phẩm chứa cồn.
Cảnh sát giao thông đo nồng độ cồn. Ảnh: Internet
Cảnh sát giao thông đo nồng độ cồn. Ảnh: Internet

Trước thông tin về việc ăn hoa quả cũng thổi ra nồng độ cồn, trao đổi với PV VietTimes, PGS. TS. Nguyễn Duy Thịnh cho biết: “Những loại quả chín quá mức hoặc có hàm lượng tinh bột cao sau một thời gian, lượng đường trong quả sẽ chuyển hóa thành rượu. Lúc này, loại quả đó không phải là hoa quả nữa mà đã trở thành sản phẩm chứa cồn. Ví dụ như: cơm nếp sau một thời gian lên men trở thành rượu nếp, quả nho để lên men trở thành rượu nho,… Quy trình để hoa quả trở thành một sản phẩm chứa cồn là: tinh bột – đường – enzym lên men – rượu – axit.”

Vì thế những người nào ăn quả chín quá mức lên men biến thành rượu thì người đó đã tiêu thụ sản phẩm có cồn. Do đó, người lái xe cần lưu ý những loại quả nào quá chín đến mức lên men thì không nên ăn. Bởi dù ăn ít hay nhiều thì máy đo vẫn báo có nồng độ cồn trong khoang miệng.

Về trường hợp uống rượu, bia từ tối hôm trước nhưng hôm sau trong máu vẫn có nồng độ cồn, PGS. TS. Nguyễn Duy Thịnh cho hay: Có thể khả năng giải rượu qua gan của người đó kém, nên nồng độ cồn trong máu vẫn tồn tại. Nếu gan hoạt động mạnh, khi đi vào cơ thể, cồn sẽ được phân hóa thành CO2 và nước.

Thông thường chúng ta vẫn có các biện pháp giải rượu truyền thống như uống nước chanh, nước gừng,… Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp tạm thời để giải rượu. Người dân cần cân nhắc kỹ trước khi uống các loại thuốc giải rượu, bởi những sản phẩm này có thể không có công dụng tuyệt vời như quảng cáo.

Thông tin về một số sản phẩm giải rượu, bia đang được chào bán trên thị trường, PGS.TS. Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) - nhấn mạnh: “Hiện nay trên thị trường có một số sản phẩm các loại sản phẩm giải rượu bia. Song, người dân không nên có tâm lý coi đó là thuốc, khi uống vào thì có thể giải rượu hoàn toàn, không lo say xỉn. Những sản phẩm này chỉ có tác dụng hỗ trợ một phần quá trình chuyển hóa rượu mà thôi.”

Bên cạnh đó, người dân nên tìm hiểu kỹ về sản phẩm trước khi mua bằng cách tra thông tin công bố tại trang web của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế). Nếu sản phẩm đó không có tên trong danh mục sản phẩm đã được Cục An toàn thực phẩm xác nhận công bố, thì người dân không nên mua, sử dụng.

Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thay thế hoàn toàn Nghị định 46/2016/NĐ-CP và có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.

Một trong những điểm mới đáng chú ý nhất của Nghị định 100 là các quy định về tăng mức xử phạt đối với các vi phạm liên quan đến nồng độ cồn.

Cụ thể, người điều khiển xe ô tô vi phạm nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở (mức cao nhất) sẽ bị phạt tiền từ 30 đến 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 đến 24 tháng (quy định cũ tại Nghị định 46 thì mức xử phạt từ 16 - 18 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 4 - 6 tháng).

Cùng với hành vi vi phạm như trên nếu là người điều khiển xe mô tô sẽ phải chịu mức xử phạt từ 6 đến 8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 đến 24 tháng (quy định cũ tại Nghị định 46 thì mức xử phạt từ 3 - 4 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 3 - 5 tháng); người điều khiển xe đạp, xe thô sơ sẽ bị phạt từ 400-600 ngàn đồng (trước đây chưa quy định xử phạt về nội dung này). Các mức xử phạt đối với các vi phạm liên quan đến nồng độ cồn khác đều tăng so với các quy định cũ tại Nghị định 46.