Tại hội thảo về Thông tư 22/2024/TT-BYT quy định về thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế trực tiếp cho người bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) do Bộ Y tế tổ chức vào sáng nay, 30/10, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn thông tin: Thời gian vừa qua, Bộ Y tế đã có nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế. Tuy nhiên, một số cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) vẫn không cung ứng đủ, khiến người bệnh phải tự mua thuốc, vật tư y tế ở ngoài cơ sở KCB.
Theo Thứ trưởng, nguyên nhân thiếu thuốc, vật tư có thể do yếu tố khách quan như đấu thầu nhưng không có đơn vị trúng; ký hợp đồng cung ứng nhưng nhà thầu không cung ứng được do thiếu nguồn cung hay hàng hóa về chậm…
Vì thế, để đảm bảo quyền lợi của người bệnh BHYT khi cơ sở KCB không cung ứng đủ thuốc, thiết bị y tế, ngày 18/10/2024, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 22/2024/TT-BYT quy định thanh toán BHYT trực tiếp về chi phí thuốc, thiết bị y tế cho bệnh nhân BHYT, có hiệu lực từ 1/1/2025.
Quy định thanh toán trực tiếp có các điều kiện cụ thể: Thuốc thuộc Danh mục thuốc hiếm, thiết bị y tế loại C hoặc D, trừ thiết bị y tế chẩn đoán in vitro, thiết bị y tế đặc thù cá nhân. Bên cạnh đó, cơ sở KCB không có thuốc, thiết bị y tế do các nguyên nhân bất khả kháng. Thông tư cũng quy định mức thanh toán trực tiếp, hồ sơ, thủ tục thanh toán thuốc, thiết bị y tế vv…
“Bộ Y tế muốn lắng nghe ý kiến từ cơ sở để thực hiện đúng các quy định tại Thông tư số 22, đồng thời, mong muốn tiếp nhận các ý kiến đóng góp về dự thảo quy định về dự kiến chi KCB BHYT, hướng dẫn thanh toán điều chuyển thuốc, trang thiết bị, vận chuyển người bệnh, thanh toán các dịch vụ cận lâm sàng được chuyển đến cơ sở tiếp nhận …”- Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Riêng về thuốc được thanh toán BHYT trực tiếp, bà Vũ Nữ Anh - Phó Vụ trưởng Vụ BHYT Bộ Y tế - giải thích: Thông tư 22 quy định chỉ thanh toán BHYT trực tiếp cho Danh mục thuốc hiếm, vì việc thiếu thuốc ở các cơ sở KCB hầu hết rơi vào thuốc hiếm và thuốc ít có trên thị trường và người mắc bệnh hiếm cần được quan tâm. Danh mục thuốc hiếm có 214 hoạt chất điều trị hiếm và 228 hoạt chất trong danh mục thuốc không sẵn có với tổng số gần 450 hoạt chất sẽ được thanh toán trực tiếp.
“Còn các thiết bị y tế loại A,B là bông băng cồn gạc, ít thiếu và có thể thay thế, hay thiết bị được mua như các hàng hoá thông thường, sẽ không được thanh toán”- Bà Nữ Anh nhấn mạnh.
Tại hội thảo, nhiều cơ sở KCB của các tỉnh đã đặt ra các tình huống, nhất là lo lắng dễ bị bệnh nhân kiện vì không đảm bảo việc KCB, bà Trần Thị Trang - Vụ trưởng Vụ BHYT - lưu ý: Các bệnh viện chỉ được kê đơn để bệnh nhân thanh toán trực tiếp BHYT khi đáp ứng các quy định trong Thông tư 22.
Để đảm bảo quyền lợi người bệnh, tránh khiếu kiện, nếu bệnh viện không đảm bảo về thuốc, thiết bị y tế, thì không được tiếp nhận người bệnh, mà phải chuyển người bệnh đi cơ sở khác đáp ứng yêu cầu điều trị, trừ cấp cứu và trường hợp cấp chuyên sâu cao nhất không thể chuyển được.
Đại biểu các cơ sở KCB cũng đề xuất làm sao để người bệnh được thanh toán trực tiếp không phải làm các thủ tục thanh toán với cơ quan BHXH, mà thanh toán với BV, để BV thanh toán với BHXH. Về vấn đề này, bà Trang cho biết Luật BHYT sửa đổi sẽ có các quy định về vấn đề này.
Trước ý kiến của một số cơ sở KCB đề nghị mở rộng phạm vi thanh toán của thuốc và vật tư y tế, bà Trang giải thích: Thông tư về thanh toán trực tiếp không khuyến khích việc người bệnh phải mua ngoài và phải thanh toán trực tiếp, mà chỉ là giải pháp để hạn chế tối đa tình trạng người bệnh phải mua thuốc ngoài.
Một số bệnh viện phản ánh có trường hợp không nằm trong Danh mục thuốc hiếm, nhưng khi phát hành hồ sơ mời thầu thì có tới mấy chục nhóm thuốc không có nhà thầu tham dự, sau đấy gọi thầu trực tiếp thì giá thuốc cao hơn, cũng không thể đáp ứng được. Do đó, đề xuất những trường hợp bất khả kháng cũng được thanh toán trực tiếp.
Về vấn đề này, bà Trang cho hay đang tiếp tục kiến nghị sửa Luật đấu thầu và sẽ có bổ sung sau khi Luật BHYT được Quốc hội thông qua.