Thống đốc Lê Minh Hưng: Mặt bằng lãi suất đã giảm rất mạnh

VietTimes -- Thông tin này được Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội, diễn ra vào chiều ngày 16/11.
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng

Theo chương trình làm việc, chiều nay (16/11), dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng. Nhóm chất vấn bao gồm: Việc điều hành chính sách tiền tệ đảm bảo hỗ trợ sản xuất kinh doanh và tăng trưởng tín dụng; Hoạt động của các ngân hàng yếu kém đã được xử lý và giải pháp đảm bảo an toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ; Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ trưởng, Trưởng ngành khác cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

VietTimes xin tường thuật trực tiếp các phiên chất vấn này để cử tri và nhân dân cả nước cùng theo dõi.

(Nhấn F5 để cập nhật nội dung...)
Video trực tiếp buổi chất vấn chiều 16/11:
 

Giải pháp chuyển hóa vàng, USD trong dân vào nền kinh tế

Trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Công Nhường (đoàn Bình Định) về vấn đề huy động vàng, USD trong dân , Thống đốc Lê Minh Hưng cho rằng phương án bền vững khả thi nhất vẫn là Chính phủ và các bộ ngành cần kiên định mục tiêu điều hành ổn định kinh tế vĩ mô, tạo dựng lòng tin trong doanh nghiệp.

Về vấn đề vàng, thống đốc Hưng cho biết trong nhiều năm trước Việt Nam thường tốn nhiều ngoại tệ để nhập khẩu, gây bất ổn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, thị trường này ổn định, không mất ngoại tệ nhập vàng, thị trường này đã tự điều tiết. Như vậy đã chuyển hóa một phần nguồn lực vàng sang nền kinh tế.

Bên cạnh đó, Thống đốc NHNN cũng đề cập đến việc áp dụng trần lãi suất huy động ngoại tệ là 0%, điều này sẽ tác động đến chuyển hóa nguồn lực sang VNĐ. Ông Hưng cho rằng, thị trường ngoại hối đã có tỷ giá ổn định, nếu kiên định, giải pháp như trên sẽ là rất tốt.


NHNN vẫn kiểm soát chặt cho vay BOT, BĐS

Khẳng định việc NHNN sẽ kiểm soát chặt cho vay BOT, BĐS, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết các khoản vay trong lĩnh vực này đã thấp hơn trước, tỷ trọng cho vay BOT chỉ chiếm 1,5 tổng dư nợ tín dụng.

Trong khi, 10 tháng đầu năm, lĩnh vực BĐS chỉ khoảng 7,1% (so với trên 10% cùng kỳ năm ngoái).

Thống đốc khẳng định NHNN sẽ vẫn kiểm soát chặt việc này trong thời gian tới. Nhưng vẫn sẽ cho vay BOT nếu NĐT có phương án và năng lực tốt. Bên cạnh đó, việc cho vay BĐS sẽ được kiểm soát bằng tỷ lệ, như giảm vốn huy động ngắn hạn cho vay trung và dài hạn.


Lãi suất cho vay đã giảm mạnh

Giải quyết nợ xấu, xử lý dứt điểm tổ chức yếu kém theo thị trường, giảm lãi suất cho vay, đảm bảo an toàn hệ thống là các vấn đề mà đại biểu Trần Công Thuật (đoàn Quảng Bình) đặt ra với Thống đốc Lê Minh Hưng.

Trả lời những vấn đề này, Thống đốc Hưng cho biết, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm rất mạnh. Tuy nhiên, lãi suất ở VN còn phụ thuộc nhiều yếu tố liên quan.

Ông Hưng nhấn mạnh quan điểm kiên định trong điều hành kinh tế vĩ mô, tiền tệ là giữ lạm phát ở mức thấp và ổn định kinh tế. Vì vậy, để giảm lãi suất, ngoài công cụ ổn định thanh khoản để giảm lãi suất cần phải cắt giảm chi phí hoạt động, chi phí cho vay và đẩy nhanh xử lý nợ xấu.

Ông khẳng định giảm lãi suất cho vay sẽ là trọng tâm điều hành của NHNN trong thời gian tới.


Vướng mắc trong kê biên tài sản

Đại biểu Hà Thị Minh Tâm (đoàn Hà Nam) nêu vấn đề liên quan đến nợ xấu. Bà cho rằng nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu đã được ban hành với kỳ vọng phá tan được cục máu đông nợ xấu nhưng khi triển khai gặp nhiều vướng mắc. Việc xử lý nợ xấu tài sản do nhiều tài sản liên quan tới các vụ án, chưa thể hoàn tất hồ sơ.

“Vậy sự chưa hoàn thiện này là vấn đề gì? Giải pháp của ngành để khắc phục?” – bà Tâm đặt câu hỏi.

Trả lời về vấn đề này, Thống đốc Hưng nhấn mạnh Nghị quyết 42 là khuôn khổ pháp lý quan trọng, rất có ích trong vấn đề xử lý nợ xấu.

Do nghị quyết mới có hiệu lực từ 15/8 nhưng NHNN đã có những giải pháp cụ thể và triển khai quyết liệt. Tuy vậy, trong quá trình triển khai có một số vấn đề còn tồn tại như vướng mắc về tài sản kê biên. Thống đốc cho biết VAMC sẽ làm việc với các cơ quan chức năng, nếu họ đồng ý có thể nhận các tài sản kê biên trong các vụ án thì sẽ xử lý.

Một số khoản nợ xấu hồ sơ pháp lý không đầy đủ, chủ yếu là tài sản đảm bảo bằng bất động sản. Thống đốc nhấn mạnh việc hoàn thiện các giấy tờ pháp lý cho TSĐB, đặc biệt là BĐS là vấn đề ưu tiên hàng đầu.


Lại nóng chuyện huy động “vàng trong dân”

Đại biểu Lê Công Nhường (đoàn Bình Định) nêu 3 vấn đề chất vấn Thống đốc Lê Minh Hưng.

Thứ nhất, theo đại biểu Nhường, vốn trong dân rất lớn, nếu có chính sách hợp lý, người dân có niềm tin thì sẽ sẵn sàng giúp đất nước vượt qua khó khăn để phát triển.

Ông lấy ví dụ về gia đình cụ Trịnh Văn Bô và Hoàng Thị Minh Hồ đã hiến hơn 5000 lượng vàng để ủng hộ cách mạng. Ông dự báo có khoảng 500 tấn vàng và 10 tỷ USD hiện còn trong dân, “Đây là vốn chết, dân phải cất giữ mà không an toàn và cũng không có lợi cho phát triển kinh tế” – Ông Nhường nói.

Đại biểu đoàn Bình Định hỏi Thống đốc có giải pháp gì để huy động số vốn trong dân này để đưa vào sản xuất kinh doanh, đầu tư cho đất nước mà hợp lòng dân.

Thứ hai, ông Nhường đặt vấn đề NHNN có cam kết đảm bảo tiền gửi của người dân khi các TCTD phá sản mà Bảo hiểm tiền gửi chỉ cam kết chi trả 75 triệu đồng hay không?

Cuối cùng, ông đặt câu hỏi về vấn đề tiền ảo và Bitcoin. Bởi theo ông, đây là vấn đề rất nóng trong thời gian qua. 
"Thống đốc có đồng ý đề xuất cho ĐH FPT thu học phí bằng bitcoin, hay công ty Cốc Cốc thu hút vốn đầu tư từ Đức bằng đồng tiền? - ông Nhường nói.

Dự trữ ngoại hối tăng lên 46 tỷ USD

Lần đầu trả lời chất vấn, đã có 48 đại biểu đăng ký chất vấn Thống đốc Lê Minh Hưng.

Nói trước QH, ông Hưng cho biết năm 2016, ngành NH nhận được nhiều câu hỏi của cử tri, đại biểu và đều có văn bản trả lời.

Ông khẳng định sẽ xem việc trả lời là việc làm thường xuyên và không chỉ tại các kỳ họp Quốc hội.

Báo cáo với các đại biểu, Thống đốc NHNN cho biết toàn ngành NH đã triển khai quyết liệt và có những kết quả tích cực. “Mặt bằng lãi suất đảm bảo, tín dụng tăng an toàn, dự trữ ngoại hối tăng cao nhất. Từ đầu phiên khai mạc đến nay thì dự trữ tăng 1 tỷ USD. Đến nay thì dự trữ ngoại hối tăng lên 46 tỷ USD” – Thống đốc Hưng cho biết.