Tuyên bố thứ nhất: Ankara không công nhận bán đảo Crimea là lãnh thổ của Nga. Tuyên bố thứ hai: Bộ ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ không công nhận hiệu lực pháp lý của cuộc bầu cử Duma quốc gia (hạ viện) Nga diễn ra ở Crimea. Tuyên bố thứ ba: Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phát biểu tại Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc rằng: “Thổ Nhĩ Kỳ không công nhận việc sát nhập Crimea của Nga”. Các tuyên bố được đưa ra ngay trước khi Tổng thống Erdogan sắp có cuộc đàm phán với Tổng thống Nga Putin ở Sochi, ngày 29/9.
Giới chuyên gia cho rằng những phát ngôn của Tổng thống Erdogan với chuyến thăm của ông ta đến Sochi là ngẫu nhiên, và những quan điểm của Ankara về những vấn đề trên đã được dư luận biết đến từ lâu.
Nhưng giới chuyên gia của Nga lại cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ thể hiện thái độ có phần gay gắt hơn về những vấn đề đã cũ, có lẽ vì Ankara cảm thấy rất bức xúc trước những hoạt động của Nga ở thành phố Idlib của Syria.
Mới đây, Tổng thống Erdogan có bài phát biểu tại khóa họp 76 Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc, trong đó có đoạn: “Chúng tôi cho rằng, việc duy trì chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, kể cả Crimea, là hết sức quan trọng. Chúng tôi không công nhận việc sát nhập Crimea. Cần phải nỗ lực hơn nữa trong công tác bảo hộ cộng đồng người Tatar ở đây”.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra những tuyên bố trên trong khi Ankara đang quá nhiều nỗi lo về các vấn đề thế giới, bao gồm đấu tranh đòi quyền lợi cho người Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc, người Rohingya ở Myanmar, cuộc xung đột Palestine – Israel, cuộc xung đột ở Kashmir, tìm giải pháp cho đảo Síp, cho Karabakh và Afghanistan.
Dù sao đi chăng nữa, những lời lẽ của Ankara không thể không gây ra những phản ứng của Kremlin.
Thư ký Báo chí của Tổng thống Nga, Dmitry Peskov, tuyên bố: “Chúng tôi rất lấy làm tiếc phía Thổ Nhĩ Kỳ lại đưa ra những tuyên bố như vậy, khi tổng thống nước này đang chuẩn bị chuyến công du Liên bang Nga, tuy nhiên chúng tôi vẫn đang cố gắng tập trung phát triển quan hệ song phương và giải quyết các vấn đề nóng trong khu vực mà hai bên đang phải đối mặt. Những gì liên quan đến quan điểm của Ankara, đây là những điều mà chúng tôi đã biết từ lâu, và dĩ nhiên là chúng tôi kịch liệt phản đối những quan điểm đó và không tiếp tục làm việc với Thổ Nhĩ Kỳ về những vấn đề này nữa”.
Đại diện Báo chí của ông Putin cho biết thêm: “Chúng tôi nhiều lần nói thẳng với các đồng nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ của mình rằng những tuyên bố của Ankara là không thể chấp nhận được. Quan điểm của chúng ta về vấn đề Crimea là rất khác nhau. Rất tiếc là Thổ Nhĩ Kỳ lại có quan điểm như vậy. Tôi hy vọng rằng, dần dần theo thời gian, Ankara sẽ nảy sinh thiện chí chính trị và thay đổi quan điểm của mình, để đánh giá đúng sự thực và thực trạng của vấn đề”.
Ngược lại, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky rất vui khi nghe người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan nhắc đi nhắc lại những tuyên bố đã cũ rích của mình về vấn đề Crimea. Trong cuộc gặp với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ bên lề Kỳ họp khóa 76 Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc, ông Zelensky đã bày tỏ lòng biết ơn của mình trước quan điểm cứng rắn của Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề Crimea.
Tổng thống Ukraine nhấn mạnh quan hệ chiến lược giữa hai nước Ukraine – Thổ Nhĩ Kỳ và khẳng định tầm quan trọng phải thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế - thương mại, kỹ thuật quân sự và nhân đạo. Đặc biệt, hai bên đã trao đổi các vấn đề phối hợp hành động trong lĩnh vực năng lượng trong bối cảnh nguồn cung rất đa dạng. Hai tổng thống nhất trí thúc đẩy quá trình ký kết hiệp định thương mại tự do giữa Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ.
Được biết, một tháng trước, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Melvut Cavusoglu cũng tham dự hội nghị thượng đỉnh “Nền tảng Crimea” – một dự án chính trị của Ukraine, thông qua hoạt động này, Ukraine muốn nói lên mục đích lấy lại Crimea của mình.
Trao đổi với phóng viên báo Kommersant, giáo sư Torgul Ismail thuộc đại học Suytchu Imam ở thành phố Kahramanmarash cho biết: “Thổ Nhĩ Kỳ quan tâm tới rất nhiều vấn đề quốc tế, một trong những vấn đề đó là: bán đảo Crimea, vấn đề toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia trong khu vực. Về cuộc bầu cử hạ viện Nga ở Crimea, quan điểm của Ankara cũng giống nhiều nước khác trên thế giới. Hơn nữa, Ankara và Moscow luôn tìm được tiếng nói chung. Vì vậy cho đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa đưa ra bất kỳ lệnh trừng phạt nào chống lại Nga về vấn đề Crimea”.
Trưởng khoa luật pháp quốc tế, đại học Yeditepe ở thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ Mesut Hakki Jashin khẳng định: “Mặc dù quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ về Crimea như vậy, nhưng Ankara luôn hợp tác với Moscow, khác với Hy lạp và Bulgaria, Thổ Nhĩ Kỳ không dùng không phận của mình cho máy bay trinh sát, máy bay không người lái của Mỹ thực hiện hoạt động do thám ở Biển Đen, Crimea và khu vực xung đột Donbass. Thổ Nhĩ Kỳ luôn tôn trọng lợi ích của Nga ở Biển Đen. Vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ bán máy bay không người lái Bayraktar cho Ukraine là hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế và không gây nguy hại gì cho Nga”.
Ông Jashin cho biết thêm: “Sắp tới, Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Erdogan sẽ tiếp tục trao đổi ở Sochi về những vấn đề chưa được làm sáng tỏ, khẩu hiệu vẫn thường được hai bên nói tới đó là: những chiến sĩ của quân đội hai nước chúng ta vẫn luôn kề vai sát cánh bên nhau để tiêu diệt quân khủng bố ở Syria”.
Chuyên gia thuộc Uỷ ban quốc tế Nga Kirill Semenov nhận định: “Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra những quan điểm cứng rắn về Crimea là vì có những bất đồng với Nga trong vấn đề Syria, không quân Nga ném bom xuống Idlib sẽ tạo ra dòng người tỵ nạn mới. Đây sẽ là áp lực đối với Ankara trước cuộc đàm phán sắp tới với tổng thống Putin ở Sochi. Tháng 3 vừa rồi, Ankara đã gọi đại sứ Nga lên gặp về vấn đề này, tình hình có lắng dịu đôi chút. Thế nhưng từ tháng 6 trở lại đây, Nga lại tăng cường các cuộc ném bom xuống Idlib. Vì vậy, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cố tác động lên những điểm nhạy cảm của Moscow, để vấn đề Idlib được giải quyết ở cuộc gặp cấp cao Nga- Thổ sắp tới đây tại Sochi”.