Thị trường chứng khoán Việt Nam đang đứng trước yêu cầu nâng cấp trong những năm tới. Ảnh minh họa: TTXVN |
Chờ đón dòng vốn mới gia nhập thị trường
Ông Vũ Bằng - thành viên Tổ Tư vấn của Thủ tướng Chính phủ - cho biết nền tảng cho thị trường chứng khoán năm 2021 là rất tốt do dòng vốn rẻ vào Việt Nam vẫn duy trì ít nhất là đến giữa năm 2021 sẽ hỗ trợ sức cầu trên toàn thị trường.
Lý giải quan điểm của mình, ông Bằng cho rằng dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, lãi suất được duy trì ở mức thấp, dự trữ ngoại hối gia tăng, nợ công duy trì trong ngưỡng cho phép, tỷ giá ổn định, cùng nhiều yếu tố khác sẽ là dư địa khác hỗ trợ nền kinh tế Việt Nam phát triển. Ngoài ra, nhiều loại vaccine được đưa vào thử nghiệm là tín hiệu tốt cho kinh tế thế giới.
Đáng chú ý, chính sách tập trung phát triển cầu cho thị trường nội địa của Chính phủ sẽ là trụ cột quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng, theo ông Bằng.
Bên cạnh đó, chủ chương giảm thiểu thủ tục hành chính, gỡ bỏ điều kiện đầu tư - kinh doanh, xây dựng Chính phủ điện tử và thúc đẩy đầu tư công của các Bộ, ngành, địa phương cũng được vị chuyên gia này kỳ vọng sẽ thu hút thêm dòng vốn nước ngoài chuyển dịch vào Việt Nam.
Tương tự, ông Nguyễn Đức Hùng Linh - Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Đầu tư của PVI AM – nhận định yếu tố lãi suất đang hỗ trợ rất lớn cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Thậm chí, ông Linh còn kỳ vọng lãi suất thấp sẽ kéo dài đến năm 2025.
Còn ông Nhữ Đình Hoà - Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Bảo Việt chia sẻ, xu hướng tăng trưởng hiện nay của thị trường chứng khoán Việt Nam có nguyên nhân tới từ dòng vốn của các công ty chứng khoán ngoại đổ vào thị trường, bên cạnh dòng tiền chuyển hướng do lãi suất giảm.
Cũng theo lãnh đạo Công ty chứng khoán Bảo Việt, Việt Nam tiếp tục chịu áp lực nâng giá Đồng Việt Nam trong vòng 3-6 tháng tới - tạo điều kiện thuận lợi cho dòng vốn ngắn hạn từ các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan tham gia vào thị trường Việt Nam.
“Điều đó có thể là điểm lợi cho nhà đầu tư khi được vay margin rẻ, gia tăng sự cạnh tranh giữa công ty chứng khoán ngoại và nội”.
Margin khối công ty chứng khoán là 10.000 tỉ đồng tính tới cuối quí 3-2020, chiếm tỷ trọng 20-25% dư nợ toàn thị trường, theo ông Hoà.
SSI Research cho biết, tỷ trọng của Việt Nam trong rổ chỉ số MSCI Frontier Market 100 sẽ tăng từ 12,5% lên 28,76% vào tháng 11-2021 có thể là yếu tố tích cực thu hút dòng vốn nước ngoài đầu tư vào thị trường Việt Nam trong năm 2021.
“Nếu dòng vốn nước ngoài quay trở lại vào năm 2021, đặc biệt với tỷ trọng cao hơn cho Việt Nam trong chỉ số MSCI Frontier Market sẽ là yếu tố hỗ trợ mạnh cho thị trường chứng khoán trong năm sau, do chúng tôi nhận thấy nhà đầu tư cá nhân thường có động thái hành động theo nhà đầu tư nước ngoài”, SSI Research phân tích.
Đơn vị này cũng ước tính dòng vốn đầu tư vào thị trường chứng khoán sẽ là động lực giúp P/E thị trường năm 2021 đạt mức cao kỷ lục như mức đã đạt được trong vòng 3 năm qua là 21,6 lần tại ngày 22-3-2018, trong kịch bản tốt nhất.
Còn trong kịch bản cơ sở, SSI Research sử dụng mức hệ số P/E 18 lần cho chỉ số VnIndex trong năm 2021, tương đương mức tăng trưởng là 12,3%.
Công ty chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho rằng triển vọng và quy mô thị trường vẫn theo chiều hướng tích cực nhưng tốc độ tăng trưởng sẽ bị hạn chế.
Nguyên nhân vì hầu hết yếu tố hỗ trợ như thông tin thử nghiệm vắc-xin đạt hiệu quả cao, dòng tiền khỏe đã xuất hiện trong nửa cuối năm 2020 và hiệu ứng này có thể suy yếu dần trong thời gian tới.
VCBS dự báo VnIndex sẽ hình thành xu hướng vận động quanh một nền giá cao và chênh lệch giữa mức cao nhất với thấp nhất trong năm bị thu hẹp vào khoảng 20-150 điểm thay vì hơn 440 điểm như năm 2020.
"Mức tăng cao nhất trong năm có thể khoảng 8-12%", VCBS cho biết.
Yêu cầu nâng cấp thị trường vốn
Ông Nguyễn Đức Hùng Linh cho biết, xu hướng chung của nhà đầu tư nước ngoài là rút tiền khỏi các tài sản, thị trường nhiều rủi ro như Việt Nam từ giữa năm 2020 tới nay. Ngược lại, dòng vốn đã trở lại với thị trường ở một số quốc gia đã kiểm soát tốt dịch bệnh, gồm: Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc.
Nguyên nhân vì Việt Nam vẫn là thị trường chứng khoán mới nổi với mức độ rủi ro cao hơn so với các thị trường khác, theo ông Linh. Vì vậy, một mục tiêu quan trọng với thị trường chứng khoán Việt Nam là nâng hạng để thu hút thêm dòng tiền từ toàn cầu.
Ngoài ra, chỉ số VnIndex vượt 1.000 điểm phần lớn nhờ nhà đầu tư cá nhân - nhóm nhà đầu tư có “khẩu vị” thay đổi nhanh, theo ông Linh. Vị này cho rằng cần có các kênh đầu tư cho người gửi tiền có sự lựa chọn như trái phiếu doanh nghiệp, nhưng kênh này hiện chưa phát triển.
“Việc ai cũng lao vào đầu tư chứng khoán như hiện nay tạo cho tôi lo ngại như đã từng xảy ra ở thời điểm 2007”, ông Linh chia sẻ.
Ông Lê Hải Trà - thành viên phụ trách HĐQT của Sở giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE) - kỳ vọng Luật Chứng khoán mới, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư sửa đổi có thể tháo gỡ vấn đề về giới hạn sở hữu nhà đầu tư nước ngoài.
“Nhà đầu tư ngoại không quá quan tâm chuyện mở room doanh nghiệp lên 100% mà quan tâm làm sao có thể giao dịch, kiếm lời nhờ sự tăng giá của cổ phiếu của doanh nghiệp dù đã hết room”, ông Trà cho biết.
Ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước - cho biết, định hướng năm 2021 là tạo điều kiện thuận lợi cho dòng vốn ngoại, tiến tới nâng hạng thị trường.
Theo đó, Luật Chứng khoán có hiệu lực từ đầu năm 2021 sẽ giúp thị trường đáp ứng tốt hơn khẩu vị của nhà đầu tư chuyên nghiệp nhờ cải thiện tính minh bạch của các chủ thể tham gia.
Ngoài ra, việc các doanh nghiệp niêm yết, doanh nghiệp đại chúng lớn phải thực hiện báo cáo tài chính theo chuẩn mực quốc tế từ năm 2022 sẽ là yếu tố thuận lợi để thu hút trở lại dòng vốn ngoại, theo ông Dũng.
2020 - Năm thăng hoa của chứng khoán
Ấn tượng chứng khoán 2020: Năm của thép, chứng khoán, ngân hàng, KCN
Những cổ phiếu “ăn Tết” và những cổ phiếu làm “mất Tết” của nhà đầu tư
Theo TBKTSG
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu