Thị trường chứng khoán có nhiều yếu tố tích cực trong nửa cuối năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Lãi suất giảm, các hoạt động kinh tế, tiêu dùng nội địa và du lịch quốc tế được khôi lục là yếu tố ảnh hưởng tích cực tới thanh khoản trên thị trường chứng khoán trong nửa cuối năm 2023, theo UBCKNN.

Thị trường chứng khoán trong thời gian tới sẽ phụ thuộc phần lớn vào các chính sách kinh tế vĩ mô và triển vọng kinh tế trong nước cũng như thế giới
Thị trường chứng khoán trong thời gian tới sẽ phụ thuộc phần lớn vào các chính sách kinh tế vĩ mô và triển vọng kinh tế trong nước cũng như thế giới

Báo cáo cập nhật tình hình phát triển thị trường chứng khoán của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, tính đến hết tháng 4/2023, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu 3 sàn HOSE HNX và UPCoM ước đạt 5.416 nghìn tỉ đồng, tương đương 60,89% GDP ước tính năm 2022.

Số lượng nhà đầu tư liên tục tăng, tính đến cuối tháng 4/2023 đạt trên 7 triệu tài khoản, tăng hơn 1,5 lần so với cuối năm 2020 và vượt mức 5% dân số trước 3 năm so với mục tiêu được Chính phủ đưa ra.

Theo UBCKNN, diễn biến trên thị trường chứng khoán trong thời gian tới sẽ phụ thuộc phần lớn vào các chính sách kinh tế vĩ mô và triển vọng kinh tế trong nước cũng như thế giới.

Theo đó, tình hình lạm phát ở một số nền kinh tế như Mỹ, EU bắt đầu có xu hướng giảm, lộ trình tăng lãi suất của ngân hàng trung ương một số nước có xu hướng chậm lại là các tín hiệu tích cực cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng.

Bên cạnh đó, những nỗ lực của Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đẩy mạnh đầu tư công cũng được kỳ vọng sẽ đem lại những tác động tích cực cho nền kinh tế Việt Nam, kích thích các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước.

Ngoài ra, lãi suất huy động và cho vay của nhiều ngân hàng thương mại cũng tiếp tục xu hướng giảm trong một vài tuần cuối tháng 4 và đầu tháng 5/2023.

“Các yếu tố nền tảng vĩ mô và cân đối lớn cơ bản được giữ vững, trong tầm kiểm soát, các hoạt động kinh tế, tiêu dùng nội địa và du lịch quốc tế được khôi phục là yếu tố ảnh hưởng tích cực tới thanh khoản trên thị trường chứng khoán trong quý 3 và quý 4/2023”, UBCKNN nhận định.

5 giải pháp thúc đẩy, phát triển ổn định thị trường chứng khoán

Bên cạnh những yếu tố tích cực nêu trên, UBCKNN đánh giá, kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng trong năm 2023 vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Theo đó, UBCKNN đưa ra 5 giải pháp để đảm bảo sự vận hành liên tục, thông suốt, ổn định, minh bạch của thị trường, đồng thời thúc đẩy thị trường phát triển theo hướng bền vững, an toàn, minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.

Thứ nhất, về hoàn thiện khung pháp lý và thể chế, Bộ Tài chính rà soát tổng thể các quy định tại Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn nhằm khắc phục ngay những bất cập, vướng mắc; tăng cường các chế tài xử phạt vi phạm để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư... đảm bảo sự phát triển lành mạnh, minh bạch và bền vững của thị trường.

Thứ hai, đẩy nhanh tiến độ đưa vào vận hành hệ thống công nghệ thông tin của nhà thầu Hàn Quốc (KRX) nhằm tạo điều kiện triển khai các sản phẩm, dịch vụ mới trên thị trường chứng khoán và bảo đảm thị trường vận hành thông suốt, liên tục, an toàn, hiệu quả.

Đồng thời, Bộ Tài chính chỉ đạo các bên liên quan chuẩn bị nền tảng giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ; đẩy mạnh công tác tái cấu trúc thị trường chứng khoán, tái cấu trúc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ theo đề án đã được Thủ tướng phê duyệt.

Thứ ba, Bộ Tài chính tăng cường giám sát các công ty chứng khoán thực hiện đúng và đầy đủ vai trò là chủ thể giám sát tuyến đầu, kịp thời ngăn ngừa và phát hiện sớm các vi phạm trên thị trường; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho công tác thanh tra, giám sát; hoàn thiện và đưa vào sử dụng hệ thống giám sát giao dịch nâng cấp với các tính năng phân tích, cảnh báo, thống kê.

Bên cạnh đó, tiếp tục theo dõi sát diễn biến của thị trường chứng khoán trong nước và quốc tế; phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan đẩy mạnh công tác giám sát hoạt động giao dịch trên thị trường, có cảnh báo sớm đối với nhà đầu tư về các rủi ro (nếu có) của thị trường chứng khoán; tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên thị trường nhằm tăng tính răn đe, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trên thị trường, hướng đến sự phát triển minh bạch và bền vững.

Thứ tư, tăng cường cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời tới công chúng đầu tư, giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận nhanh và đầy đủ nguồn thông tin chính thống, hạn chế sự tác động về tâm lý do tin đồn, tin giả mạo trên thị trường.

Cuối cùng, tích cực phối hợp với các tổ chức quốc tế triển khai các giải pháp để sớm nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam theo lộ trình đã đặt ra nhằm thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường Việt Nam./.