Theo UBND tỉnh Bình Dương, thành phố Tân Uyên được thành lập trên cơ sở toàn bộ 191,76 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 466.053 người của thị xã Tân Uyên. Trụ sở của thành phố Tân Uyên sử dụng trụ sở làm việc của thị xã Tân Uyên trước đây.
Thành phố Tân Uyên giáp các thành phố Dĩ An, Thủ Dầu Một, Thuận An, thị xã Bến Cát, huyện Bắc Tân Uyên thuộc tỉnh Bình Dương và huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.
Tháng 2/2012, Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trên cả nước có 4 thành phố trực thuộc, gồm TP Hạ Long, Móng Cái, Uông Bí và Cẩm Phả.
Đến ngày 12/4/2023, khi thị xã Tân Uyên lên thành phố, tỉnh Bình Dương trở thành địa phương thứ hai - sánh ngang cùng với Quảng Ninh - cũng có 4 thành phố trực thuộc tỉnh, gồm TP Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An và Tân Uyên.
Sau khi thành lập, thành phố Tân Uyên có 12 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 10 phường: Hội Nghĩa, Khánh Bình, Phú Chánh, Tân Hiệp, Tân Phước Khánh, Tân Vĩnh Hiệp, Thái Hòa, Thạnh Phước, Uyên Hưng, Vĩnh Tân và 2 xã: Bạch Đằng, Thạnh Hội.
Với vị trí địa lý đặc biệt, TP. Tân Uyên là địa bàn quan trọng của Bình Dương cả về chính trị, quân sự, kinh tế và văn hóa, xã hội; thuận lợi trong việc thu hút đầu tư các ngành công nghiệp, dịch vụ, thương mại.
Trên địa bàn Tân Uyên, có hệ thống giao thông đối ngoại, thuận lợi cho việc giao thương, vận chuyển hàng hóa luân chuyển đi các tỉnh, thành phía Nam; có cảng Thạnh Phước là cảng sông đầu tiên của thành phố, mở ra nhiều cơ hội mới trong lĩnh vực logistics.
Ông Bùi Minh Trí - Bí thư Thành ủy Tân Uyên - cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt khoảng 12,57%/năm. Trong đó, ngành công nghiệp phát triển dẫn đầu. Hiện nay, thành phố Tân Uyên có 3 khu công nghiệp, 3 cụm công nghiệp với 1.866 doanh nghiệp trong nước, 637 doanh nghiệp nước ngoài. Cơ cấu kinh tế công nghiệp - thương mại, dịch vụ - nông nghiệp với tỷ trọng lần lượt là 64,17% - 34,6% - 1,23%.
Thành phố Tân Uyên đang có 2 dự án khu công nghiệp VSIP lớn nhất Bình Dương và cả nước: Khu công nghiệp VSIP II có quy mô 2.045ha và khu công nghiệp VSIP III quy mô 1.000 ha, tổng mức đầu tư hạ tầng dự kiến 6.407 tỉ đồng. Tập đoàn Lego (Đan Mạch) đã chính thức động thổ dự án xây dựng nhà máy tại đây với tổng vốn đầu tư 1.318 triệu USD. Đây là dự án đầu tư lớn nhất của Đan Mạch vào Việt Nam từ trước tới nay.
Theo chủ trương của UBND tỉnh Bình Dương, đến năm 2025, TP. Tân Uyên tiếp tục khai thác lợi thế và tiềm năng để trở thành trung tâm dịch vụ đô thị sau năm 2025. Mục tiêu tổng quát là xây dựng và phát triển TP. Tân Uyên trở thành một trung tâm lớn phía Nam tỉnh Bình Dương về công nghiệp, dịch vụ thương mại, tài chính, văn hoá - du lịch và là một đô thị mới hiện đại.
Không gian liên kết giữa đô thị Tân Uyên và đô thị Bình Dương cũng như TP. Hồ Chí Minh và TP. Biên Hòa sẽ được kết nối thành một đại đô thị phía Nam, là đầu mối giao thông quan trọng của tỉnh và của vùng.
Thời gian tới, thành phố Tân Uyên sẽ tiếp tục đầu tư hạ tầng giao thông với các công trình trọng điểm như: Cầu Bạch Đằng 2, đường vành đai 4, đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Chơn Thành,...
Định hướng đến năm 2030, Bình Dương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Tỉnh sẽ đi đầu trong chuyển đổi mô hình phát triển, hướng tới các ngành công nghiệp hiện đại và dịch vụ chất lượng cao.
Đến năm 2050, Bình Dương sẽ là thành phố thông minh, trung tâm công nghiệp hiện đại, trung tâm dịch vụ chất lượng hàng đầu châu Á và là môi trường văn minh, đáng sống, thịnh vượng, bền vững. Bình Dương cũng sẽ là một trong các địa phương đi đầu trong hoàn thành mục tiêu phát thải trung tính "Net-zero 2050"./.