Nhiều người dự đoán rằng chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ toàn cầu với nhịp độ nhanh nhất trong 40 năm sẽ giáng đòn chí mạng lên nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, trong năm 2023, dường như nền kinh tế không chịu nhiều tác động từ lãi suất cao hơn, theo The Economist.
Không chỉ có lạm phát cao dai dẳng, mà các hoạt động của nền kinh tế dường như trở nên sôi nổi hơn. Đà tăng trưởng cao hơn nghe có vẻ tốt, nhưng nó lại là cơn ác mộng của các nhà hoạch định chính sách, những người đang cố gắng làm chậm nền kinh tế.
Điều này cũng có nghĩa rằng nếu một cuộc suy thoái xảy ra, nó sẽ gây ra nhiều hậu quả hơn.
Vào thời điểm cuối năm 2022, theo các nghiên cứu kinh tế, sản lượng sản xuất và hoạt động trong ngành dịch vụ đã thu hẹp trên phạm vi toàn thế giới. Còn hiện tại, sản lượng sản xuất đang đi ngang còn dịch vụ phục hồi trở lại. Người tiêu dùng Mỹ đang chi tiêu mạnh tay. Cả lương và giá cả đều tiếp tục tăng nhanh, ngay cả ở những khu vực mà trước đây chúng bị đình trệ.
Nhật Bản sẽ có đợt tăng lương đáng chú ý trong mùa Xuân năm nay. Ở khu vực eurozone, tốc độ tăng theo tháng của lạm phát lõi, trừ giá thực phẩm và năng lượng, đã cán mốc kỷ lục trong tháng 2. Các thị trường lao động vẫn hết sức khoẻ mạnh. Theo The Economist, ở một nửa các nước thành viên của OECD, tỷ lệ việc làm đang ở mức cao kỷ lục.
Các thị trường tài chính giờ kỳ vọng vào đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở mức vượt xu hướng.
Cách đây không lâu, các nhà đầu tư còn đang tranh luận về việc liệu nền kinh tế thế giới sẽ có cú “hạ cánh cứng” bao gồm một cuộc suy thoái, hay “hạ cánh mềm”, trong đó lạm phát được kiềm chế mà không xảy ra suy thoái.
Giờ đây, họ đang đặt ra câu hỏi rằng liệu nền kinh tế thế giới có 'hạ cánh' hay không.
Có một vài nguyên nhân dẫn đến sự tăng tốc của nền kinh tế thế giới. Một đợt bùng nổ nhỏ diễn ra trên các thị trường vào thời điểm cuối năm 2022. Trung Quốc gỡ bỏ chính sách zero-COVID, dẫn tới đà phục hồi nhanh chóng. Giá năng lượng giảm ở châu Âu. Nhưng nguyên nhân chủ yếu là, người tiêu dùng và doanh nghiệp ở các nền kinh tế lớn nhất đang trong tình trạng sức khoẻ tài chính tốt.
Nhiều hộ gia đình vẫn còn đang rủng rỉnh với khoản tiền tiết kiệm dôi thừa mà họ tích luỹ được trong giai đoạn đại dịch COVID-19. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp đã được hưởng lãi suất thấp trong khoảng thời gian dài nên vẫn chưa chịu nhiều ảnh hưởng từ chi phí cho vay cao hơn.
Chỉ ở trong những lĩnh vực nhạy cảm với lãi suất nhất của nền kinh tế, như bất động sản, tầm ảnh hưởng của lãi suất cao mới được thể hiện rõ rệt. Ở Mỹ, nền kinh tế khoẻ mạnh đến nỗi ngay cả lĩnh vực bất động sản cũng đang phục hồi nhẹ.
Sự bứt tốc này chỉ ra rằng suy thoái chưa chắc sẽ xảy đến. Nhưng nó cũng có nghĩa rằng các ngân hàng trung ương sẽ phải nâng lãi suất cao hơn để có thể đạt mức lạm phát mục tiêu 2%. Vào ngày 7/3 vừa qua, Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng đã đưa ra tuyên bố về khả năng nâng lãi suất cao hơn, gây nên cú sốc cho các thị trường chứng khoán.
Các nhà hoạch định chính sách giờ phải đối diện với 2 đánh giá khác biệt. Thứ nhất là quy mô của chiến dịch thắt chặt tiền tệ mà họ áp dụng vẫn chưa mang lại tác dụng đầy đủ. Các nhà kinh tế học thường nói về độ trễ của các đợt nâng lãi suất, nhưng nghiên cứu cho thấy chính sách có thể có tác dụng nhanh hơn trong thời điểm hiện nay. Nếu tác dụng của các đợt nâng lãi suất năm ngoái đã hết, vậy Fed cần phải tiếp tục nâng lãi suất.
Thứ hai là đánh giá về sự dai dẳng của các nhân tố đã khiến cho nền kinh tế miễn nhiễm với các đợt nâng lãi suất. Đến cuối cùng, người tiêu dùng sẽ sử dụng hết lượng tiền tiết kiệm dôi thừa và doanh nghiệp sẽ cảm nhận được ảnh hưởng của chi phí vay mượn cao hơn. Ở những nước như Thuỵ Điển, nơi mà các đợt nâng lãi suất nhanh chóng tác động tới các hộ gia đình, nền kinh tế đang hứng chịu hậu quả.
Có một điều khá rõ ràng: 'con đường' lý tưởng nhất – lạm phát giảm trong khi đà tăng trưởng không bị kéo tụt đáng kể - dường như nhỏ hẹp hơn nếu so với chỉ một tháng trước.
Các ngân hàng trung ương có thể sẽ phải chọn lựa giữa việc đặt mục tiêu lạm phát cao hơn và “hãm phanh” nền kinh tế trong năm thứ hai liên tiếp./.
Ông Jerome Powell: Fed sẵn sàng tăng tốc độ nâng lãi suất
Điều 'lạ kỳ' của kinh tế Mỹ khiến Fed gặp khó trong cuộc chiến chống lạm phát
Thị trường bất động sản Mỹ đứng trước nguy cơ suy thoái
Theo The Economist
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu