5 trụ cột, 6 hành lang, 4 trung tâm động lực để phát triển kinh tế, cùng với các khâu đột phá huy động mọi nguồn lực, là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình xây dựng Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới.
Một trong 5 trụ cột được Thanh Hóa đưa vào nghị quyết là chương trình phát triển du lịch, nhằm tạo ra sự đột phá của ngành công nghiệp không khói, góp phần tăng trưởng kinh tế ngày một nhanh và bền vững hơn.
Suối cá thần - điểm đến không thể bỏ qua khi khách du lịch đến Thanh Hóa |
Mặc dù được xem là vùng đất đầy tiềm năng về du lịch, nhưng dăm bảy năm trở lại đây, du lịch mới được xứ Thanh coi trọng và xác định là một trong những mũi nhọn, chính thức ghi trong nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa và được xác định là một trong 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội.
Nói về tiềm năng, thế mạnh của du lịch Thanh Hóa không biết bao nhiêu là đủ, vì lịch sử đã ghi lại và nhiều người, kể cả người nước ngoài, rất tường tận. Chỉ có thể nói vắn tắt đó là vùng đất "địa linh nhân kiệt", là "miền thắng tích" với gần 1.600 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng.
Trong đó có hơn 140 Di tích cấp Quốc gia; 1 Di sản Văn hóa Thế giới Thành nhà Hồ; 5 Di tích Quốc gia Đặc biệt (Lam Kinh, Đền thờ Lê Hoan, Đền bà Triệu, hang Con Moong, thắng tích Sầm Sơn).
Khi nhận định về về xứ Thanh, trong Lịch triều Hiến chương loại chí, dư địa chí, cụ Phan Huy Chú có viết:
"...Vẻ non sông tốt tươi chung đúc
Nên sinh ra nhiều bậc quân vương
Bởi đất thiêng sinh nhiều bậc phi thường
Khí tinh hoa tụ vượng nẩy sinh nhiều văn sĩ..."
Còn giáo sư Hoàng Xuân Hãn khẳng định: "...trong cả nước Việt Nam, không nơi nào có nhiều cảnh đẹp như ở Thanh Hóa..."
Phối cảnh Khu nghỉ dưỡng khoáng nóng Quảng Yên đang được đầu tư gần 7.000 tỉ đồng để xây dựng |
Cách đây trên 110 năm người Pháp đã đến khảo sát, tìm hiểu các vùng biển Đông Dương và nhận định: Trong các bãi biển tốt nhất ở Việt Nam, thì bãi biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) được xếp thứ nhất với các tiêu chí, đẹp; cát mịn, sạch; bãi tắm thoai thoải kéo dài ra phía biển; sóng biển phù hợp cho người tắm và nồng độ muối (độ mặn) rất phù hợp cho sức khỏe con người...
Vì thế, hơn nửa thế kỷ qua, mọi người có về Thanh Hóa chỉ tập trung vài 3 tháng mùa hè để tắm biển Sầm Sơn. Tuyệt nhiên không ai nói đi du lịch Sầm Sơn và cũng chẳng người nào bảo đi du lịch Thanh Hóa...
Biển Sầm Sơn mùa du lịch |
Tôi quả quyết tỉnh Thanh Hóa làm du lịch vào loại sớm nhất cả nước, mặc dù lúc ấy chưa nói phát triển du lịch, kinh tế du lịch. Xin dẫn, trước mùa hè năm 1989 để chuẩn bị cho mùa "tắm biển Sầm Sơn", lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, mà người đứng đầu là Bí thư tỉnh ủy Lê Huy Ngọ, qua nhiều lần "bàn lên tính xuống" đã quyết định tổ chức "Hội chợ Sầm Sơn" với khẩu hiệu "Sầm Sơn sức khỏe- kinh tế -bạn bè".
Nếu như bây giờ có thể nói hội chợ năm 1989, Thanh Hóa đã bắt đầu làm du lịch, phát triển du lịch thực thụ. Hội chợ Sầm Sơn năm ấy thành công ngoài mong đợi và là cú "hích" cho việc làm kinh tế và phát triển du lịch sau này...
Phác họa vài nét về tiềm năng, thế mạnh của Thanh Hóa để thấy rằng, những năm gần đây Thanh Hóa đã đặt nhiệm vu trọng tâm phát triển du lịch trong phát triển kinh tế, để thực hiện sớm trở thành cực tăng trưởng mới mà trung ương kỳ vọng. Mặt khác, phát triển du lịch bao giờ cũng phải tính đến đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng và cho ra đời nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn.
Bến En - Hạ Long ở Thanh Hóa |
Xét cho cùng tiềm năng và thế mạnh về phát triển du lịch của xứ Thanh không thua kém bất cứ địa phương nào trong cả nước. Có điều, nói đi du lịch Thanh Hóa là đến Sầm Sơn và cũng chỉ đi tắm biển! Mặc dù những năm gần đây nhất là sau "Năm du lịch Quốc gia - Thanh Hóa 2015" có khác đôi chút.
Nhưng, thế độc canh, mùa vụ vẫn đang ngự trị. Tăng trưởng của ngành công nghiệp "không khói" Thanh Hóa có "nhúc nhích" nhưng chưa xứng với tiềm năng. Xin ví dụ: Tính từ năm 2017-2019, tổng lượng khách đến Thanh Hóa đạt 24,9 triệu lượt; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 15,4% năm (khách quốc tế đạt trên 719,7 nghìn lượt, tăng trưởng bình quân đạt 24,8% năm). Tổng thu du lịch đạt 33,131 tỉ, tốc độ tẳng trưởng bình quân đạt 32,1% năm. Mức chi tiêu bình quân của khách du lịch (nội địa) khoảng 730.000đ- 783.000đ/ngày. Còn khách quốc tế có "ăn chơi nhảy múa" tối đa cũng chỉ chi tiêu 93 USD -103 USD/ngày...
Xác định Sầm Sơn làm trung tâm để đẩy mạnh du lịch biển, Thanh Hóa đã triển khai nhiều chính sách ưu tiên kêu gọi các nhà đầu tư lớn về du lịch đến với vùng đất đầy tiềm năng này. Đầu tiên là Tập đoàn FLC rồi Sun Group, Flamigo...với các đại dự án mà số vốn đầu tư lên đến vài tỉ USD, trải dài 102 km bờ biển từ huyện Nga Sơn đến thị xã Nghi Sơn của Thanh Hóa. Các dự án đã, đang và tiếp tục được xây dựng. Một số dự án đã hoàn thành đưa vào vận hành tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách.
Từ phát triển du lịch "dọc" theo chiều dài vùng biển, Thanh Hóa đã tập trung kêu gọi đầu tư phát triển du lịch "ngang" (phía Tây Thanh Hóa) như Dự án khoáng nóng Quảng Yên, Dự án quần thể du lịch đẳng cấp quốc tế Bến En ( Hạ Long ở xứ Thanh), Suối cá thần, Pù Luông... Cải tạo, nâng cấp các di tích danh lam thắng cảnh đã có như Khu di tích Lam Kinh, Thành nhà Hồ, hang Con Moong, thác Ma Hao, động Bo Cúng, hồ Cửa Đạt, Hàm Rồng- sông Mã...thực sự mang lại sức sống mới cho du lịch xứ Thanh...
Quảng trường biển Sầm Sơn - một trong những hạng mục của đại dự án 1 tỉ USD đã đưa vào vận hành |
Cùng với việc kêu gọi được nhiều nhà đầu tư kinh doanh du lịch, mạng lưới giao thông dày đặc dọc ngang đấu nối với các điểm, trung tâm du lịch cũng được cải tạo nâng cấp tạo thuận lợi cho người và phương tiện đi lại.
Ngoài QL 1A, đường sắt Bắc -Nam, đường Hồ Chí Minh, cao tốc Bắc - Nam (đoạn qua Thanh Hóa) sắp hoàn thành, Cảng hàng không Thọ Xuân... đã tạo điều kiện cho du khách trong và ngoài nước đi du lịch Thanh Hóa có nhiều thuận lợi.
Cần nói thêm rằng, qua gần 10 năm đi vào khai thác, đến nay Cảng hàng không Thọ Xuân tăng trưởng qua các năm vô cùng ấn tượng, lượng hành khách qua cảng đã vượt ngưỡng thiết kế (1,2 triệu hành khách/năm). Từ chỗ hầu như không có khách du lịch đến Thanh Hóa bằng đường hàng không, đến nay đã có nhiều du khách đến và đi từ Thanh Hóa bằng máy bay.
Cảng hàng không Thọ Xuân gần 10 năm hoạt động đã vượt công suất thiết kế |
Chính xác định du lịch là 1 trong 5 trụ cột trong phát triển kinh tế, xã hội, lãnh đạo và cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở vào cuộc nên bước đầu hiệu quả rất khả quan.
Kết quả kinh doanh du lịch 10 tháng năm 2022 đã có 10.557.700 lượt khách đến Thanh Hóa, tăng gấp 3,3 lần so với cùng kỳ năm 2021, đạt 105,6% kế hoạch năm 2022 (trong đó khách quốc tế đạt trên 147.000 lượt khách). Tổng thu du lịch 10 tháng đạt 19.340 tỉ đồng, tăng gấp 4,1 lần so với cùng kỳ 2021, đạt 107% kế hoạch năm 2022 (trong đó tổng thu khách quốc tế 43.200.000 USD)
Có thể thấy, khi xác định đúng trọng tâm, với nhiều cách làm sáng tạo và sự "uyển chuyển" trong kêu gọi đầu tư vào du lịch, bức tranh du lịch của xứ Thanh ngày càng thêm màu thêm sắc.
Hy vọng sự khởi sắc này sẽ được thúc đẩy với cường độ mạnh hơn nữa góp phần đưa Thanh Hóa tiến nhanh đến đích là cực tăng trưởng mới của đất nước...