Thăm Trung Quốc và nhiệm vụ gian nan của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ

VietTimes -- Trong tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng  Mỹ - ông James Mattis - có chuyến công du Châu Á. Thăm Bắc Kinh từ 26 đến 28/6, ông Mattis có thể sẽ hội kiến Chủ tịch Tập Cận Bình. Đây là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của ông Mattis trong tư cách Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. Sau đó, ông sẽ thăm Nhật và Hàn Quốc.
Ông Mattis gặp gỡ các nhà báo trước chuyến thăm Trung Quốc.
Ông Mattis gặp gỡ các nhà báo trước chuyến thăm Trung Quốc.

Giới quan sát quốc tế cho rằng, nhiệm vụ chuyến đi Bắc Kinh này của ông James Mattis sẽ rất gian nan với các vấn đề chính sách Biển Đông của Trung Quốc, Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, Trung Quốc bành trướng ảnh hưởng ra nước ngoài, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, và tình hình căng thẳng trong quan hệ hai nước đang gia tăng khi mà Chính phủ của Tổng thống Donald Trump trong 2 tuần tới sẽ thực hiện trưng thu thêm mức thuế 25% đối với 34 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc xuất sang Mỹ. Ở chiều ngược lại và Trung Quốc cũng tuyên bố đáp trả với cùng quy mô và thuế suất vào hàng hóa Mỹ.

Ngoài ra, dư luận cho rằng Mỹ còn muốn Trung Quốc gây áp lực với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un để thúc đẩy Triều Tiên thực hiện cam kết phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên như đã cam kết tại cuộc Gặp gỡ Trump – Kim ở Singapore.

Vấn đề Biển Đông

Ngày 24/6, trước khi lên đường, ông Mattis đã phát biểu nhấn mạnh, Mỹ và đối thủ cạnh tranh chủ yếu ở khu vực Đông Á (Trung Quốc) mặc dù tồn tại những bất đồng và nghi ngại ngày càng gay gắt, nhưng vẫn cần hợp tác với nhau.

Ông Mattis nói với các phóng viên, vấn đề Biển Đông sẽ là chủ đề trao đổi hàng đầu trong chuyến thăm Trung Quốc. Mỹ sẽ tiếp tục gây sức ép với Bắc Kinh trong việc nước này tiến hành hoạt động quân sự hóa tại các đảo nhân tạo bồi đắp phi pháp trên Biển Đông.

Hồi đầu tháng 6, ông Mattis từng phát biểu: “Nếu Trung Quốc không có biện pháp tiến hành hợp tác nhiều hơn với mọi quốc gia có quan hệ lợi ích trên Biển Đông, họ phải gánh chịu hậu quả do chính họ gây ra”.

Trong thời gian diễn ra cuộc Đối thoại Shangri La, ông đã phê phán các hành vi đơn phương thay đổi hiện trạng ở Biển Đông, đặc biệt chỉ rõ các vấn đề Trung Quốc bố trí tên lửa chống hạm, tên lửa đất đối không và lắp đặt thiết bị gây nhiễu điện tử tại các đảo nhân tạo.

Ông Mattis, hành vi quân sự hóa ở Biển Đông của Trung Quốc là tiến hành “đe dọa và hiếp đáp”, đồng thời tuyên bố Mỹ sẽ tiếp tục các hành động thực hiện tự do hàng hải tại khu vực này.

Vào tháng trước Mỹ đã rút bỏ lời mời Trung Quốc tham gia cuộc diễn tập hải quân các nước quy mô lớn (RIMPAC), coi đó là “phản ứng bước đầu” của Mỹ trước việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông.

Mỹ luôn phản đối Trung Quốc quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông
Mỹ luôn phản đối Trung Quốc quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông 

Phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên

Ngày 12/6, tại cuộc gặp gỡ cấp cao với Tổng thống Donald Trump, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã cam kết từ bỏ vũ khí hạt nhân. Nhưng tuần trước khi gặp Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, Kim Jong Un đã không tuyên bố biện pháp mới về phi hạt nhân hóa.

Ngày 22/6, ông Donald Trump đã ký lệnh hành chính, tuyên bố Triều Tiên vẫn là mối đe dọa lớn đối với nước Mỹ, tiếp tục thực thi trừng phạt kinh tế đối với Triều Tiên. Chính phủ Donald Trump nhiều lần nhấn mạnh, Triều Tiên phải triệt để giải trừ hạt nhân thì mới hủy bỏ việc trừng phạt kinh tế.

Buối tối cùng ngày, Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố tạm đình chỉ vô thời hạn một cuộc diễn tập quân sự lớn và 2 cuộc huấn luyện lính thủy đánh bộ chung với Hàn Quốc.

Tuần trước đó, ông Trump tuyên bố Triều Tiên đã bắt đầu “quá trình hoàn toàn phi hạt nhân hóa”. Giới quan sát quốc tế cho rằng, ông Mattis có thể sẽ yêu cầu Trung Quốc giúp Triều Tiên thực thi việc giải trừ hạt nhân.

Vấn đề Đài Loan

Với việc Bắc Kinh tiếp tục gây sức ép với Đài Loan, quan hệ Mỹ - Đài Loan đang không ngừng ấm lên. Từ khi lên nắm quyền lãnh đạo nước Mỹ, ông Donald Trump đã phê chuẩn bán 1,4 tỷ USD vũ khí cho Đài Loan, và ký đạo luật tăng cường quan hệ phòng thủ với Đài Loan, bổ nhiệm John Bolton – một người ủng hộ Đài Loan - làm Cố vấn an ninh quốc gia, cử Trợ lý Ngoại trưởng Marie Royce sang Đài Loan dự lễ khánh thành trụ sở mới của Hiệp hội Mỹ tại Đài Loan (AIT).

Sau khi ông Donald Trump ký “Luật du lịch Đài Loan”, các nghị sĩ quốc hội Mỹ đã đề xuất tăng cường quan hệ an ninh với Đài Loan tại các điều khoản liên quan đến Đài Loan trong “Luật ủy quyền quốc phòng 2019”, và “Luật đề nghị tái bảo đảm châu Á”. Trong đó quy định Mỹ cần tăng cường hợp tác phòng thủ Mỹ - Đài, gồm diễn tập quân sự với quân đội Đài Loan ở mức thích đáng.

Một quan chức cấp cao của chính phủ Mỹ hôm 21/6 nói, Bắc Kinh chèn ép không gian quốc tế của Đài Loan là mưu đồ thay đổi hiện trạng ở Đài Loan, điều này khiến Mỹ rất lo ngại. Ông này còn nói, Đài Loan sẽ phát huy tác dụng quan trọng trong Chiến lược Ấn Độ dương – Thái Bình dương của chính phủ Donald Trump.

Kiềm chế sự bành trướng ở nước ngoài của Trung Quốc

Ngoài việc xây dựng căn cứ quân sự trên Biển Đông, Trung Quốc đang tiến hành mở rộng ảnh hưởng tại các khu vực ảnh hưởng của Mỹ và đồng minh Mỹ. Báo chí quốc tế  cho rằng đây cũng có thể là một nội dung chủ yếu trong các cuộc hội đàm giữa ông Mattis với phía Trung Quốc.

Năm ngoái Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự hải ngoại đầu tiên của họ ở Djibouti nằm ở cửa ngõ ra vào Biển Đỏ (Red Sea), đây là vị trí chiến lược quan trọng nối liền với kênh đào Suez; nằm rất gần Camp Lemonnier, căn cứ quân sự duy nhất của Mỹ ở châu Phi đồng thời là trung khu hành động chống khủng bố .

Báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ hồi đầu tháng 6 cho biết, trong tương lai Trung Quốc sẽ thiết lập thêm nhiều căn cứ quân sự ở nước ngoài, sau Djibouti ở châu Phi sẽ là một căn cứ ở Pakistan. Có ý kiến cho rằng, Bắc Kinh đang mượn kế hoạch “Một vành đai, một con đường” để mở rộng bá quyền trên biển và trên bộ.

Hồi đầu tháng 5, Lầu Năm Góc đã chứng thực: quân đội Trung Quốc ở căn cứ tại Djibouti đã sử dụng thiết bị laser quân sự nhằm vào máy bay quân sự Mỹ, khiến 2 phi công bị thương nhẹ.

Diễn biến chuyến thăm cụ thể như thế nào, chúng ta hãy chờ xem!.