Thăm làng cá chép ông Công ông Táo

Dọc quốc lộ 32C, theo hướng Hà Nội - Yên Bái, ngôi làng nhỏ nép mình bên dòng sông Thao hiền hòa từ lâu nức tiếng với nghề nuôi cá chép đỏ cúng ông Công ông Táo vào 23 tháng Chạp.   
Cá chép làng Thủy Trầm cúng xong có thể thả xuống sông ngòi - Ảnh: Nguyễn Thế Lượng
Cá chép làng Thủy Trầm cúng xong có thể thả xuống sông ngòi - Ảnh: Nguyễn Thế Lượng

Những ngày này, cả thôn Thủy Trầm xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) tấp nập chuẩn bị cho những mẻ cá cúng ông Công ông Táo ngày 23 tháng Chạp. Dưới những làn mưa lất phất, hoa đào, hoa mận chúm chím khoe sắc báo hiệu mùa xuân sắp về là những ao chuôm, những hàng gánh nhuộm đỏ sắc cá.

Làng nghề gắn với tâm linh

Trong đời sống văn hóa của người dân Việt, ngày 23 tháng Chạp hằng năm là ngày ông Công, ông Táo về trời báo cáo những công việc năm qua ở hạ giới. Người dân thường cúng tiễn ông bằng cá chép. Do vậy, ở nhiều địa phương những ngày này, người dân nô nức đi mua cá chép đỏ, chép vàng về cúng ông Táo.

Là vùng quê sống chủ yếu với nghề trồng lúa nước, trồng dâu nuôi tằm, Thủy Trầm có 3 khu, trong đó, người dân ở khu 3 nuôi nhiều cá chép đỏ nhất.

Theo người dân ở đây, nuôi cá cả năm mới thu hoạch một lần vào dịp tháng Chạp và bán cá giống nên người dân tận dụng những ao nước nông, ruộng trũng để thả cá. Ngoài việc làm kinh tế trong tâm mỗi người dân làng Thủy Trầm, nuôi cá chép đỏ như một nét đẹp văn hóa từ bao đời nay.

Chính vì vậy, khi nuôi, người dân Thủy Trầm chăm sóc cá và cho cá ăn những thức ăn do chính tay mình làm ra chứ không cho ăn những loại cám kích thích khác. Cá cúng ông Táo ông Công phải khỏe, đẹp, đỏ rực cả khi mang đi các địa phương khác.

Bảng chỉ dẫn vào làng nghề Thủy Trầm - Ảnh: Nguyễn Thế Lượng

Ao dành nuôi cá chép Thủy Trầm - Ảnh: Nguyễn Thế Lượng

Ao dành nuôi cá chép Thủy Trầm - Ảnh: Nguyễn Thế Lượng

Cá chép đỏ được thu hoạch về nhốt tại bể nhỏ chờ ngày bán- Ảnh: Nguyễn Thế Lượng

Từ giữa tháng chạp, cả làng Thủy Trầm đã nhộn nhịp cho việc thu hoạch cá. Và cứ đến những ngày này, sắc đỏ, sắc vàng của những chú cá chép rực đỏ trên các ao hồ nhỏ, đường đi, nhất là tại các phiên chợ dưới gốc đa làng.

Theo những cụ cao niên của làng, người dân Thủy Trầm nuôi cá chép trước hết để phục vụ và làm đẹp cho đời sống tâm linh của chính làng mình. Vì vậy, đến giáp ngày 23 tháng Chạp, chợ phiên Thủy Trầm xã Tuy Lộc rực đỏ, rực vàng màu cá.

Người dân đi chợ bán cá như để làm giàu thêm tín ngưỡng của làng quê mình. Cá được đựng trong những chiếc chậu nhôm trắng càng tô thêm sắc đẹp của cá. Những năm gần đây, cá chép còn được đựng trong túi ni lông, người mua có thể ngắm nghía cá nếu vừa lòng sẽ tự tay bắt cá mang về.

Vào đúng ngày 23 tháng Chạp, người dân làng Thủy Trầm thành tâm chọn những chú cá chép đỏ, khỏe dâng cúng ông Công ông Táo. Sau khi cúng xong, những chú cá này được người dân thả về ao hồ làm giống cho mùa sau.

Làng nhỏ nhưng cứ đến tháng chạp, đường làng Thủy Trầm lại trở nênđông vui bởi khách mua cá tấp nập khắp nơi đổ về, từ Hà Nội,Hải Phòng, Bắc Ninh đến cảLào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang...

Cá chép đỏ làng Thủy Trầm có kích cỡ vừa phải, khỏe, đỏ tươi hoặc vàng, vây nhọn, vẩy ánh đẹp, có râu hai bên nên được khắp nơi ưa chuộng.

Tháng 6-2011, làng Thủy Trầm đã được UBND tỉnh Phú Thọ công nhận làng nghề, động lực để chắp cánh cho làng nghề phát triển hơn nữa trong hiện tại và tương lai.

Những chậu cá chép đỏ làm cho phiên chợ thêm sắc màu tết - Ảnh: Nguyễn Thế Lượng

Gắn với phát triển kinh tế

Nuôi cá chép đỏ đối với người dân làng Thủy Trầm xưa kia chỉ là gắn với tâm linh, ngày nay, nét văn hóa ấy vẫn còn song nó còn gắn với phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình. Vì vậy, những năm gần đây, người nông dân ở Thủy Trầm đã bắt tay vào cải tạo ao đầm để quy hoạch và khoanh nuôi cá chép.

Biết thị trường ngày càng có nhu cầu lớn về loại cá này vào dịp tháng Chạp nên nhiều hộ dân đã đầu tư thực sự và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Việc nuôi cá chép được bắt đầu từ tháng 6-7 âm lịch và chăm sóc đến tận tháng Chạp.

Nuôi cá chép đỏ không hề dễ dàng bởi nuôi thả giống cá này phải từ loại cá bột cho đến lớn. Hơn nữa, chế độ ăn, nước và vệ sinh ao chuôm cũng hết sức cẩn thận. Cá bán ra thị trường có nhiều loại. Có loại bé 5-6 con/kg, loại to 2 con/kg…

Thông thường, trên thị trường có nhu cầu lớn về loại cá chép vừa vừa chứ không quá to. Nhờ mô hình nuôi cá chép đỏ, với giá hiện nay là 100.000 đồng/kg, các hộ dân ở Thủy Trầm có thu nhập từ 70 - 100 triệu đồng tùy theo quy mô nuôi lớn hay nhỏ.

Ai có dịp đi ngang qua Thủy Trầm xin một lần ghé lại...

Theo Tuổi trẻ