Theo đài VOA của Mỹ, cảnh sát Thái Lan cho biết họ biết ai đứng đằng sau một loạt các vụ đánh bom chết chóc gần đây, và ít nhất một người đàn ông đã bị bắt để thẩm vấn.
Phó phát ngôn viên cảnh sát quốc gia Piyapan Pingmuang nói với các phóng viên hôm Chủ nhật ở Bangkok là cuộc điều tra đang tiến triển. Ông từ chối đưa ra bất cứ thông tin chi tiết nào.
Các quan chức Thái Lan vẫn đang tìm kiếm những kẻ chịu trách nhiệm về 11 vụ đánh bom nhỏ đã giết chết bốn người và làm bị thương hàng chục người khác ở một số thị trấn du lịch trọng điểm tối thứ Năm và sáng thứ Sáu.
Cảnh sát cho biết họ không nghi ngờ là các nhóm chiến binh Hồi giáo quốc tế đứng đằng sau các cuộc tấn công này, thay vào đó, họ gọi chúng là "những hành vi phá hoại" có phần chắc do một nhóm ở trong nước thực hiện với một chương trình nghị sự chính trị.
Một số quan chức đã quy trách nhiệm cho các thành phần phiến quân Hồi giáo ở miền nam của Thái Lan, nhưng chưa có nhóm nào nhận trách nhiệm.
Các vụ đánh bom xảy ra vào sinh nhật lần thứ 84 của Hoàng hậu Sirikit của Thái Lan - một ngày lễ quốc gia - và một trong những vụ nổ xảy ra tại thị trấn Hua Hin có khu nghỉ mát bãi biển, nơi nhà vua và hoàng hậu có một cung điện.
Chính quyền quân nhân của Thái Lan, vốn đã điều hành đất nước từ sau khi họ đảo chính vào năm 2014, coi chính họ như là những người bảo vệ chế độ quân chủ.
Chính quyền này đã trấn áp các nhà hoạt động sinh viên và các nhóm chính trị đối lập lâu nay công khai chỉ trích các tướng quân đội vì đã can thiệp vào tiến trình chính trị của đất nước.
Kể từ khi nắm quyền, chính quyền cũng đã bị các nhóm nhân quyền quốc tế chỉ trích nặng nề vì cấm các cuộc biểu tình nơi công cộng, bắt giữ các nhà hoạt động chính trị tham dự các buổi "cải tạo" tại trại do quân đội điều hành, và thắt chặt kiểm soát đối với báo chí, truyền thông.
Dự thảo hiến pháp mới của chính phủ quân nhân gần đây đã được cử tri tán thành trong một cuộc trưng cầu ý dân trên cả nước. Những người chỉ trích đã nặng lời phê phán là cuộc bỏ phiếu thật không công bằng vì quân đội đã cấm hoạt động vận động công chúng về vấn đề này trước các cuộc thăm dò.
Chính phủ quân nhân của Thái Lan nắm quyền nhờ một cuộc đảo chính không đổ máu vào năm 2014, họ cho rằng cần phải ổn định đất nước sau nhiều tuần diễn ra biểu tình chống chính phủ của cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra.
Các lãnh đạo Thái Lan cho biết họ có kế hoạch đưa đất nước quay trở lại với chế độ dân chủ theo một hiến pháp mới, nhưng họ đã từ chối đưa ra một thời gian biểu cố định cho quá trình chuyển đổi.