Thách thức quy định mới của Trung Quốc, Australia sẽ cho tàu thực hiện tự do hàng hải ở Biển Đông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Luật an toàn giao thông trên biển mới của Trung Quốc đã được thực thi từ ngày 1/9 đang gây nên phản ứng mạnh mẽ từ quốc tế. Australia đã tuyên bố sẽ thách thức các quy định mới trái luật quốc tế của Trung Quốc.
Các tàu chiến và trực thăng của Hải quân Australia hoạt động thực hiện tự do hàng hải trên Biển Đông hồi tháng 5/2021 (Ảnh: Financial Review).
Các tàu chiến và trực thăng của Hải quân Australia hoạt động thực hiện tự do hàng hải trên Biển Đông hồi tháng 5/2021 (Ảnh: Financial Review).

Theo truyền thông Australia Financial Review ra ngày 1/9, các tàu chiến nước này có thể không đếm xỉa các quy định mới của Trung Quốc. Bộ Quốc phòng Australia đã tuyên bố các tàu chiến của Hải quân Hoàng gia Australia sẽ tiếp tục thực hiện tự do hàng hải ở Biển Đông trong khuôn khổ luật pháp quốc tế.

Ngày 27/8, Cục Hải sự (An toàn Hàng hải) Trung Quốc ra thông báo, yêu cầu các tàu nước ngoài, bao gồm tàu chiến và tàu ngầm, nếu chúng chạy bằng năng lượng hạt nhân hoặc chở vật liệu phóng xạ, hóa chất, dầu, khí đốt hóa lỏng và các chất độc hại khác, cũng như các tàu bị cho là gây đe dọa đối với an toàn giao thông hàng hải Trung Quốc... phải báo cáo cho cơ quan quản lý của Trung Quốc về tình trạng hàng hóa và các thông tin khác như tên tàu, biển báo, mã số đăng ký theo Tổ chức Hàng hải Quốc tế, mã hiệu thông tin liên lạc di động hàng hải, mã nhận dạng, vị trí hiện tại, điểm đi và điểm đến, ngày đi và ngày đến.v.v., khi đi vào lãnh hải của Trung Quốc, trong đó bao gồm vùng biển 12 hải lý xung quanh các đảo, đá mà Trung Quốc chiếm giữ, bồi đắp, tôn tạo phi pháp trên Biển Đông theo “Luật An toàn giao thông trên biển” mới do họ ban hành. Động thái này đang gây nên sự phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế.

Tàu chiến của Australia tham gia tập trận chung với hải quân Mỹ, Nhật trên Biển Đông và vùng biển Guam từ 19 đến 23/7 (Ảnh: Dwnews).

Tàu chiến của Australia tham gia tập trận chung với hải quân Mỹ, Nhật trên Biển Đông và vùng biển Guam từ 19 đến 23/7 (Ảnh: Dwnews).

Tờ Thời báo Hoàn cầu phiên bản tiếng Anh hôm 1/9 dẫn lời nhà bình luận quân sự Trung Quốc, ông Tống Trung Bình nói: “Nếu một tàu quân sự tự ý đi vào lãnh hải của Trung Quốc mà không thông báo trước, sẽ bị coi là một hành động khiêu khích nghiêm trọng. Quân đội Trung Quốc sẽ tiến hành xua đuổi hoặc áp dụng các biện pháp nghiêm khắc hơn để trừng phạt những kẻ xâm lược”.

Hôm thứ sáu tuần trước (27/8), hai chiến hạm của Hải quân Hoàng gia Australia là tàu đổ bộ HMAS Canberra và tàu khu trục HMAS ANZAC đã khởi hành đến Đông Nam Á trong thời gian ba tháng để tập trận, nhưng Chính phủ Liên bang Australia đã không thông báo liệu các tàu chiến của họ có đi qua Biển Đông hay không.

Tuyên bố mới nhất của Bộ Quốc phòng Australia nêu rõ, nước này biết rõ quy định mới của Trung Quốc về những loại tàu nước ngoài được Bắc Kinh xác định phải báo cáo các thông tin cụ thể. "Điều quan trọng là bất kỳ nội dung nào của các quy định này đều phải tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS)" - Bộ Quốc phòng Australia nêu rõ trong tuyên bố - "Các tàu hải quân Australia sẽ tiếp tục thực hiện các chuyến hành trình tự do hàng hải phù hợp với luật pháp quốc tế".

Ông Peter Jennings, Giám đốc Viện nghiên cứu chính sách chiến lược Australia (Ảnh: ASPI).

Ông Peter Jennings, Giám đốc Viện nghiên cứu chính sách chiến lược Australia (Ảnh: ASPI).

Ông Peter Jennings, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Chính sách Chiến lược Australia (ASPI) cũng đã lên tiếng, cho rằng động thái mới nhất này của Trung Quốc là nhằm ép buộc các nước khác "công nhận trên thực tế quyền kiểm soát của Trung Quốc đối với Biển Đông".

Ông nói, Australia có thể sẽ tiến hành tuần tra chung với Mỹ trên Biển Đông và nhận định động thái này là bước đi hợp lý của Mỹ và Australia trong việc khẳng định lập trường cứng rắn đối với hành động chiếm giữ và booif đắp, xây dựng trái phép các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông.

Ngoài Australia, các tàu hải quân các nước châu Âu cũng thường xuyên đến châu Á - Thái Bình Dương để thể hiện sự hiện diện của họ. Cách đây một thời gian, biên đội tàu sân bay Queen Elizabeth của Anh đã đi qua Biển Đông đến Nhật Bản để tập trận chung. Tàu tuần dương Bayern của Đức cũng đã lên đường đến châu Á hồi đầu tháng 8 và sẽ đi qua Biển Đông sau khi cập cảng của Australia.

Tại Pháp, theo truyền thông Australia Financial Review, các Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng của Australia và Pháp đã tổ chức cuộc hội đàm 2 + 2 trong tuần này. Thông cáo chung công bố sau cuộc hội đàm đã tuyên bố phản đối “các hành động ép buộc và phá hoại sự ổn định ở Biển Đông c” nhằm vào Bắc Kinh, đồng thời đề cập đến việc sắp xếp các hoạt động cung của hải quân hai nước tới đây. Đặc biệt, bản Thông cáo còn bày tỏ sự ủng hộ của Pháp và Australia đối với Đài Loan. Hải quân Pháp sẽ tham gia cuộc tập trận chung mang tên "Sabre 2023" được tổ chức tại Australia vào năm tới và tăng cường hợp tác ở Thái Bình Dương.

Trung Quốc đưa các máy bay quân sự bố trí trên đảo nhân tạo Subi ở Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam mà họ chiếm giữ và xây dựng trái phép (Ảnh: ISI).

Trung Quốc đưa các máy bay quân sự bố trí trên đảo nhân tạo Subi ở Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam mà họ chiếm giữ và xây dựng trái phép (Ảnh: ISI).

Cục An toàn Hàng hải Trung Quốc ngày 27/8 ra thông báo yêu cầu các nhà khai thác tàu lặn, tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân, tàu chở vật liệu phóng xạ và tàu chở dầu rời, hóa chất, khí đốt hóa lỏng và các vật liệu độc hại khác phải vào Trung Quốc trước khi nhập cảnh. trong lãnh hải, báo cáo thông tin chi tiết của tàu, bao gồm tên chính thức và tải trọng của hàng nguy hiểm.

Theo tin của Tân Hoa xã, hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc ngày 1/9, Luật An toàn Giao thông trên biển của Trung Quốc mới, được sửa đổi toàn diện lần đầu tiên kể từ khi ban hành năm 1983, sẽ chính thức được thực hiện từ ngày 1/9, được thiết kế hệ thống tập trung vào việc phòng ngừa trước, tăng cường giám sát trong và sau sự kiện và nhấn mạnh ứng phó xử lý khẩn cấp.

Ông Tào Đức Thắng, Cục trưởng Cục Hải sự, Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc cho biết, Luật An toàn giao thông trên biển mới sửa đổi có 10 chương và 122 điều. Ông nói, các nội dung sửa đổi chính liên quan đến việc “tối ưu hóa điều kiện giao thông trên biển, quy phạm hóa hành vi giao thông trên biển, kiểm soát chặt chẽ vấn đề cấp phép hành chính và hoàn thiện cơ chế tìm kiếm cứu nạn trên biển. Đồng thời nhấn mạnh truy cứu trách nhiệm và thực hiện các nghĩa vụ theo các công ước quốc tế về hàng hải mà Trung Quốc đã ký kết hoặc tham gia về đăng ký tàu biển, kiểm định tàu biển, an toàn hàng hải, bảo vệ thuyền viên và ngăn ngừa ô nhiễm.