Trung Quốc tự ý quy định về giao thông trên biển bất chấp luật quốc tế, liệu có gây xung đột với Mỹ?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Với việc cuộc đọ sức Mỹ - Trung ngày càng gay gắt, tàu chiến Mỹ và đồng minh hoạt động ngày càng nhiều ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương; để đối phó Trung Quốc đã tự ý đề ra quy định bất chấp luật quốc tế.
Taù chiến Mỹ thường xuyên thực hiện tự do hàng hải trên Biển Đông, áp sát các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp tôn tạo trái phép (Ảnh: US Navy)
Taù chiến Mỹ thường xuyên thực hiện tự do hàng hải trên Biển Đông, áp sát các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp tôn tạo trái phép (Ảnh: US Navy)

Truyền thông Trung Quốc đưa tin, ngày 29/8, Cục Hải sự Trung Quốc (tức Cục An toàn hàng hải) đã ra thông báo, tuyên bố từ ngày 1/9/2021, tất cả các tàu thuyền nước ngoài phải thông báo khi đi vào lãnh hải của Trung Quốc.

Hiện dư luận quốc tế lo ngại, cho rằng nếu quy định này được Trung Quốc áp dụng ở Biển Đông và eo biển Đài Loan, tất sẽ dẫn đến việc gia tăng khủng hoảng trong khu vực.

Theo trang tin Đa Chiều (Dwnews) ngày 30/8, tại phiên họp lần thứ 28 của Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc (Quốc hội) khóa 13 hồi tháng 4 năm nay, Trung Quốc đã thông qua "Luật Giao thông trên biển" mới sửa đổi gồm 10 chương và 122 điều, dự kiến ​​sẽ có hiệu lực từ ngày 1/9/2021. Thông báo của Cục Hải sự Trung Quốc yêu cầu các tàu nước ngoài phải báo cáo với cơ quan quản lý hàng hải Trung Quốc khi đi vào lãnh hải của họ là căn cứ theo luật này.

Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông là điều quốc tế không thể chấp nhận (Ảnh: Nikkei).

Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông là điều quốc tế không thể chấp nhận (Ảnh: Nikkei).

Các đối tượng áp dụng bao gồm thiết bị ​​lặn, tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân, tàu chở vật liệu phóng xạ và “các tàu chở dầu rời, hóa chất, khí hóa lỏng và tàu chở các chất độc hại và nguy hiểm; ngoài ra cùng với "các tàu khác có thể gây nguy hiểm cho an toàn hàng hải của Trung Quốc theo quy định của pháp luật, quy định hành chính hoặc quy định của Quốc vụ viện".

Thông báo của Cục Hải sự Trung Quốc cũng yêu cầu khi các tàu đi vào lãnh hải Trung Quốc phải báo cáo rõ tên gọi theo luật định của chất nguy hại đang chở, số hiệu của Liên Hợp Quốc, loại ô nhiễm, lượng tải trọng, hướng hành trình ước tính và tốc độ trung bình, ... Nếu không báo cáo theo quy định này, cơ quan quản lý an toàn hàng hải Trung Quốc sẽ xử lý theo các quy định và pháp luật liên quan. Các tàu cũng phải thông báo tên tàu, biển báo, mã số đăng ký theo Tổ chức Hàng hải Quốc tế, mã hiệu thông tin liên lạc di động hàng hải, mã nhận dạng, vị trí hiện tại, điểm đi và điểm đến, ngày đi và ngày đến...

Tờ Thời báo Hoàn cầu, cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc dẫn lời các chuyên gia Trung Quốc cho rằng “việc này nhằm tăng cường bảo vệ an ninh cho các hoạt động trên biển của Trung Quốc”.

Ông Tô Tử Vân: việc Bắc Kinh ra quy định mới về giao thông trên biển là hành động lợi dụng luật pháp để mở rộng không gian xung đột xám (Ảnh: UDN).

Ông Tô Tử Vân: việc Bắc Kinh ra quy định mới về giao thông trên biển là hành động lợi dụng luật pháp để mở rộng không gian xung đột xám (Ảnh: UDN).

Ông Tô Tử Vân, Viện trưởng Viện Chiến lược và Công nghiệp Quân sự thuộc Viện Nghiên cứu An ninh Quốc phòng Đài Loan, trước đó cho rằng đây là hành động của Trung Quốc lợi dụng luật pháp để mở rộng không gian xung đột xám; các nước đều lo ngại luật này của Trung Quốc sẽ trở thành “quả bom nổ chậm” gây xung đột trên biển. Ông nói rằng "Vùng biển thuộc quyền tài phán" của Trung Quốc nói trong văn bản này là “vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và các vùng biển khác thuộc quyền tài phán của Trung Quốc", mở rộng hơn định nghĩa của “vùng nước ven bờ". Đặc biệt là Trung Quốc đã lấp biển tạo ra nhiều đảo và đá ngầm nhân tạo một cách trái phép trên Biển Đông rồi tuyên bố 12 hải lý xung quanh các đảo, bãi nhân tạo này là lãnh hải của họ, tạo thành sự ép buộc; khi các nước thực hiện tự do hàng hải trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, Trung Quốc có thể lấy đó làm cớ để thực thi pháp luật trên biển theo ý họ.

Nhà lập pháp Đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP) cầm quyền của Đài Loan Vương Định Vũ (Wang Dingyu) ngày 30/8 đã viết trên Facebook, nói rằng cách làm mới của Trung Quốc “là một hành động ngu xuẩn chống lại người khác và làm hại chính mình”. Ông Vương Định Vũ chỉ ra rằng nếu là lãnh hải của Trung Quốc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế và được công nhận thì không có vấn đề gì lớn, nhưng nếu lãnh hải của Trung Quốc không phù hợp các tiêu chuẩn, quy phạm quốc tế, chẳng hạn như trên Biển Đông, ông cho rằng đây là hành động bá quyền để “chiếm đất xưng vương”.

Nhà lập pháp Đài Loan Vương Định Vũ: quy định mới về giao thông trên biển của Trung Quốc là hành động gây tranh chấp và vô trách nhiệm (Ảnh: storm).

Nhà lập pháp Đài Loan Vương Định Vũ: quy định mới về giao thông trên biển của Trung Quốc là hành động gây tranh chấp và vô trách nhiệm (Ảnh: storm).

Ông Vương Định Vũ chỉ ra rằng việc Trung Quốc yêu cầu tàu của các nước khác di chuyển trên “vùng biển quốc tế” hoặc “vùng biển kinh tế” của chính họ phải báo cáo Trung Quốc vì chúng thuộc lãnh hải được Trung Quốc tự nhận, là hành động gây tranh chấp và vô trách nhiệm.

Ông nói, “nếu tàu thuyền các nước không đếm xỉa đến quy định của phía Trung Quốc, quả bóng sẽ được ném trở lại chính tay Trung Quốc, vậy liệu Trung Quốc có dám nổ súng bắn vào họ? Hay họ sẽ không dám có hành động chống lại Mỹ và sẽ chỉ bắt nạt các nước nhỏ?”.

Cuối cùng, ông Vương Định Vũ đề cập rằng, cách làm của Trung Quốc chỉ gây thêm các biến số bất an ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương một cách vô ích và tạo ra rắc rối cho các nước khác, nói lên Trung Quốc đúng là xứng với danh hiệu "kẻ gây rối quốc tế".

Trong một bài báo đăng trên truyền thông Đài Loan Liberty Times, ông Vương Định Vũ cũng chất vấn Bắc Kinh "Liệu nó có dám đánh tàu USS Carl Vinson CVN-70 của Mỹ không?", và viết rằng hành động này của Trung Quốc đã “vi phạm luật pháp và công ước quốc tế, sử dụng vũ lực một cách ngu xuẩn, vẫn thích khiêu khích và gây tranh chấp với các nước láng giềng, hãy cùng xem họ kết thúc như thế nào”.

Tờ báo Hồng Kông South China Morning Post (SCMP) ngày 30/8 cũng đưa tin, Cục Hải sự Trung Quốc đã ra thông báo nêu rõ bắt đầu từ ngày 1/9, các tàu nước ngoài đi vào lãnh hải của Trung Quốc phải báo cáo danh tính và thông tin về hàng hóa cho cơ quan này.

Theo SCMP, quy định này đã nhắc lại lập trường của Trung Quốc đối với các vùng biển tranh chấp bao gồm Biển Đông.

Báo này dẫn lời chuyên gia quân sự Trung Quốc Tống Trung Bình nói, quy định mới áp dụng đối với lãnh hải của Trung Quốc, yêu cầu các tàu nước ngoài phải thông báo trước, rằng “động thái này sẽ chuẩn hóa việc quản lý lãnh hải của Trung Quốc, sẽ tăng cường khả năng bảo vệ chủ quyền và an ninh của Trung Quốc”.

Ông Khang Lẫm (Kang Lin), Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Biển Đông của Trung Quốc, nói rằng các quy định mới cũng sẽ bao gồm các tàu dân sự được sử dụng cho mục đích quân sự. Ông ta nói rằng “tuyên bố này là để bịt kín các kẽ hở, áp dụng cho vùng biển ven bờ của Trung Quốc trong phạm vi 12 hải lý, và cũng áp dụng cho vùng biển Nam Hải (tức Biển Đông) mà Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền”.

Trung Quốc bồi đắp, tôn tạo trái phép các đảo nhân tạo trên Biển Đông rồi tự ý tuyên bố lãnh hải 12 hải lý là hành động trái với luật quốc tế (Ảnh: Dwnews)

Trung Quốc bồi đắp, tôn tạo trái phép các đảo nhân tạo trên Biển Đông rồi tự ý tuyên bố lãnh hải 12 hải lý là hành động trái với luật quốc tế (Ảnh: Dwnews)

Theo SCMP, trước đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã tuyên bố rằng “một tàu chiến Mỹ đã đi vào lãnh hải Trung Quốc ở quần đảo Tây Sa (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đang chiếm giữ trái phép) một cách bất hợp pháp, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Trung Quốc và phá hoại sự ổn định của Nam Hải (tức Biển Đông)”.

Đưa tin về quy định mới này của Trung Quốc, trang tin Đài Loan Chinatimes ngày 31/8 nêu vấn đề liệu Bắc Kinh sẽ "xử lý" các tàu nước ngoài không tuân thủ quy định mà họ tự đề ra như thế nào? Theo các Điều 47, 48 và 49 của Luật Hải Cảnh mới của Trung Quốc, tàu nước ngoài đi vào hoặc hoạt động sản xuất trái phép trong vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc, không chấp hành lệnh dừng hoặc từ chối cho lên tàu kiểm tra theo các cách khác; nếu việc sử dụng các biện pháp khác không đủ ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, nhân viên cơ quan Hải Cảnh Trung Quốc có thể sử dụng vũ khí cầm tay, kể cả những loại có hỏa lực mạnh hơn, bao gồm vũ khí trên tàu hoặc trên không. Nếu không kịp cảnh cáo, hoặc nếu sau khi cảnh cáo có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng hơn, các nhân viên thực thi pháp luật có thể trực tiếp sử dụng vũ khí.

Báo này viết, “các loại tàu chiến của Hải quân Mỹ thường xuyên thực hiện nhiệm vụ ‘tự do hàng hải’ trên Biển Đông, thậm chí đôi khi đi thẳng vào lãnh hải mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, hoặc áp sát các đảo, bãi đá ngầm mà Trung Quốc yêu sách chủ quyền lãnh thổ, khiến Trung Quốc phản đối. Nếu trong tương lai xảy ra tình huống tương tự, liệu có nổ súng bắn nhầm hay không là điều đáng lo ngại”.