Thả cho nhân viên làm từ xa khi đại dịch, 'Big Tech' giờ chật vật đưa nhân viên trở lại văn phòng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Các công ty công nghệ hàng đầu ở thung lũng Silicon như Google, Meta hay Amazon đang siết chặt quy yêu cầu nhân viên trở lại văn phòng, trong khi những người này đã quen làm việc từ xa và không muốn thay đổi.

Các công ty công nghệ đang tìm cách đưa nhân viên trở lại văn phòng (Ảnh: Getty Images)
Các công ty công nghệ đang tìm cách đưa nhân viên trở lại văn phòng (Ảnh: Getty Images)

Google, công ty tiên phong về chính sách làm việc linh hoạt trong ngành công nghệ đang khiến các nhân viên chán nản khi công bố siết chặt quy định buộc người lao động phải có mặt tại văn phòng ít nhất ba ngày mỗi tuần.

“Chỉ sau một đêm, tính chuyên nghiệp của nhân viên bị loại bỏ, nhường chỗ cho những hoạt động điểm danh mơ hồ gắn chặt với đánh giá hiệu suất công việc. Điều này sẽ gây hỗn loạn", Chris Schmidt, một kỹ sư phần mềm tại Google, nói với CNN.

Trong khi đó, Ryan Lamont, phát ngôn viên Google, nói chính sách làm việc tại văn phòng tối thiểu ba ngày mỗi tuần "đang diễn ra tốt đẹp". Tập đoàn muốn các nhân viên kết nối trực tiếp với nhau và hạn chế làm việc từ xa.

Ban lãnh đạo Google đang đánh giá mức độ thích nghi của nhân viên với mô hình làm việc hỗn hợp. "Mô hình được áp dụng hơn một năm nay và chúng tôi đang chính thức tích hợp nó vào tất cả chính sách tại nơi làm việc", Lamont nói.

Google không phải doanh nghiệp duy nhất vấp phải sự phản đối từ nhân viên. Các hãng công nghệ khác cũng đang chật vật tìm cách kéo nhân viên trở lại văn phòng khi họ đã quen với tính linh hoạt của làm việc từ xa.

Tình hình càng căng thẳng hơn trong bối cảnh các công ty công nghệ đã sa thải hàng chục nghìn nhân sự trong năm qua, khiến tinh thần người lao động suy giảm nghiêm trọng.

Amazon-Climate-Walk-Out-Business.png
Nhân viên Amazon phản đối chính sách quay trở lại làm việc của công ty (Ảnh: Getty Images)

Cuối tháng 5/2023, tại trụ sở Amazon, hàng trăm nhân viên đã tụ tập nhằm thể hiện sự bất bình với chính sách yêu cầu họ phải có mặt ít nhất 3 ngày/tuần tại nơi làm việc.

Dù vậy, phản ứng của nhân viên không thể ngăn cản được các công ty khi họ đã bỏ ra hàng tỉ USD để xây dựng mạng lưới văn phòng nhiều năm qua, cũng như đề cao giá trị của tương tác trực tiếp tại nơi làm việc.

Đại diện Amazon nói "sẽ mất thời gian" để một số nhân viên làm quen với việc tới văn phòng làm việc. Công ty cũng cho biết họ hài lòng khi thấy nhiều người trở lại văn phòng với "năng lượng và sự hợp tác tràn đầy" trong tháng đầu tiên áp dụng chính sách mới.

Tương tự, Meta – công ty mẹ Facebook cũng yêu cầu những nhân viên đã được chỉ định làm việc tại văn phòng phải quay lại làm việc trực tiếp ít nhất 3 buổi mỗi tuần kể từ tháng 9.

Trong khi đó, Salesforce cố gắng thuyết phục nhân viên bằng cách tuyên bố đóng góp 10 USD cho tổ chức từ thiện địa phương với mỗi người đến văn phòng làm việc mỗi ngày.

“Chúng tôi tự hào thông báo chương trình Connect for Good đã giúp gây quỹ một triệu USD cho các tổ chức phi lợi nhuận", phát ngôn viên Salesforce cho hay.

Thói quen làm việc của người lao động đang thay đổi. Khảo sát toàn cầu được hãng bảo mật Mỹ Fortinet công bố tại sự kiện Accelerate 2023 ngày 6/6 ở Hà Nội, cho biết có 40% doanh nghiệp yêu cầu toàn bộ nhân viên trở lại làm việc tại văn phòng như trước đại dịch; 55% doanh nghiệp cho biết áp dụng phương thức làm việc kết hợp.

Trong khi đó, tại Việt Nam, 70% số người tham gia khảo sát cho biết họ lựa chọn làm việc theo mô hình kết hợp hoặc từ xa hoàn toàn./.