Malaysia "chớp thời cơ" khi căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng, kêu gọi Google và Microsoft đầu tư

VietTimes – Malaysia muốn thu hút Microsoft và Google trong nỗ lực trở thành trung tâm dữ liệu và định vị mình là cơ sở cung ứng trung lập trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng.

Malaysia "chớp thời cơ" khi căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng, kêu gọi Google và Microsoft đầu tư (Ảnh: SCMP)
Malaysia "chớp thời cơ" khi căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng, kêu gọi Google và Microsoft đầu tư (Ảnh: SCMP)

Bộ trưởng Thương mại Zafrul Abdul Aziz cho biết Malaysia muốn thu hút đầu tư từ Microsoft và Google sau khi đã mời gọi được Tesla và Amazon. Ông Zafrul cho biết trong một cuộc phỏng vấn: “Chúng tôi đang thu hút càng nhiều đầu tư càng tốt” và “từ từ thiết lập chính mình” như một trung tâm dữ liệu.

Thành công của Malaysia trong năm nay bao gồm việc thu hút các công ty như Tesla và Amazon. Tesla có kế hoạch đưa xe điện của mình vào quốc gia Đông Nam Á này và xây dựng một mạng lưới các trạm siêu sạc, trong khi Amazon sẽ đầu tư 25,5 tỷ ringgit (6 tỉ USD) vào cơ sở hạ tầng điện toán đám mây vào năm 2037.

Căng thẳng âm ỉ giữa Washington và Bắc Kinh đang ngày càng thúc đẩy các doanh nghiệp toàn cầu tìm kiếm các địa điểm bên ngoài Trung Quốc. Malaysia đang cạnh tranh với các nước Đông Nam Á khác như Việt Nam và Thái Lan để có được các khoản đầu tư nhằm xây dựng chuỗi cung ứng mới.

Malaysia đã thu hút 71,4 tỉ ringgit trong các khoản đầu tư được phê duyệt trong quý đầu tiên của năm nay, tăng 67% so với một năm trước đó, theo Cơ quan Phát triển Đầu tư Malaysia. Đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm hơn 52% dòng vốn vào. Đầu tháng này, quốc gia này đã nhận được khoản đầu tư bảo đảm trị giá 23 tỉ ringgit trong chuyến công tác thương mại do Bộ trưởng Zafrul dẫn đầu đến Nhật Bản.

Ông Zafrul cho biết Tesla chọn Malaysia vì hạ tầng đã được xây dựng trong 50 năm qua. Malaysia cũng đã tìm cách tận dụng sức hấp dẫn của mình với tư cách là một trung tâm sản xuất chip trong bối cảnh địa chính trị khu vực không chắc chắn.

Bộ trưởng thương mại Malaysia cho biết: "Đôi khi chúng ta phải biết chớp thời cơ. Chúng tôi đang ở vị trí trung lập và là một phần của chuỗi cung ứng quan trọng".

Malaysia đáp ứng khoảng 13% nhu cầu của thế giới về thử nghiệm và đóng gói chip, và khoảng 25% nhu cầu thử nghiệm và lắp ráp chip của Mỹ. Theo Bộ trưởng Zafrul, các công ty trong lĩnh vực này đã cung cấp dịch vụ trị giá hơn 200 triệu ringgit cho Tesla.

Nền kinh tế Malaysia phụ thuộc nhiều vào thương mại và dễ bị tổn thương trước những cú sốc do gián đoạn thương mại, đặc biệt liên quan đến Trung Quốc, đối tác lớn nhất của Malaysia kể từ năm 2009. Căng thẳng thương mại bắt nguồn từ nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn chặn việc Trung Quốc tiếp cận công nghệ bán dẫn quan trọng và kiểm soát xuất khẩu.

Bức tranh thương mại u ám đang góp phần tạo ra cái mà Bộ trưởng Zafrul gọi là “năm rất khó khăn” đối với tăng trưởng bên cạnh việc thắt chặt chính sách tiền tệ và tác động liên tục của cuộc chiến của Nga ở Ukraine.

Xuất khẩu của Malaysia đã giảm mạnh nhất trong gần ba năm vào tháng Tư và còn có thể kéo dài khi sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc đang khá chậm.

Tổng sản phẩm quốc nội của Malaysia đã tăng nhanh hơn dự kiến 5,6% trong quý đầu tiên so với một năm trước và chính phủ đã dự kiến tốc độ tăng trưởng năm 2023 là 4,5%, một mức vừa phải so với năm ngoái.

Đồng ringgit của Malaysia đã giảm 4,6% từ đầu năm đến nay khi lãi suất tăng hỗ trợ đồng USD.

Theo SCMP