Tên lửa Trung Quốc phóng bay qua Đài Bắc, các bên nói gì?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Vào ngày đầu tiên của cuộc tập trận quy mô lớn của Trung Quốc chống Đài Loan, một số tên lửa đạn đạo phóng từ Trung Quốc đã bay qua đảo Đài Loan. Tuy nhiên, phản ứng của các bên về sự kiện này khác nhau.
Các tên lửa Dongfeng được phóng từ nội địa Trung Quốc tới vùng biển phía Đông đảo Đài Loan (Ảnh: CCTV).
Các tên lửa Dongfeng được phóng từ nội địa Trung Quốc tới vùng biển phía Đông đảo Đài Loan (Ảnh: CCTV).

Ngày 4/8, Quân đội Trung Quốc (PLA) đã bắt đầu cuộc tập trận quân sự bắn đạn thật quy mô lớn ở vùng biển xung quanh Đài Loan - một cuộc tập trận quân sự lớn nhất trong nhiều thập kỷ. Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, PLA đã bắn 9 tên lửa trong chiều cùng ngày, 4 trong số đó bay qua Đài Loan.

Báo cáo của Bộ Quốc phòng Nhật chỉ ra rằng, phía Nhật Bản cho rằng Trung Quốc đã bắn 9 tên lửa từ nội địa về phía Đài Loan vào chiều ngày 4/8, 5 quả trong số đó rơi vào bên trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản và 4 quả bay qua đảo Đài Loan, phía Nhật Bản sẽ tiếp tục thu thập thông tin tình báo, phân tích và giám sát.

Hãng truyền thông Nhật Bản Kyodo News đưa tin, đây là lần đầu tiên tên lửa Trung Quốc rơi vào vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.

Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Kenryo Mori lên án: "Chúng tôi nhận thức được rằng đây là lần đầu tiên tên lửa đạn đạo của Trung Quốc rơi vào vùng đặc quyền kinh tế của chúng tôi". Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi đã tổ chức một cuộc họp báo vào buổi tối và nói ông đã bày tỏ "sự phản đối mạnh mẽ" với Trung Quốc thông qua kênh ngoại giao.

Chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã làm dấy lên sự phản đối mạnh mẽ từ Bắc Kinh. Ngay sau khi bà tới Đài Bắc, Trung Quốc đã tuyên bố tập trận bắn đạn thật tại 6 khu vực xung quanh Đài Loan từ 12h ngày 4/ đến 12h ngày 7/8. Ít lâu sau khi cuộc tập trận bắt đầu vào trưa ngày 4/8, Cục Hàng không, thuộc cơ quan giao thông Đài Loan thông báo rằng cuộc tập trận của quân đội Trung Quốc sẽ được mở rộng ra 7 khu vực và kéo dài đến 10 giờ sáng ngày 8/8. Về vấn đề này, phía Trung Quốc chưa đưa ra phản hồi hay thông báo nào.

Sơ đồ đường bay và điểm rơi của 9 tên lửa đạn đạo Trung Quốc - theo Bộ Quốc phòng Nhật (Ảnh: LTN).

Sơ đồ đường bay và điểm rơi của 9 tên lửa đạn đạo Trung Quốc - theo Bộ Quốc phòng Nhật (Ảnh: LTN).

Trung Quốc: Tên lửa thông thường của PLA "lần đầu tiên bay qua Đài Loan"

Theo Thời báo Hoàn cầu, cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc, ông Đàm Khắc Phi, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, nhấn mạnh trong bài phát biểu vào chiều ngày 4/8: “Quân đội Trung Quốc đã nói là làm”. Tờ báo này dẫn thông tin do Chiến khu Miền Đông PLA đưa ra cho hay, vào khoảng 13 giờ chiều cùng ngày, Lục quân của Chiến khu Miền Đông đã tiến hành diễn tập bắn đạn thật hỏa lực tầm xa ở eo biển Đài Loan và thực hiện các cuộc oanh kích chính xác vào các khu vực cụ thể ở phía đông eo biển Đài Loan, đạt được hiệu quả dự kiến.

Thời báo Hoàn cầu dẫn lời Trương Quân Xã, một nhà nghiên cứu tại Học viện Hải quân Trung Quốc, giải thích ý nghĩa của việc bắn đạn thật trong ngày đầu tiên của cuộc tập trận. Ông nói rằng PLA tổ chức bắn đạn thật xuyên đảo lần đầu tiên trong cuộc diễn tập quân sự này, "dám xuyên qua khu vực triển khai dày đặc tên lửa Patriot của quân đội Đài Loan và bắn trúng mục tiêu ngay trước dưới mũi tàu Mỹ có hệ thống Aegis một cách chính xác. Điều này cho thấy PLA đã giải quyết được vấn đề có thể quan sát và đánh chính xác mục tiêu ở các vùng xa và biển xa; không sợ ai ngăn chặn, họ có muốn chặn cũng không thể ngăn chặn được.”

Thi Nghị, người phát ngôn của Chiến khu Miền Đông, nói cùng ngày: "Lực lượng Tên lửa Chiến khu Miền Đông của PLA đã tiến hành một cuộc tấn công hỏa lực dẫn đường liên tục đa khu vực và đa mô hình trên vùng biển dự kiến ​​ngoài khơi phía Đông của đảo Đài Loan. Toàn bộ tên lửa đều đánh trúng mục tiêu, kiểm nghiệm được khả năng đánh trúng và từ chối khu vực, toàn bộ nhiệm vụ huấn luyện bắn đạn thật đã hoàn thành xuất sắc, việc kiểm soát vùng biển và vùng trời liên quan đã được dỡ bỏ."

Về vấn đề này, một phóng viên của hãng Bloomberg Mỹ đã hỏi tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc: “Liệu điều này có nghĩa là cuộc tập trận đã kết thúc, khu vực tập trận đã được bãi bỏ kiểm soát hay vẫn đang tiếp tục?”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh không trả lời trực tiếp, chỉ nói: "Xin ông hãy tiếp tục theo dõi tin tức do quân đội Trung Quốc đưa ra."

Tại cuộc họp báo, bà Hoa Xuân Oánh cũng nói rằng liệu các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc có trở thành "sự bình thường mới" của tình hình eo biển Đài Loan trong tương lai hay không "phụ thuộc vào những gì Mỹ và thế lực ly khai 'Đài Loan độc lập' sẽ làm."

Dân chúng Đài Loan theo dõi cuộc tập trận của Quân đội Trung Quốc qua màn hình với tâm trạng bình thường (Ảnh: AP/Deutsche Welle).

Dân chúng Đài Loan theo dõi cuộc tập trận của Quân đội Trung Quốc qua màn hình với tâm trạng bình thường (Ảnh: AP/Deutsche Welle).

Cơ quan phòng vệ Đài Loan: Tên lửa vô hại khi bay ngoài bầu khí quyển

Trước sự kiện tên lửa Trung Quốc bay qua bầu trời Đài Loan, sau khi Bộ Quốc phòng Nhật Bản công bố thông tin và bản đồ giả định đường đi của tên lửa đạn đạo Trung Quốc, cơ quan phòng vệ Đài Loan đã đưa ra phản ứng phụ trong một thông cáo báo chí vào cuối ngày 4/8, nói họ đã "nắm bắt được động thái phóng theo thời gian thực", nhưng vì đường bay của tên lửa đạn đạo nằm ngoài bầu khí quyển, "không gây nguy hại đối với các khu vực dưới mặt đất rộng lớn", nên không đưa ra cảnh báo nào.

Thông cáo báo chí của cơ quan này viết: "Đường bay của tên lửa đạn đạo sau khi phóng chủ yếu là bên ngoài bầu khí quyển, không gây hại cho khu vực mặt đất rộng lớn mà nó bay qua. Do đó, hệ thống phòng thủ tên lửa của các quốc gia đều dựa trên tính toán điểm tên lửa rơi xuống."

Cơ quan phòng vệ Đài Loan tuyên bố, việc sử dụng các hệ thống giám sát và trinh sát “có thể nắm bắt chính xác quỹ đạo của loạt tên lửa Dongfeng do Trung Quốc phóng và dự đoán rằng chúng sẽ rơi xuống vùng biển phía Đông, điều này sẽ không gây nguy hại cho mặt đất của hòn đảo. Do đó, không có cảnh báo phòng không nào được đưa ra”.

Ngoài ra, cơ quan này cũng tuyên bố rằng, xét thấy việc phóng đạn thật của Trung Quốc chủ yếu nhằm mục đích răn đe Đài Loan và để bảo vệ năng lượng của các hoạt động tình báo, giám sát và trinh sát, nên "thông tin về đường bay và các thông tin khác sẽ không được công bố."

Chuyên gia quân sự Đài Loan Tô Tử Vân cũng nói với Deutsche Welle trước cuộc tập trận rằng mặc dù không thể loại trừ khả năng tên lửa Trung Quốc bay qua Đài Loan, nhưng có lý khi nói rằng ngay cả khi điều đó xảy ra, khả năng tên lửa này vẫn là ở bên ngoài bầu khí quyển. Ông nói: “Đó là sự đe dọa về mặt tâm lý, nhưng nó không có tác dụng gì nhiều về mặt quân sự”.