Tên lửa Hamas giết hại 2 người Thái Lan, ông Netanyahu gặp rắc rối ngoại giao

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Xung đột giữa Israel và Palestine kéo dài hơn một tuần, đã có những người nước ngoài đầu tiên trở thành nạn nhân; Hamas chính thức bác bỏ tin đồn về một thỏa thuận ngừng bắn; ông Netanyahu gặp phải rắc rối khó xử.
Máy bay Israel ném bom Dải Gaza trả đua các vụ phóng tên lửa của Hamas (Ảnh: Đông Phương).
Máy bay Israel ném bom Dải Gaza trả đua các vụ phóng tên lửa của Hamas (Ảnh: Đông Phương).

Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương (Dongfang) ngày 19/5, các chiến binh phong trào Hamas ở Dải Gaza đã tiếp tục bắn nhiều quả tên lửa vào miền nam Israel hôm thứ Ba (18/5), khiến hai công dân Thái Lan làm việc ở đó thiệt mạng.

Vào thời điểm xảy ra vụ việc, một nhà máy chuyên gia công đóng gói ở quận Eshkoll, miền nam Israel đã bị trúng tên lửa. Ngoài hai công nhân người Thái Lan bị thiệt mạng trong vụ oanh kích, bảy người khác bị thương, trong đó có một người bị thương nặng. Cùng ngày, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã huy động các máy bay chiến đấu tấn công nhiều bãi phóng tên lửa và cứ điểm quân sự của Hamas ở Dải Gaza.

Một khu dân cư ở thành phố Ekkhelon miền Trung Israel bị trúng tên lửa của Hamas (Ảnh: AP).

Một khu dân cư ở thành phố Ekkhelon miền Trung Israel bị trúng tên lửa của Hamas (Ảnh: AP).

Để đáp trả các cuộc tấn công bằng tên lửa của các chiến binh Palestine, Israel hôm thứ Ba (18/5) đã một lần nữa đóng cửa một cửa khẩu chính được mở thông sang Dải Gaza. Lối đi này vốn được sử dụng để xe tải đi qua và cho phép các vật tư tiếp tế nhân đạo được chuyển từ Jordan vào Gaza. Tổ chức cứu trợ nhân đạo của Liên Hợp Quốc cho biết họ đã di dời 52.000 người ở khu vực Gaza đến nơi an toàn, trong đó 47.000 người được đưa vào ẩn náu trong các trường học của Liên Hợp Quốc.

Tính đến thứ Ba (18/5), có ít nhất 217 người Palestine đã thiệt mạng và hơn 1.500 người bị thương trong các cuộc không kích của Israel. Tại Israel, 12 người đã thiệt mạng và hơn 100 người bị thương trong các cuộc tấn công bằng tên lửa.

Cuộc xung đột đẫm máu Palestine - Israel đã kéo dài sang ngày thứ 10 khiến cả thế giới lo ngại. Liệu hai bên có bắt đầu ngừng bắn vào ngày 20/5? Một số cơ quan truyền thông Israel đã đưa tin về một thỏa thuận ngừng bắn đã đạt được, nhưng bị tổ chức Hamas lên tiếng phủ nhận.

Một trẻ em Palestine bị chết do bom của Israel ở Dải Gaza (Ảnh: AP).

Một trẻ em Palestine bị chết do bom của Israel ở Dải Gaza (Ảnh: AP).

Trang tin Đa Chiều (Dwnews) ngày 19/5 cho biết, theo bản tin của Kênh 12 Đài truyền hình Israel ngày 18/5, Ai Cập đã đề xuất kế hoạch thực hiện ngừng bắn trong khu vực xung đột Palestine - Israel kể từ 6h ngày 20/5 theo giờ địa phương. Theo bản tin, lực lượng Hamas đã đồng ý.

Một số cơ quan truyền thông khác của Israel đưa tin, một quan chức cấp cao của Israel hôm 18/5 bày tỏ, nếu không có điều gì bất thường xảy ra, lệnh ngừng bắn giữa Palestine và Israel sẽ bắt đầu được thực thi vào ngày 20/5.

Quan chức này cho rằng tình hình hiện tại là cả hai bên đều mệt mỏi, vì không bên nào có thể đạt được chiến thắng quyết định.

Thời gian gần đây, nhiều cơ quan truyền thông Israel đã đưa tin Palestine và Israel có thể đạt được thỏa thuận ngừng bắn trong vòng 2-3 ngày tới mà không tiết lộ nguồn tin.

Tuy nhiên sau đó tổ chức Hamas đã phủ nhận những thông tin trên. Ông Izzat al-Rishq, một thành viên của Bộ Chính trị Hamas, nói rằng nhóm Hamas nắm quyền lãnh đạo ở Dải Gaza bác bỏ thông tin nói họ đã đồng ý ngừng bắn với Israel vào sáng ngày 20/5 là không chính xác.

Lực lượng Hamas tiếp tục phóng nhiều tên lửa sang Israel (Ảnh: Getty).

Lực lượng Hamas tiếp tục phóng nhiều tên lửa sang Israel (Ảnh: Getty).

Ông Rishke viết trên Twitter: "Việc truyền thông đối phương (Israel) đưa tin nói rằng Hamas đã đồng ý ngừng bắn vào ngày thứ Năm (20/5) là không chính xác ... Chưa có bất cứ thỏa thuận ngừng bắn hoặc ngày ngừng bắn cụ thể nào".

Cơ quan Thông tin Quân sự Israel ngày 18/5 ra thông báo, kể từ khi xung đột Palestine - Israel leo thang, gần 3.700 quả tên lửa đã được phóng từ Dải Gaza tới Israel, khoảng 540 quả đã rơi xuống bên trong Dải Gaza.

Cơ quan này chỉ ra rằng hiệu quả đánh chặn của hệ thống chống tên lửa Vòm Sắt là “khoảng 90%” (tuy nhiên theo phân tích của các chuyên gia, hiệu quả thực ra chỉ khoảng 50%).

Vào ngày 18/5, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby đã tuyên bố tại một cuộc họp báo rằng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã có cuộc điện đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz vào cùng ngày 18.

Ông Austin nhắc lại trên điện thoại rằng Mỹ kiên quyết ủng hộ Israel trong việc thực thi quyền bảo vệ đất nước và công dân của họ, đồng thời lấy làm tiếc về việc những sinh mạng vô tội bị mất đi trong cuộc xung đột giữa Israel và Palestine. Mỹ hy vọng rằng cả hai bên sẽ ngừng xung đột bạo lực và khôi phục lại sự bình yên.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gọi điện cho Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vào ngày 17/5, bày tỏ sự ủng hộ việc Israel và Hamas đạt được thỏa thuận ngừng bắn. Đây là lần đầu tiên ông Biden công khai kêu gọi ngừng bắn giữa Israel và Palestine.

Ông Netanyahu đăng hình quốc kỳ Bosnia và Herzegovina (thứ 5, trái qua) trong số các nước ủng hộ hành động của Israel trên Twitter.

Ông Netanyahu đăng hình quốc kỳ Bosnia và Herzegovina (thứ 5, trái qua) trong số các nước ủng hộ hành động của Israel trên Twitter.

Cuộc xung đột Israel – Palestine còn gây nên rắc rối ngoại giao khiến Israel khó xử. Theo Hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi xung đột giữa Palestine và Israel bùng phát, Thủ tướng Israel Netanyahu hôm 16/5 đã đăng một bản tweet, cảm ơn nhiều quốc gia đã ủng hộ các hành động của Israel chống lại Hamas. Dòng tweet có đoạn: “Cảm ơn các bạn đã kiên định đứng về phía Israel và ủng hộ quyền tự vệ của chúng tôi trước các cuộc tấn công khủng bố”.

Trong bản tweet này, ông Netanyahu cũng đăng quốc kỳ của 25 quốc gia được cho là đã ủng hộ Israel, bao gồm Mỹ, Albania, Australia, Áo, Bosnia và Herzegovina, Brazil, Đức và Cộng hòa Séc...

Tuy nhiên, ngay sau khi bản tweet này được đưa ra, hai quan chức chính phủ Bosnia và Herzegovina đã lên tiếng bác bỏ tuyên bố của ông Netanyahu, nói rằng Bosnia và Herzegovina không ủng hộ Israel tấn công vào dân thường Palestine.

Ông Shefik Zaferovic, thành viên Đoàn Chủ tịch nhà nước Bosnia và Herzegovina đã đăng trên mạng xã hội Facebook rằng “Thủ tướng Israel Netanyahu đã đặt lá cờ Bosnia - Herzegovina trong số các quốc gia ủng hộ các hành động hiện tại của Israel. Thông điệp của tôi muốn gửi tới ngài Thủ tướng Netanyahu là rằng Bosnia và Herzegovina không và không thể ủng hộ việc quân đội Israel giết hại thường dân vô tội ở Dải Gaza”.

Ngoại trưởng Bosnia và Herzegovina Bisera Turkovic tuyên bố trên Facebook bác bỏ thông tin của ông Netanyahu.

Ngoại trưởng Bosnia và Herzegovina Bisera Turkovic tuyên bố trên Facebook bác bỏ thông tin của ông Netanyahu.

Ông kêu gọi Netanyahu chấm dứt "cuộc tấn công không cân xứng" vào Dải Gaza và góp phần vào việc thiết lập hòa bình giữa nhân dân Palestine và Israel.

Bà Bisera Turkovic, Bộ trưởng Ngoại giao Bosnia và Herzegovina, cũng bác bỏ bản tweet của Netanyahu. Bà nói rõ trong một tuyên bố rằng "Bosnia và Herzegovina ủng hộ một giải pháp công bằng giữa Palestine và Israel. Bất kỳ cuộc tấn công nào cũng không mang lại hòa bình và ổn định. Chúng tôi kêu gọi chấm dứt ngay lập tức các vụ tấn công giết hại những người dân vô tội. Chỉ có các cuộc đàm phán mới có thể mang lại hòa bình lâu dài. Chúng tôi cũng ủng hộ các sáng kiến ​​giúp ngăn chặn làn sóng bạo lực".

Hiện chưa thấy phía Israel cũng như Thủ tướng Netanyahu lên tiếng gì về vụ việc khiến họ khó xử này.