Trong tin mới nhất, tờ Sputniknews của Nga cho biết tên lửa Club không chỉ được trang bị cho tàu ngầm, mà cả cho tàu chiến nổi mà Nga chuyển giao cho Việt Nam.
“Các tên lửa như vậy cũng có thể triển khai trên các tàu vận tải. Đặc điểm của tổ hợp gồm bốn tên lửa hành trình là bề ngoài chúng giống như một container tiêu chuẩn được sử dụng cho vận tải đường biển trên toàn thế giới”, tờ báo viết.
Dù không nói rõ biến thể nào của hệ thống tên lửa Club đang được nhắc tới, có khả năng lớn đó là biến thể Club-K - phiên bản mới nhất được thiết kế để đặt trong container có thể bố trí trên tàu thuyền hay xe tải, xe lửa..., bên cạnh phiên bản Club-S cho tàu ngầm, Club-M cho đất liền, và Club-N cho tàu nổi.
Điểm độc đáo của hệ thống Club-K là khi nó ở trạng thái hành quân, khó có thể nhận biết được đâu là container chứa tên lửa, đâu là container chứa hàng hóa thông thường. Hệ thống này có thể triển khai trên các tàu chở container thông thường, xe kéo chuyên dụng, đường ray xe lửa.
Sau khi tiếp nhận được thông số về mục tiêu từ các phương tiện trinh sát, hệ thống sẽ chuyển sang trạng thái sẵn sàng chiến đấu chỉ trong 5 phút.
Tên lửa sẽ được nạp mục tiêu và dẫn đường ban đầu thông qua các phương tiện khác như trạm radar, trực thăng... Ở pha cuối, tên lửa kích hoạt radar chủ động và lao đến mục tiêu mà không cần sự trợ giúp của các phương tiện dẫn đường khác.
Với tốc độ gấp 3 lần vận tốc âm thanh, quỹ đạo bay zig zag rất khó đánh chặn, tên lửa bắn ra từ Club-K được cho là không thể cản phá.
Khi xảy ra xâm lược, quốc gia duyên hải có thể nhanh chóng có được một hạm đội nhỏ bố trí trên bờ biển, để chiến đấu chống lực lượng tấn công đường biển của kẻ thù tiềm tàng.
Hơn nữa giá của loại khí tài này rất rẻ - chỉ gần 15 triệu USD cho một hệ thống cơ bản gồm 3 container, 4 tên lửa. Số tiền đó nhỏ hơn hàng chục lần giá một khinh hạm hay corvette thường dùng để phòng thủ đường bờ biển.
Dưới đây là đồ họa trình bày các thông số cơ bản của hệ thống tên lửa chống hạm Club-K do trang InfoStep thiết kế.
Theo: QPAN