Trong khuôn khổ cuộc triển lãm các thành tựu của ngành công nghiệp quốc phòng, Iran đã chính thức giới thiệu tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa nội địa Bavar-373 do nước này tự nghiên cứu chế tạo và có tính năng tương tự S-300 mà Iran đặt mua từ Nga.
Hồi tháng 2 năm 2010, khi hợp đồng Nga cung cấp các tổ hợp S-300 cho Iran bị gián đoạn, các chuyên gia quân sự Iran đã bắt đầu nghiên cứu chế tạo tổ hợp tên lửa phòng không của mình.
Kết quả là, hiện nay quân đội Iran được trang bị hai loại tổ hợp tên lửa phòng không: Bavar do Iran tự nghiên cứu chế tạo và S-300 nhập khẩu từ nước ngoài và đã trải qua những kinh nghiệm thực tế.
Liệu Bavar-373 có thể trở thành một đối thủ cạnh tranh mạnh với S-300?
Trong một cuộc phỏng vấn với "Sputnik", chuyên gia về quan hệ Iran-Nga Mahmoud Shuri nêu ý kiến như sau:
"Về mặt kỹ thuật, hôm nay chưa thể đánh giá về những điểm giống và khác nhau giữa hai hệ thống tên lửa phòng không, chưa thể nói liệu cả hai hệ thống có thể được sử dụng cho cùng một mục tiêu hay không.
Có một điều quan trọng khác: khối công nghiệp quốc phòng Iran hiện nay làm hết sức mình để tự đáp ứng tất cả các nhu cầu quân sự của đất nước.
Trọng tâm chú ý là nhiệm vụ bảo vệ đường biên giới của mình. Tuy nhiên, để tiếp tục phát triển ổn định, để đáp ứng tối đa yêu cầu của thời đại hiện nay, ngành công nghiệp quốc phòng Iran cần đến các công nghệ tiên tiến nước ngoài, và đôi khi — những mẫu vũ khí sẵn sàng để sử dụng trong các đơn vị quân đội.
Chính bởi vậy Iran đã ký kết hợp đồng với Nga về cung cấp các tổ hợp tên lửa S-300. Nói chung, tôi không thấy bất kỳ vấn đề trong thực tế rằng, Iran tiếp tục nhập khẩu các hệ thống tên lửa từ Nga, và đồng thời tiếp tục phát triển các loại vũ khí của mình.
Tất nhiên, không thể phủ nhận rằng, tổ hợp S-300 có những khác biệt với Bavar-373 về mặt chất lượng và tính năng kỹ thuật.
Nhưng, rất có thể là hai loại tên lửa này có thể bổ sung cho nhau! Cách bố trí và cách sử dụng trong thực tế chiến đấu là một vấn đề khác.
Không phải ngẫu nhiên mà Iran đã đặt ra và giải quyết thành công nhiệm vụ tự chế tạo hệ thống tên lửa rất giống với hệ thống của Nga".
Chuyên gia Iran đánh giá lạc quan triển vọng phát triển sự hợp tác kỹ thuật-quân sự giữa hai nước:
"Trong hoàn cảnh hiện nay, Iran không thấy sự cần thiết phải ký hợp đồng mới để mua thêm những tổ hợp tên lửa.
Hiện nay, với khối lượng vũ khí đã được đặt mua từ Nga, quân đội Iran có khả năng đảm bảo nhu cầu quốc phòng theo kế hoạch.
Song, không loại trừ rằng, trong tương lai gần sẽ xuất hiện những thách thức địa chính trị mới và, do đó, sẽ phải đáp ứng những nhu cầu mới của ngành quốc phòng.
Và các nhu cầu đó sẽ quyết định chúng tôi nên làm những gì, nên quan tâm đến những công nghệ quân sự nào của Nga. Còn tôi thì tôi tin rằng, sự hợp tác kỹ thuật-quân sự giữa hai nước chúng ta sẽ tiếp tục phát triển".