Tejas Ấn Độ vs FC-1 Trung Quốc: Liệu đã xứng “kỳ phùng địch thủ”?

VietTimes -- Ấn Độ đã gửi tới Triển lãm hàng không Bahrain những chiến đấu cơ mẫu mới Tejas. New Delhi đang xem xét khả năng xuất khẩu loại tiêm kích này và coi nó là đối thủ xứng đáng của mẫu máy bay Trung Quốc-Pakistan FC-1.
Tiêm kích Tejas của nền công nghiệp quốc phòng Ấn Độ.
Tiêm kích Tejas của nền công nghiệp quốc phòng Ấn Độ.

Dành riêng cho Sputnik, chuyên viên quân sự Nga Vasily Kashin có bài viết đánh giá các khả năng và cơ hội của mẫu tiêm kích Ấn Độ.

Theo đó, Kashin thẳng thắn đánh giá, rằng Tejas và FC-1 vẫn chưa phải là đối thủ cạnh tranh đầy đủ trên thực tế, bất kể những đặc tính kỹ thuật của mẫu tiêm kích này.

Về thị trường, Ấn Độ có thể đạt được một số thành tựu trong xuất khẩu Tejas tại các nước mà FC-1 không tiếp cận được. Còn với FC-1, trong nhiều trường hợp, khách hàng lại lựa chọn nó thuần túy vì nguyên nhân chính trị.

Về tính năng thiết kế, FC-1 hầu như không có đóng góp từ các phụ tùng linh kiện phương Tây. Chiếc máy bay được thiết kế ở Trung Quốc, phần lớn các bộ phận cũng được sản xuất ở đó. Vả bước lắp ráp hoàn chỉnh cuối cùng lại được thực hiện ở Pakistan.

 FC-1 là sản phẩm hợp tác giữa Trung Quốc và Pakistan.

Hệ thống điện tử và kiểm soát của FC-1 thuần Trung Quốc. Trong khi, động cơ lại có nguồn gốc từ Nga. Và nhờ điều này, FC-1 cũng như các quốc gia khai thác nó có thể hoàn toàn “miễn nhiễm” với các lệnh trừng phạt từ Phương Tây.

Ngược lại, nhiều cấu phần của tiêm kích Ấn Độ lại là các sản phẩm của nền kỹ nghệ Phương Tây.

Cụ thể, Tejas sử dụng động cơ General Electric của Mỹ và radar do Israel chế tạo. Đặc điểm này có thể mang đến một số trở ngại trong việc xuất khẩu máy bay đến các quốc gia Hồi giáo đối với mẫu chiến đấu cơ Ấn Độ.

Thứ nữa, FC-1 được sản xuất trong thời gian lâu hơn và với số lượng nhiều hơn đáng kể so với Tejas.

Loại máy bay này có thiết kế cơ bản và thuận tiện hơn khi sử dụng, xét trên các đặc điểm kỹ thuật. Tuy nhiên, FC-1 lại khó lòng được chào đón ở các quốc gia Đông Nam Á, những nước đang có tranh chấp chủ quyền, và tình trạng quan hệ căng thẳng với Bắc Kinh.

Không loại trừ khả năng, cùng với chiến lược từng bước tăng cường vị thế chính trị tại Đông Nam Á, Ấn Độ sẽ dần dần thúc đẩy quảng bá mẫu tiêm kích của mình tại khu vực này. Nhưng để hiện thực hóa tham vọng này, Ấn Độ cũng phải đối diện với không ít thử thách.

Tuy nhiên, so với Mig-29 thì cả Tejas và FC-1 vẫn còn rất "xanh". 

Vasily Kashin dự báo, triển vọng xuất khẩu cùa mẫu tiêm kích “gốc Trung Hoa” FC-1 không thực sự sáng sủa. Bởi ngoài Pakistan thì chiến đấu cơ chỉ được Nigeria và Myanmar mua với số lượng hạn chế. Nỗ lực đưa FC-1 vào hệ thống trang bị của không quân Sri Lanka, cũng đã bị Ấn Độ cản trở thành công.

Tương lai xuất khẩu của Tejas, so với FC-1, cũng tù mù không kém, nhất là sau những sự kiện gần đây.

Sự tuột dốc của đồng rúp — gấp đôi kể từ cuối năm 2014 — đã làm giảm đáng kể giá thành hàng hóa quân sự xuất khẩu của Nga.

Chính vì vậy, Ấn Độ và Trung Quốc sẽ buộc phải ganh đua không chỉ với nhau, mà còn phải cạnh tranh với mẫu cải tiến đời chót của MiG-29.

Chiến đấu cơ của Nga hoàn toàn có thể rẻ hơn cả máy bay Trung Quốc và Ấn Độ mà lại sở hữu những đặc tính kỹ thuật và hiệu suất chiến đấu  cao hơn hẳn.

N.S (Theo Sputnik)