Tàu ngầm Trung Quốc đang dần bắt kịp Mỹ

VietTimes -- “Tàu ngầm của Trung Quốc rõ ràng đang bắt kịp chúng ta” – Đại tá Chester Parks, sĩ quan chỉ huy tàu ngầm tên lửa hải quân Mỹ đóng quân tại Kings Bay, Georgia đã đưa ra bình luận như trên khi nói về tàu ngầm tên lửa lớp Colombia của Mỹ.
Tàu ngầm tấn công hạt nhân Type-093 của Trung Quốc (Ảnh: Getty)
Tàu ngầm tấn công hạt nhân Type-093 của Trung Quốc (Ảnh: Getty)

Bình luận trên nhận được sự đồng tình của một số chuyên gia quân sự Mỹ. Kể từ những năm 1970 đến nay, Trung Quốc chỉ sở hữu một vài chiếc tàu ngầm hạt nhân và trong suốt nhiều năm sau đó đều bị xem là nhái lại các mẫu tàu ngầm của phương Tây. Tuy nhiên, các mẫu tàu ngầm tên lửa đạn đạo mới nhất của họ như Type-093 lớp “Shang” hay Type-094 lớp “Jin” lại là chuyện khác.

Các mẫu tàu ngầm mới của Trung Quốc xuất hiện với số lượng lớn hơn hẳn và khả năng vận hành cao hơn. Tuy vẫn chưa thể sánh với các mẫu tàu ngầm của phương Tây, nhưng khoảng cách giữa hai bên đang dần được thu hẹp qua các năm.

Dù có rất nhiều biến thể khác nhau, nhưng chiến tranh tàu ngầm là một cuộc chơi về tính năng “tàng hình” và khả năng phát hiện mục tiêu. Có 2 câu hỏi chủ chốt dành cho bất cứ một mẫu tàu ngầm nào: Khả năng ẩn mình của chúng có tốt không? Khả năng phát hiện các tàu ngầm khác của chúng ra sao?

Tính năng “tàng hình” của tàu ngầm phần lớn phụ thuộc vào lượng âm thanh chúng phát ra lúc vận hành. Bởi vậy mục tiêu của mọi lực lượng vũ trang là làm sao để giảm âm thanh của tàu ngầm xuống mức tối thiểu, khoảng 90 decibel. Các mẫu tàu ngầm của phương Tây đã gần chạm tới mức này từ 20-30 năm trước. Thời điểm đó Trung Quốc bị coi là tụt hậu.

Tuy nhiên, theo một báo cáo đã được giải mật của hải quân Mỹ, mẫu tàu ngầm tấn công Type-093 của Trung Quốc hiện nay có mức ồn khoảng 110 decibel. Mức này gần giống với các tàu lớp Los Angeles được cải tiến của hải quân mỹ.

Cách đây 10 năm, các mẫu tàu ngầm tấn công của Trung Quốc được xem là có mức ồn ngang với tàu ngầm lớp Akula của Nga. Nhưng kể từ khi bản báo cáo nêu trên của hải quân Mỹ được công bố năm 2007, Trung Quốc đã cho ra mắt 2 biến thể của mẫu Type-093. Bởi vậy, không có gì khó hiểu khi các mẫu mới nhất của Trung Quốc sẽ hoạt động đỡ ồn hơn.

Xét về khả năng phát hiện mục tiêu tàu ngầm khác bằng hệ thống định vị thủy âm, hiện có rất ít thông tin về 2 mẫu tàu mới của Trung Quốc. Tuy nhiên, công nghệ của Trung Quốc đang được cải thiện nhanh chóng, kéo theo nhiều đổi mới đáng chú ý. Các tàu ngầm mới của Trung Quốc được cho là có hệ thống định vị thủy âm mảng thụ động dọc theo thân tàu, còn gọi là định vị thủy âm mảng sườn, tương tự như các tàu ngầm Mỹ. Ngoài ra, tàu ngầm Trung Quốc cũng có định vị thủy âm mảng kéo có thể thả ra và thu vào ở phía đuôi tàu, như các tàu phương Tây.

Trung Quốc cũng đang nỗ lực chế tạo một thế hệ tàu ngầm mới, đó là mẫu Type-095 lớp “Tang”. Nó sẽ là một thiết kế hoàn toàn mới và mới hơn 20 năm so với tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Virginia mới nhất của Mỹ. Dù khó có thể vượt mặt lớp Virginia, bởi vẫn đang được phát triển, nhưng ít nhất thì nền tảng của Type-095 vẫn mới hơn.

Và điều đáng chú ý nhất ở đây chính là sự đổi mới. Trước kia, quân đội Trung Quốc phải phụ thuộc nặng nề vào thiết kế tàu ngầm của các nước khác. Tuy nhiên, các tàu ngầm hạt nhân của họ lại luôn là mẫu tự thiết kế và được chế tạo trong nước. Ngành công nghiệp tàu ngầm của Trung Quốc cũng cho ra nhiều tín hiệu cho thấy họ đang tăng cường thử nghiệm, như một mẫu tàu ngầm bí ẩn được công bố hồi năm ngoái ở Thượng Hải.

Trong bình luận của mình, ông Chester Park cũng đề cập tới các tàu ngầm của Nga. Và đó là một câu chuyện khác hẳn. Bởi vậy, các tàu ngầm của hải quân Mỹ có thể tiếp tục được xem là ưu việt hơn so với các mẫu không phải của các nước thuộc NATO, nhưng ưu thế này hoàn toàn có thể biến mất trong tương lai.

Theo Forbes