Tàu đánh cá Thanh Hải 2017 hạ thủy tại cảng Hòn Rớ. |
Cụ thể, Viện nghiên cứu chế tạo tàu thủy thuộc Trường Đại học Nha Trang đã hạ thủy tàu đánh cá Thanh Hải 2017, số hiệu đăng kiểm NT-91215 TS, do ngư dân Võ Xuân Lanh, trú ở xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) đầu tư đóng mới.
Tàu đánh cá nêu trên chuyên nghề đánh bắt hải sản xa bờ, công suất 829CV, dài 24m, rộng 6,5m, cao 3,5m, trọng tải trên 150 tấn, tốc độ thiết kế 12 hải lý/h, bảo đảm cho 20 ngư dân hành nghề dài ngày đêm trên biển.
Ngoài ngư lưới cụ, trên tàu còn lắp đặt hệ thống radar, máy định vị, máy dò cá…
Chiếc tàu đánh cá có kết cấu vỏ bằng vật liệu composite này được Chính phủ hỗ trợ vốn đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.
Nghị định này dành nhiều điều kiện ưu đãi hỗ trợ ngư dân đóng mới các tàu cá vỏ sắt, vỏ gỗ, vỏ composite có công suất lớn để vươn khơi bám biển dài ngày. Trong đó trọng tâm là phát triển tàu cá vỏ sắt với việc hỗ trợ vay vốn lên đến 90% giá trị con tàu.
Tuy nhiên, với giá 12,8 tỷ đồng, mỗi chiếc tàu composite như Thanh Hải 2017 đã rẻ hơn tàu cá vỏ sắt cùng loại ít nhất là 5 tỷ đến 6 tỷ đồng.
Đợn cử như tàu vỏ sắt BD 99939 TS của Chủ tàu Nguyễn Thư (Hoài Nhơn, Bình Định) bị chìm tại vị trí gần đảo Phú Quý ngày 4/11/2016 có giá trị khoảng 16.9 tỷ.
Chưa kể, hiện nay, giá trị của tàu vỏ thép ngày càng tăng. Với tàu BD 99939 TS được đóng vào tháng 9/2016 có giá 16,9 tỷ, nhưng 3 chiếc tàu vỏ thép được bàn giao cho ngư dân Quảng Trị vào cuối tháng 11/2016, có công suất và thiết kế tương đương nhau, lại có giá 20,3 tỷ/tàu.
Được biết, hiện tại ngư dân một số nơi như Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Quảng Nam đã trả lại tàu cá vỏ thép cho "nhà sản xuất" do không phù hợp trong vận hành và thói quen đi biển.