Thay điện thoại “cục gạch” bằng smartphone
Điện thoại “cục gạch” là cách gọi vui về chiếc điện thoại đen - trắng (hay còn gọi là điện thoại feature phone) - ít tính năng, giá rẻ, chỉ để nghe, gọi, nhắn tin, mà không thể kết nối internet tốc độ cao. Loại điện thoại này phổ biến từ cuối thế kỷ trước và đang dần trở nên hiếm hoi do đang dần bị ngưng kết nối, không liên lạc được.
Dự kiến chậm nhất đến tháng 9/2024, Việt Nam sẽ dừng hoàn toàn công nghệ 2G, có nghĩa rằng các thuê bao, thiết bị sử dụng sóng 2G (2G Only) sẽ không thể tiếp cận dịch vụ nữa. Bắt đầu từ ngày 1/3 vừa qua, điện thoại 2G không được hòa mạng mới.
“Mở sóng” vào năm 1993, Việt Nam là một trong những quốc gia sớm áp dụng công nghệ này. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, mạng 2G liên tục bị tội phạm mạng khai thác, đặc biệt gây nên tình trạng phát tán tin nhắn rác và lừa đảo qua tin nhắn. Không chỉ vậy, 2G cũng là nguyên nhân cản trở việc triển khai mạng di động thế hệ mới với khả năng kết nối nhanh chóng và băng thông cao như 4G, 5G, 6G.
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long, quyết định "tắt sóng" mạng 2G được coi là một bước quan trọng để thúc đẩy các chương trình chính phủ điện tử, nền kinh tế số và xã hội số tại Việt Nam. Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai một loạt chính sách để chuẩn bị cho việc đóng mạng 2G, bao gồm yêu cầu tất cả các thiết bị di động được nhập khẩu hoặc sản xuất tại Việt Nam phải hỗ trợ công nghệ 4G hoặc cao hơn.
Các hộ nghèo, cận nghèo được mua smartphone trợ giá
Trao đổi về giải pháp để chuyển đổi lượng người còn dùng máy 2G, cũng như đảm bảo quyền lợi của người dùng, đại diện Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, để chuẩn bị cho kế hoạch này, Bộ phối hợp với các doanh nghiệp triển khai nhiều giải pháp chuyển đổi thuê bao từ 2G sang 4G.
Theo yêu cầu của Cục Viễn thông, các doanh nghiệp đã chặn máy điện thoại 2G không được chứng nhận hợp quy mới nhập mạng viễn thông di động từ ngày 1/3 vừa qua. Đồng thời, Bộ cũng có chính sách hỗ trợ smartphone cho các hộ nghèo, cận nghèo thông qua Quỹ dịch vụ Viễn thông công ích Việt Nam; huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ chuyển đổi smartphone, ưu tiên cho hộ nghèo và cận nghèo.
Cục Viễn thông hỗ trợ chi phí cho nhóm nghèo và cận nghèo chuyển đổi máy điện thoại 2G, 3G lên điện thoại thông minh (smartphone) sử dụng 4G. Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam lập kinh phí để hỗ trợ việc này, chi phí hỗ trợ có thể lên đến 500.000 đồng/smartphone, áp dụng cho khoảng 400.000 máy dành cho hộ nghèo, cận nghèo. Các khoản hỗ trợ được phân phối qua nhà mạng. Các tỉnh có số lượng smartphone thấp sẽ được quan tâm hỗ trợ trước.
Lãnh đạo Cục Viễn thông cũng đánh giá, các doanh nghiệp viễn thông đã chủ động xây dựng lộ trình dừng công nghệ 2G, 3G theo hướng tăng cường phủ sóng mạng bằng công nghệ 4G.
Tuy vậy, “việc này ở các xã đã thực hiện lâu rồi, nhưng đến từng thôn bản thì còn là thách thức lớn”, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, cho hay.
Năm 2030, 4G vẫn là công nghệ chủ đạo
Cục Viễn thông dự báo, thuê bao 4G sẽ đạt đỉnh khoảng năm 2026 sau đó giảm dần, nhưng đến năm 2030 thì 4G vẫn là công nghệ chủ đạo với thuê bao chiếm đa số, với 50% tổng số thuê bao di động.
Ông Nguyễn Phong Nhã cũng chỉ ra thực tế rằng hiện nay số lượng thuê bao 2G giảm không nhanh, chỉ 1%/tháng. Việc này chủ yếu do lượng thuê bao 2G Only vẫn được tiếp tục hoà mạng, khoảng 35.000 máy/tháng. Đây là nguyên nhân chính khiến số lượng thuê bao 2G giảm không nhanh như kỳ vọng.
Hiện nay, các doanh nghiệp viễn thông đang triển khai các chương trình hỗ trợ thuê bao chuyển sang sử dụng smartphone và có chính sách cước hỗ trợ việc thuê bao chuyển đổi.
Đặc biệt, với các thuê bao ở vùng sâu, vùng xa, vùng hạn chế tiếp cận thông tin báo chí, nhà mạng chủ động nhắn tin, gọi điện trực tiếp tới khách hàng để nâng cao nhận thức của người sử dụng, thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang sử dụng điện thoại thông minh.
“Các nhà mạng triển khai nhắn tin, gọi điện trực tiếp tới khách hàng, các kênh truyền thông trực tuyến, truyền thông tại điểm giao dịch để đảm bảo thông tin này đến được từng khách hàng đang sử dụng thiết bị thuần 2G, 3G”, ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Viễn thông, nói và thêm rằng Cục Viễn thông đã làm việc với các nhà mạng để đảm bảo “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Nhà mạng chạy đua hỗ trợ lên đời máy
Nắm được lộ trình triển khai tắt sóng 2G, 3G, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông đã có nhiều kế hoạch hành động cụ thể.
Trao đổi với PV, đại diện Tập đoàn VNPT cho biết đã không ngừng nâng cấp về công nghệ trong những năm qua. Từ năm 2015, khi 2G vẫn chiếm khoảng khoảng 60% lưu lượng mạng, VNPT đã xác định chiến lược và xây dựng kế hoạch tắt sóng 2G, triển khai các kế hoạch về 2G song song với triển khai 3G, 4G. Đến năm 2023, VNPT đã thực hiện tắt được gần 2.000 trạm 2G; hỗ trợ 1,9 triệu thuê bao chuyển đổi từ mạng 2G sang 3G, 4G.
“Từ đầu năm 2024 đến nay, VinaPhone đã có hơn 400.000 thuê bao 2G chuyển sang dùng SIM 4G. VNPT cũng đẩy mạnh truyền thông chủ trương và lộ trình tắt sóng 2G tới khách hàng tại các điểm giao dịch, điểm bán hàng lưu động, qua áp phích, tờ rơi… và triển khai trợ giá thiết bị đầu cuối”, ông Phạm Ngọc Tú, Trưởng ban Phát triển dịch vụ, Tổng công ty Dịch vụ viễn thông (VNPT VinaPhone) cho biết.
LÀ nhà mạng chiếm thị phần viễn thông lớn nhất tại Việt Nam, Viettel không chỉ tắt sóng 2G mà đã tắt cả sóng 3G trên diện rộng trong năm 2022 (với quy mô lên tới 35.000 trạm BTS) để tập trung phát triển 4G và 5G. Trước đó, Viettel đã bắt đầu thử nghiệm tắt mạng 2G, 3G ở một số tỉnh, thành như TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Thái Nguyên, Bình Dương, Quảng Bình, Nghệ An, Đồng Tháp, Ninh Bình, Thừa Thiên - Huế... Song song với việc triển khai tắt mạng 3G tại một số tỉnh, thành phố, Viettel cũng thử nghiệm mạng 5G và tiếp tục mở rộng vùng phủ sóng của mạng 4G trên toàn quốc.
Ông Nguyễn Trọng Tính, Phó Tổng Giám đốc Viettel Telecom cho rằng, tắt sóng 2G là chủ trương rất đúng đắn, phù hợp với xu thế và nhu cầu của khách hàng, xã hội trong giai đoạn hiện nay.
“Đây là bước ngoặt quan trọng trong phát triển hạ tầng viễn thông tại Việt Nam cũng như là chìa khóa mở ra cuộc sống số, tương lai số với nhiều tiện ích, cơ hội mới cho người dân”, ông Tính trao đổi với VietTimes.
Để người dùng 2G của Viettel “lên đời” 4G, nhà mạng đã triển khai nhiều chương trình ưu đãi như ra mắt nhiều dòng máy feature phone và smartphone 4G giá rẻ đi kèm với chính sách ưu đãi chưa từng có. Cụ thể, Viettel Telecom sẽ trợ giá tới 50% một số dòng máy 4G giá rẻ có tính năng nghe gọi, chỉ từ 290.000 đồng/máy. Những khách hàng chuyển đổi lên 4G thành công và sử dụng điện thoại smartphone sẽ được tặng 28GB data tốc độ cao và miễn phí data khi xem ứng dụng TV360.
Để thực hiện việc tắt sóng 2G, 3G đúng lộ trình, MobiFone đã chủ động nhắn tin, gọi điện, cử nhân viên địa bàn liên hệ, thông báo để tránh việc người dùng bật máy lên mới biết không có mạng. Nhà mạng cũng hỗ trợ người dùng đổi SIM 2G lên 4G miễn phí; ưu đãi với thuê bao sử dụng điện thoại 2G nâng cấp lên điện thoại thông minh, như miễn phí thay SIM 4G, được sử dụng 2GB data/ngày trong 90 ngày; giảm giá mua thiết bị lên tới 1 triệu đồng...
Trao đổi với VietTimes, đại diện Vietnamobile cho biết đây là nhà mạng có tỷ lệ thuê bao sử dụng 2G thấp nhất hiện nay. Theo thống kê, hiện còn khoảng 3% số thuê bao của Vietnamobile đang dùng máy 2G.
Để khuyến khích tập khách hàng này nâng cấp lên smartphone, nhà mạng này tăng cường truyền thông trên các kênh chính thống của nhà mạng như SMS, Website, App, các kênh mạng xã hội và quảng cáo.
“Cùng với đó là chương trình tặng data khủng để người dân không lo lắng về chi phí khi dùng internet tốc độ cao”, một đại diện của Vietnamobile nói và cho biết thêm rằng nhà mạng này đang làm việc với một số nhà cung cấp smartphone giá bình dân để có mức giá tốt cho khi khách 2G chuyển đổi.
3 mục tiêu cơ bản khi tắt sóng 2G
Ông Đoàn Quang Hoan, Tổng Thư ký Hội Vô tuyến điện tử cho rằng có 3 mục tiêu cơ bản khi tắt sóng 2G bao gồm:
Thứ nhất, đối với xã hội, người dùng sẽ loại bỏ dịch vụ chất lượng thấp.
Thứ hai, đối với doanh nghiệp, sẽ giảm bớt chi phí khai thác, góp phần xã hội phát triển công nghệ xanh.
Thứ ba, đối với nhà nước, sẽ giải phóng băng tần công nghệ cũ, sử dụng công nghệ mới mang lại hiệu quả quan trọng, phù hợp với chuyển đổi số quốc gia.
Cũng theo Tổng Thư ký Hội Vô tuyến điện tử, việc tắt sóng 2G không phải là sáng kiến của Việt Nam, mà đây là bước theo xu hướng của nhiều quốc gia, có thể kể tới như Nhật Bản (năm 2011) Singapore, (năm 2017), Trung Quốc (năm 2021).