Tập đoàn vận tải CMA-CGM muốn được cấp phép bay cho CC Air Cargo tại Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ông Patric Bergamini – Phó Chủ tịch Phát triển kinh doanh và quan hệ chính phủ của tập đoàn CMA-CGM – cho biết như vậy tại buổi gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm 13/12, tại Bỉ.

Cụ thể, đại diện CMA-CGM cho hay, tập đoàn này đang chuẩn bị thực hiện các thủ tục đề nghị cấp giấy phép bay cho Công ty vận tải hàng không CMA – CGM (CC Air Cargo) tại Việt Nam.

Đồng thời, vị này cũng đề cập đến việc mở rộng dự án cảng Gemalink giai đoạn 2 tại Cái Mép; dự án đầu tư tại bến cảng Lạch Huyện, Hải Phòng; và kế hoạch đầu tư cảng cạn tại miền nam Việt Nam.

Phát biểu tại cuộc gặp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị CMA-CGM tiếp tục phối hợp, làm việc chặt chẽ với các cơ quan liên quan để được hướng dẫn, hỗ trợ xử lý vướng mắc, thực hiện triển khai các dự án cảng biển theo đúng quy định của pháp luật và quy hoạch.

Về việc cấp giấy phép bay cho CC Air Cargo, Thủ tướng đề nghị tập đoàn triển khai các thủ tục theo quy định, phía Việt Nam sẽ tích cực hỗ trợ và giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh theo quy định.

Buổi làm việc giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và ông Patric Bergamini, Phó Chủ tịch Phát triển kinh doanh và quan hệ chính phủ của Tập đoàn CMA-CGM (Ảnh: VGP)

Buổi làm việc giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và ông Patric Bergamini, Phó Chủ tịch Phát triển kinh doanh và quan hệ chính phủ của Tập đoàn CMA-CGM (Ảnh: VGP)

Thành lập từ năm 1861, CMA-CGM là tập đoàn vận tải và logistics hàng đầu nước Pháp với hơn 257 đường vận chuyển tàu thủy chung chuyển giữa 420 cảng tại 160 quốc gia. Tập đoàn này có trụ sở tại Pháp và Hoa Kỳ.

Năm 2021, doanh thu của CMA-CGM lên tới 56 tỉ USD, tăng tới 77,8% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh lĩnh vực hàng hải, ít năm trở lại đây, CMA-CGM còn mở rộng hoạt động sang lĩnh vực vận chuyển hàng không. Tháng 10/2021, tập đoàn này đã đặt hàng 2 máy bay vận tải Boeing 777, có thể chở 102 tấn hàng hóa với tầm bay tối đa 9.200 km.

CMA-CGM đã đầu tư vào cơ sở hạ tầng cảng tại Việt Nam từ năm 1994, thông qua quan hệ đối tác liên doanh với Tổng Công ty cổ phần Đường sông Miền Nam (Sowatco) và Mitsui&Co (Nhật Bản) tại khu cảng VICT ở Thành phố Tp. HCM.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, hiện có 5 hãng hàng không Việt Nam khai thác vận chuyển hàng hóa kết hợp trên chuyến bay chuyên chở hành khách nhưng chưa có hãng nào chuyên vận chuyển hàng hóa bằng tàu bay chuyên dụng.

Trong khi đó, có 29 hãng hàng không nước ngoài khai thác tàu bay chuyên chở hàng hóa từ 16 quốc gia, vùng lãnh thổ đến Việt Nam.

Nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển bằng đường hàng không, tháng 6/2021, IPP Air Cargo đã đề xuất thành lập hãng bay chuyên vận tải hàng hóa, với vốn đầu tư 2.400 tỉ đồng.

Tuy nhiên, đến tháng 10/2022, công ty của ông Johnathan Hạnh Nguyễn đã đề nghị xin dừng cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng hóa hàng không IPP Air Cargo.

Nguyên nhân, theo IPP Air Cargo, là do tình hình biến động và bất ổn của thị trường hàng hóa toàn cầu, cũng như dự báo khó khăn của ngành vận chuyển hàng hóa trong vài năm tới do biến động về giá nhiên liệu, nguy cơ suy thoái kinh tế diện rộng./.