Ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch Tập đoàn Thành Công |
Củng cố nội lực
Thị trường ô tô Việt Nam các năm gần đây đã hình thành cuộc đua “tam mã” giữa Toyota, Huyndai và Thaco. Trong đó, dòng xe Huyndai do TC Motor – thương hiệu mảng ô tô của Tập đoàn Thành Công – phân phối, đã nhiều lần thách thức vị trí ngôi đầu của Toyota về doanh số.
Trên đà tăng trưởng, ngày 20/9/2020, Tập đoàn Thành Công và Hyundai Motor (Hàn Quốc) phối hợp tổ chức lễ động thổ dự án đầu tư xây dựng nhà máy Hyundai Thành Công số 2 (HTMV 2) tại Khu công nghiệp Gián Khẩu, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.
Dự án có quy mô 50ha, tổng vốn đầu tư hơn 3.200 tỉ đồng. Khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ nâng tổng công suất sản xuất và lắp ráp xe Huyndai Việt Nam vượt con số 170.000 xe/năm.
Chỉ hai ngày sau (22/9/2020), Tập đoàn Thành Công tiếp tục tổ chức lễ động thổ Tổ hợp công nghiệp phụ trợ ô tô Thành Công Việt Hưng, quy mô 340ha, thuộc KCN Việt Hưng – TP Hạ Long.
Dự án này thiết lập kỷ lục mới về thời gian triển khai đầu tư tại Quảng Ninh, được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong vòng chưa đầy 24h kể từ khi Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh tiếp nhận hồ sơ đầy đủ (18/9/2020) và động thổ, xây dựng sau đúng 4 ngày.
Khởi công 2 dự án lớn chỉ trong ít ngày, tập đoàn do vị doanh nhân Nguyễn Anh Tuấn đứng đầu cho thấy nguồn tiềm lực đáng nể, được tích luỹ qua nhiều năm hoạt động trong ngành công nghiệp ô tô.
Theo dữ liệu của VietTimes, nhiều đơn vị, thành viên của Tập đoàn Thành Công đều ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong những năm gần đây.
Kết quả kinh doanh của một số đơn vị thành viên của Tập đoàn Thành Công |
CTCP Huyndai Thành Công Việt Nam (HTC) – đơn vị nòng cốt trong mảng ô tô của Tập đoàn Thành Công – liên tục ghi nhận đà tăng trưởng doanh thu ấn tượng trong 3 năm qua. Cụ thể, năm 2018, doanh thu của HTC đạt 29.241,5 tỉ đồng, cao gấp đôi so với năm 2017. Bước sang năm 2019, doanh thu của HTC tăng trưởng 47,6%, đạt mức 43.187 tỉ đồng. Đồng thời, công ty này cũng báo lãi lên tới 4.203 tỉ đồng.
Tương tự, CTCP Sản xuất Ô tô Huyndai Thành Công Việt Nam dù mới chỉ được thành lập từ tháng 9/2016, song 3 năm gần đây liên tục ghi nhận tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận. Riêng năm 2019, công ty này ghi nhận doanh thu đạt 25.000 tỉ đồng, báo lãi thuần 1.126,5 tỉ đồng.
Nguồn lợi nhuận tích cực, bền vững từ mảng ô tô giúp Tập đoàn Thành Công tích luỹ được lượng tư bản khổng lồ, tạo dựng được nền tảng vững chắc cho định hướng đa ngành, nổi bật là bất động sản và tài chính – ngân hàng.
Vươn tầm
Cuộc “đổ bộ” vào lĩnh vực bất động sản của Tập đoàn Thành Công được ghi nhận từ năm 2012. Đó là sự ra đời của CTCP Thành Công E&C, với dự án đầu tay Shilla Stay Resort (5,4 ha, Quảng Nam).
Năm 2014, Thành Công E&C nhận chuyển nhượng dự án Tổ hợp văn phòng, căn hộ bán và cho thuê tại 343 – 345 Đội Cấn (Ba Đình, Hà Nội) từ CTCP Đầu tư và Xây dựng số 4 với giá trị hợp đồng chuyển nhượng là 197 tỉ đồng.
Đến tháng 11/2017, CTCP Tập đoàn Thành Công thành lập Công ty TNHH TCG Land (TCG Land) với quy mô vốn điều lệ lên tới 1.668 tỉ đồng.
Cập nhật đến tháng 2/2020, TCG Land là cổ đông nắm tỷ lệ sở hữu chi phối (75,03% VĐL) tại CTCP Đầu tư PV-Inconess (Mã CK: RGC). Qua đó, Tập đoàn Thành Công gián tiếp sở hữu 2 dự án rất lớn ở Ninh Bình là tổ hợp Du lịch - sân golf 54 lỗ hồ Yên Thắng (670ha) và dự án Khu du lịch sinh thái hồ Đồng Thái (2.185ha). Hai dự án này có tổng mức đầu tư dự kiến lên tới 472 triệu USD.
Bên cạnh bất động sản, khoản đầu tư của Tập đoàn Thành Công vào lĩnh vực ngân hàng – mà cụ thể là Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank – Mã CK: EIB) – cũng nhận được nhiều sự chú ý.
Nhiều nhà quan sát thậm chí còn đánh giá, bước đi này như một "nước cờ chiến lược" cho tham vọng nâng tầm đế chế của đại gia Tuấn "Thành Công".
Thực tế, so với các tay chơi hiện hữu ở "game Eximbank", nhóm Thành Công có thể xem như người đến sau.
Phần đông thị trường mới chỉ biết đến sự hiện diện của họ cách đây hơn một năm, khi hồi tháng 4/2019, đại gia Nguyễn Anh Tuấn có văn bản kiến nghị gửi HĐQT Eximbank cho biết là người đại diện/được uỷ quyền bởi một nhóm cổ đông mới đầu tư vào Eximbank, nắm giữ 12,97% vốn điều lệ của nhà băng này.
Các cổ đông được ông Tuấn đề cập trong văn bản kiến nghị bao gồm: CTCP Tập đoàn Thành Công (sở hữu 60,54 triệu cổ phần EIB, tương đương 4,9% VĐL); ông Nguyễn Tiến Dũng (54,97 triệu cổ phần EIB, tương đương 4,45% vốn điều lệ) và Hợp tác xã cổ phần Thành Công (44,72 triệu cổ phần EIB, tương đương 3,62% vốn điều lệ).
Đến sau và cũng chưa hẳn là nhóm cổ đông nắm giữ nhiều cổ phần EIB nhất, nhưng "tay chơi" đến từ Ninh Bình đang nổi lên như ứng viên giàu khát khao, giàu ảnh hưởng bậc nhất cho vai trò "người cầm cơ" trong "game Eximbank".
Nên biết, trong danh sách các nhân sự dự kiến bầu vào HĐQT và Ban Kiểm soát Eximbank nhiệm kỳ VII (2020 – 2025), có tới 3/10 nhân sự được đề cử hoặc có liên quan đến nhóm Thành Công.
Cụ thể, CTCP Tập đoàn Thành Công cùng ông Nguyễn Tiến Dũng và 3 cổ đông khác đã đề cử một lãnh đạo đương nhiệm ở Eximbank làm Thành viên HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VII.
Trong khi đó, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Thành Công – bà Lê Hồng Anh (phu nhân của ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐTV TCG Land) – cũng nhận được sự đề cử của Hợp tác xã cổ phần Thành Công, ông Nguyễn Tiến Dũng và Mr Exim Investments Limited.
Ông Đào Phong Trúc Đại – nhân sự được HĐQT đương nhiệm của Eximbank đề cử làm Thành viên HĐQT độc lập nhiệm kỳ VII – hiện là Tổng Giám đốc của CTCP Đầu tư PV-Inconess. Doanh nghiệp này, như VietTimes đề cập ở đầu bài viết, bản chất là công ty con của Tập đoàn Thành Công.
Về ban kiểm soát, có tới 2/3 nhân sự được đề cử bởi nhóm Thành Công, đó là ông Trần Ngọc Dũng và bà Nguyễn Thị Hiền Ngọc.
Lưu ý, Eximbank là ngân hàng cổ phần hiếm hoi ở Việt Nam chưa thực sự thuộc/bị chi phối bởi một nhóm chủ tư nhân đơn lẻ nào. Giá trị hơn nữa, Eximbank là một nhà băng lớn, có thương hiệu và mạng lưới thuộc top đầu thị trường, chất lượng tài sản cũng cơ bản sạch sẽ.
Với vị thế sẵn có, chỉ cần ổn định nội bộ, nhà băng có rất nhiều lợi thế và cả dư địa để bứt phá. Do đó, nó trở thành "hàng hot" bậc nhất thị trường, nhất là với những ai đang đi tìm mảnh ghép tài chính chiến lược cho hệ sinh thái của mình.
Sở hữu Eximbank - với khối tài sản cả chục tỷ đô - không chỉ mở ra cánh cửa kinh doanh trong giới “buôn tiền”, mà còn giúp tương hỗ các hoạt động kinh doanh cốt lõi cho nhà chủ.
Xét với Tập đoàn Thành Công, nếu thành công trong việc "cầm cơ" ở Eximbank, đại gia Nguyễn Anh Tuấn sẽ thực sự nâng tầm đế chế kinh doanh của mình.
Song đó vẫn chỉ là những tính toán mang tính dự báo và nặng về lý thuyết, trong kịch bản lý tưởng. Sở hữu Eximbank có lợi thật nhưng để sở hữu thì không dễ.
Cuộc chơi này quá khốc liệt. Nó đòi hỏi kinh nghiệm và quan hệ rất sâu trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, vốn rất đặc thù và khác xa lĩnh vực sản xuất mà Thành Công theo đuổi bấy lâu.
Đã vậy, nó còn đặc biệt tốn kém. Lãnh đạo NHNN đã nhiều lần yêu cầu rõ, làm ngân hàng là phải có “tiền tươi, thóc thật”. Tập đoàn Thành Công, như đã phân tích, là một tay chơi có tiềm lực và có tích luỹ tư bản tốt. Nhưng liệu thế đã đủ với "game Eximbank"?!.../.