Trong báo cáo tài chính Quý 4/2019 hợp nhất vừa công bố, CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (viết tắt: DII - Mã CK: HHV) cho biết quy mô vốn góp của doanh nghiệp này tính đến cuối năm ngoái đạt 2.270,09 tỷ đồng, tăng gấp 28,59 lần so với đầu năm.
Báo cáo cho thấy, CTCP Tập đoàn Đèo Cả (Tập đoàn Đèo Cả) không tham gia vào đợt tăng vốn này, khiến tỷ lệ sở hữu giảm mạnh từ 47,74% xuống chỉ còn 1,67%, và không còn là cổ đông lớn của HHV.
Bên cạnh đó, hai cổ đông cá nhân khác có liên quan là ông Hồ Minh Hoàng (SN 1972, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả) và Nguyễn Quốc Anh cũng giảm mạnh tỷ lệ sở hữu vì không góp thêm vốn.
Ở chiều hướng ngược lại, cơ cấu cổ đông của HHV xuất hiện thêm 5 pháp nhân mới sở hữu lượng lớn cổ phần là: CTCP Đầu tư Hải Thạch B.O.T (40,27%); CTCP Đầu tư Hạ tầng Miền Bắc (38,87%); CTCP Tập đoàn Hải Thạch (5,37%); CTCP Đầu tư thương mại Quốc tế Hà Thành (4,77%) và CTCP BOT Hưng Phát (7,22% vốn điều lệ).
Cơ cấu sở hữu tại CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả cuối năm 2019 (Nguồn: BCTC Hợp nhất Quý 4/2019 của DII)
|
Như VietTimes từng đề cập, sau phiên họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường lần 1 năm 2019, HHV đã mạnh tay thâu tóm cổ phần chi phối tại loạt công ty đang đầu tư các dự án BOT và BT trong lĩnh vực giao thông nhằm thực hiện chiến lược phát triển đã được cổ đông thông qua. Song, hoạt động này cũng khiến HHV phát sinh khoản công nợ lên tới 2.394,46 tỷ đồng.
Tới ngày 1/11/2019, các cổ đông tại phiên họp ĐHĐCĐ bất thường lần 2 của HHV đã thông qua việc phát hành hơn 239,446 triệu cổ phần cho 5 chủ nợ nêu trên nhằm hoán đổi công nợ.
Hamadeco: Ai mới là chủ nợ thực sự của thành viên Tập đoàn Đèo Cả? |
Trong một diễn biến rất đáng chú ý, ngày 20/1/2020, Hội đồng quản trị HHV đã thông qua nghị quyết về việc góp vốn đầu tư vào CTCP Đầu tư Đèo Cả (viết tắt: DCIC).
Cụ thể, HHV sẽ mua 35.891.640 cổ phần chào bán cho cổ đông hiện hữu của DCIC, với giá mua bằng mệnh giá là 10.000 đồng/cổ phần. Giao dịch này được dự kiến hoàn thành trước ngày 15/4/2020. Nếu thương vụ diễn ra thuận lợi, sau giao dịch, HHV sẽ nắm giữ 127,29 triệu cổ phần của DCIC.
Xét ở một góc độ khác, giá trị các khoản phải trả trên báo cáo tài chính hợp nhất Quý 4/2019 của HHV đã giảm mạnh từ mức 3.144 tỷ đồng đầu kỳ xuống chỉ còn 654,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, dư nợ phải trả của HHV tại thời điểm 31/12/2019 chỉ giảm nhẹ so thời điểm cuối Quý 3/2019, đạt mức 22.442,98 tỷ đồng. Nguyên nhân là do các khoản vay và nợ thuê tài chính của HHV tăng mạnh từ mức 18.496,7 tỷ đồng lên mức 20.169,8 tỷ đồng chỉ trong Quý 4/2019.
Tính đến ngày 31/12/2019, quy mô tổng tài sản của HHV đạt 29.644,3 tỷ đồng. Trong đó, phần tài sản dài hạn chiếm tới 93% tổng tài sản.
Ngoài ra, báo cáo tài chính được ký bởi tân Tổng Giám đốc Võ Thụy Linh (bổ nhiệm ngày 10/1/2020) còn cho thấy HHV báo lỗ sau thuế 84,7 tỷ đồng chỉ tính riêng trong Quý 4/2019.
DII báo lỗ Quý 4/2019 (Nguồn: BCTC Hợp nhất Quý 4/2019)
|
Trong đó, doanh thu thuần của HHV trong kỳ đạt 316,59 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp thu về từ hoạt động kinh doanh là 177,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí lãi vay trong kỳ ghi nhận tới 244 tỷ đồng khiến HHV ghi nhận khoản lỗ từ hoạt động kinh doanh.
Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất Quý 4/2019 do HHV tự lập không trình bày số liệu cùng kỳ năm trước cũng như số lũy kế cho cả năm 2019.
Được biết, HHV tiền thân là CTCP Quản lý và Khai thác Hầm đường bộ Hải Vân (Hamadeco). Sau khi được cổ phần hóa, Hamadeco bắt đầu niêm yết trên sàn chứng khoán từ tháng 12/2015. Nửa cuối năm 2019, sau khi tiến hành đổi tên nhằm hỗ trợ công tác nhận diện thương hiệu và phù hợp với mảng hoạt động chính là đầu tư vào hạ tầng giao thông, công ty đã nộp hồ sơ đổi mã giao dịch chứng khoán trên sàn Upcom từ HHV thành DII.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của VietTimes, việc đổi mã giao dịch tới nay vẫn chưa hoàn tất./.