Tập đoàn 22 tỉ USD của Nga muốn đầu tư dự án lọc hóa dầu tại Vân Phong

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Thông tin này được cho biết trong buổi làm việc giữa CTCP Đầu tư - Dịch vụ Quốc tế GS, Tập đoàn TAIF và lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa, chiều 23/11.

Cụ thể, theo đại diện TAIF, tập đoàn này đang muốn tìm kiếm, mở rộng đầu tư tổ hợp công nghiệp bao gồm nhà máy lọc hoá dầu, cảng khí LNG, nhà máy điện khí LNG tại các thị trường đang phát triển mạnh như Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng.

Do đó, doanh nghiệp này mong muốn được nghiên cứu, đầu tư dự án lọc hóa dầu tại khu vực Vân Phong, Khánh Hoà. Nếu được chấp nhận đầu tư, dự án này sẽ tạo nên một khu vực công nghiệp liên hoàn với tổ hợp nhà máy lọc hóa dầu, cảng khí LNG và nhà máy điện khí LNG.

TAIF 1.png
Toàn cảnh buổi làm việc giữa lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa và TAIF (Ảnh: Báo Khánh Hòa)

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà - khẳng định cơ bản thống nhất với chủ trương nghiên cứu, lập đề xuất dự án đầu tư; đồng thời giao Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan hỗ trợ, hướng dẫn nhà đầu tư tiếp tục thực hiện các thủ tục tiếp theo, theo đúng quy định pháp luật.

Trước đó, hạ tuần tháng 5, TAIF và CTCP Đầu tư - Dịch vụ Quốc tế GS (GS Investment) đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận để tìm kiếm cơ hội đầu tư.

TAIF được thành lập vào năm 1995, có thế mạnh trong lĩnh vực lọc hóa dầu, năng lượng, hóa chất, cảng biển logistics tại Liên bang Nga. Theo Forbes, tính đến ngày 31/12/2020, TAIF có tổng tài sản khoảng 22 tỉ USD, đứng thứ 13 tại Liên bang Nga. Năm 2021, TAIF nhận được nhiều sự quan tâm khi tiến hành sáp nhập với “gã khổng lồ” hoá dầu Sibur (Nga).

Trong khi đó, GS Investment được thành lập vào tháng 3/2023, đăng ký hoạt động dịch vụ khác liên quan đến vận tải. Theo dữ liệu của VietTimes, công ty này ban đầu có vốn điều lệ 100 tỉ đồng, được sáng lập bởi 3 thể nhân, gồm: ông Trần Như Tâm (57% VĐL); ông Đoàn Phương Nam (38% VĐL) và ông Vũ Ngọc Anh Duy (5% VĐL).

Ngoài TAIF, Aramco - tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới, cũng bày tỏ mong muốn được hợp tác, đầu tư tại Việt Nam.

Tháng trước, trong khuôn khổ chuyến thăm Saudi Arabia và tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN - Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC), Thủ tướng Phạm Minh Chính có buổi gặp gỡ Phó Chủ tịch điều hành tập đoàn Aramco Yasser M.Mufti.

Ông Yasser M.Mufti cho biết tập đoàn Aramco mong muốn tìm hiểu thị trường, nắm bắt các cơ hội để tiến hành đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt là trong xây dựng các nhà máy lọc hóa dầu. Hiện, Aramco cung cấp dầu thô cho các doanh nghiệp ở Việt Nam, song chưa có đầu tư trực tiếp./.