Asia Times trò chuyện với bà Trần Uyên Phương, 35 tuổi, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn giải khát Tân Hiệp Phát, đồng thời là con gái của ông Trần Quí Thanh, chủ tịch tập đoàn.
Tập đoàn Tân Hiệp Phát đến nay vẫn là một công ty gia đình, được thành lập từ năm 1994. Với tư cách là người thừa kế công ty, vốn kiến thức sâu rộng về dân cư và con người Việt Nam có thể sẽ là chìa khóa để bà Phương dẫn dắt Tân Hiệp Phát đạt được doanh thu mục tiêu 3 tỷ USD vào năm 2027, Asia Times nhận định.
"Dân số của Việt Nam hiện nay tập trung vào nhóm tuổi từ 15-40. Khi thu nhập tăng lên, nghiên cứu của chúng tôi cho thấy những người trẻ tuổi đang ngày càng nhận thức được họ đang tiêu thụ những sản phẩm gì. Họ quan tâm đến sức khoẻ và một cuộc sống tốt đẹp. Họ muốn tiêu thụ những sản phẩm ít đường hơn. Một số công ty hiện nay đang cố gắng cạnh tranh nhau về giá cả. Còn chúng tôi không quan tâm đến cuộc chạy đua đó. Chúng tôi đang xây dựng công ty thành một thương hiệu vì sức khỏe, theo hướng kết nối với lối sống của người tiêu dùng", bà Phương lý giải về hướng phát triển của tập đoàn.
Các sản phẩm của Tân Hiệp Phát chủ yếu mang hương vị trà xanh, kết hợp trà với thức uống năng lượng bổ sung vitamin. Năm ngoái, tập đoàn này đã bán được hơn một tỷ lít nước giải khát, xếp thứ hai cả nước chỉ sau Coca Cola. Tuy nhiên “nếu xét tới thương hiệu vì sức khỏe, chúng tôi là số một”, bà Phương tự tin khẳng định. Tập đoàn này đã xuất khẩu nước giải khát sang 16 nước trên thế giới, tuy nhiên thị trường mục tiêu vẫn là ở Việt Nam. Trong vòng hai năm qua, Tân Hiệp Phát đã mở rộng công xưởng, bổ sung thêm ba nhà máy mới ở Hồ Chí minh và nhà máy thứ tư sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm nay. Tất cả dây chuyền chế biến của công ty đều sử dụng công nghệ "vô trùng" để khử trùng hoàn toàn các chai nhựa, do đó không cần dùng đến chất bảo quản.
Các sản phẩm tiêu biểu của Tân Hiệp Phát
“Chúng tôi là công ty đầu tiên ở châu Á đầu tư vào công nghệ này. Và đổi lại, với công nghệ của thế kỷ XXI, người tiêu dùng sẽ nhận được các sản phẩm với nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên", bà Phương cho hay. Bà cũng nói thêm rằng, các nhà máy mới giúp giảm đáng kể chi phí vận chuyển cho Tân Hiệp Phát. “Hệ thống phân phối của chúng tôi đang mở rộng. Hiện nay chúng tôi có khoảng 300.000 điểm bán lẻ, và mục tiêu của chúng tôi là khiến các thức uống của công ty trở nên phổ biến để người tiêu dùng có thể mua được ở bất kỳ đâu trên cả nước chỉ trong vòng bán kính 50m.”
Trong khi đó, ông Thanh trả lời Asia Times rằng ông đặt chỉ tiêu doanh thu tăng lên 30% chỉ trong năm nay. Tôn chỉ kinh doanh của ông Thanh là “người bạn quan trọng nhất chính là người tiêu dùng".
Một thông tin thú vị là vào cuối năm nay, bà Phương sẽ xuất bản một cuốn sách song ngữ Việt – Anh mang tên “Cuộc cạnh tranh với người khổng lồ trong thị trường nội địa” (Tên Tiếng Anh: Competing With Giants in a Local Market).
Theo bà Phương, cạnh tranh với các công ty lớn, chủ yếu đến từ nước ngoài là vấn đề chính mà nhiều công ty Việt Nam đang phải đối mặt. “Chúng tôi đang cạnh tranh về vốn và nguồn lực với các tập đoàn toàn cầu. Trong khi đó, rất nhiều công ty trong nước còn non trẻ và họ phải đối mặt với rất nhiều trở ngại. Cuốn sách dựa trên kinh nghiệm của cha tôi và câu chuyện của Tân Hiệp Phát. Chúng tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm đó để cho người khác thấy họ có thể đạt được những gì".
Đối với chính Tân Hiệp Phát, bên cạnh việc phát triển trong nước, ông Thanh còn nhìn thấy tiềm năng mở rộng thị trường xuất khẩu.
Ông Thanh tiết lộ với Asia Times rằng một tập đoàn nước ngoài đã đề nghị trả 2,5 tỷ USD để mua Tân Hiệp Phát vào năm 2015. "Chúng tôi sắp đạt được doanh thu 1 tỷ USD. Nếu đạt được mức đó, tôi ước tính tập đoàn sẽ trị giá 5 tỷ USD. Tất cả những gì tôi có thể nói bây giờ là nếu tôi bán công ty, sẽ không còn gì để bàn nữa".
Được biết tổng doanh thu năm ngoái của Tân Hiệp Phát đạt 500 triệu USD.