Trước hết, bóng đá không có tính chất bắc cầu và tại các giải đấu U23 châu lục thì U23 Việt Nam chưa bao giờ giành thắng lợi trước các đội bóng Đông Á. Dường như các đội bóng Đông Á luôn ra sân thi đấu so kè, nặng về tính toán chiến thuật hơn, đeo bám dai dẳng hơn.
Kỵ lối đá các đội bóng Đông Á
Người ta thống kê kể từ khi tham dự giải U23 châu Á lần đầu tiên năm 2013, bất kể đối phương lớn hay nhỏ thì U23 Việt Nam toàn thua khi gặp các đội Đông Á. Nếu như năm 2013 chúng ta đã để thua U23 Đài Loan 1-2 thì 2016 lại thua U23 Nhật Bản 0-2.
Đến giải U23 châu Á 2018, U23 Việt Nam có đến 2 lần gặp U23 Hàn Quốc và đều thua 1-2. Như vậy cho đến nay, sau 5 trận đấu, chúng ta đã thua cả 4 đại diện Đông Á hay nói cách khác các đội bóng Đông Á đang trở thành khắc tinh dành cho U23 Việt Nam.
Độ lì của thế hệ đàn anh tại VCK U23 châu Á 2018 được đánh giá cao hơn U23 Việt Nam "phiên bản 2020". Ảnh AT
|
Việc phải đá với U23 Triều Tiên trong bối cảnh nếu U23 UAE, U23 Jordan “bắt tay win-win” thì chúng ta sẽ bị loại đã khiến cho đôi chân của các cầu thủ U23 Việt Nam như đeo chì. Nhất là khi HLV Ri Yu-il nắm được “thóp” của U23 Việt Nam phải cần đến chiến thắng cách biệt 2 bàn thì dù có ghi bàn sớm, họ vẫn có thể chơi rập rình chờ cơ hội.
Nói về lối chơi không fair- play của các đội bóng Tây Á thì nhiều. Không nói đâu xa, ngay tại vòng loại VCK U23 châu Á lần này tận dụng việc lệch múi giờ, được đá sau, biết được kết quả của các đối thủ liên quan, các đội bóng Tây Á đã có khá nhiều cú bắt tay như thế. Việc dùng chung ngôn ngữ Ả-rập khiến cho những cuộc đàm phán giữa cầu thủ 2 đội có thể diễn ra bất cứ lúc nào trong trận đấu mà không để lại chứng cứ.
Cụ thể tại bảng C vòng loại, U23 Iraq và U23 Iran hòa nhau 0-0, tại bảng E thì U23 Jordan và Syria hòa 2-2, còn bảng D trận đấu giữa Ả Rập Saudi và UAE. Ngay vòng loại giải vô địch U19 châu Á hồi cuối năm ngoái khi cần hòa ở lượt cuối để đi tiếp thì Qatar đã hòa Yemen 1-1 (bảng B), Ả Rập Saudi hòa Uzbekistan 1-1 (bảng F) để cùng dắt tay nhau đi tiếp.
Tâm lý căng cứng
Việc Tiến Linh mở tỷ số 1-0 ở phút thứ 16, trong khi trận đấu giữa U23 UAE và U23 Jordan chưa có tỷ số đã lóe cho chúng ta tia hy vọng về trận đấu thực sẽ diễn ra. Ngay cả khi thủ môn Bùi Tiến Dũng mắc sai lầm cản phá bóng bổng để U23 Triều Tiên có bàn thắng gỡ hòa ở phút 27 thì mọi chuyện chưa phải là kết thúc.
Đối phương luôn tranh chấp quyết liệt. Ảnh AFC.
|
Nhưng phút 41, trung phong Al Ameri (7) có bàn thắng cho U23 UAE thì người ta đã cảm nhận được phần nào cú bắt tay của 2 đội bóng Tây Á. Thi đấu dưới sân nhưng nhìn không khí im bặt lo lắng của cổ động viên Việt Nam trên khán đài Sân vận động Quốc gia Rajamangal, các cầu thủ đã đoán điều gì đang xẩy ra.
Chắc chắn giờ nghỉ giải lao, những gì đã diễn ra trên sân của trận đấu cùng giờ đã đến tai các cầu thủ U23 Việt Nam. Không khí lặng như tờ của khán giả Việt Nam tại sân Rajamangal đầu hiệp 2 lại càng khiến cho tâm lý các cầu thủ thêm nặng về. Bàn gỡ hòa 1-1 của Ali Al ở phút 79 như dấu chấm hết cho cơ hội đi tiếp của U23 Việt Nam.
Tình huống Bảo Toàn tranh chấp bóng khiến cho U23 Việt Nam bị quả phạt penalty ở phút 90 và chiếc thẻ đỏ của Đình Trọng ở phút 90+5 chỉ là minh chứng cho một giải đấu đầy bế tắc của chúng ta. Cầm bóng 69% thời gian, tung ra 12 cú sút nhưng không thể giành thắng lợi trước U23 Triều Tiên bởi thực lực của chúng ta chưa thể đủ sức đá cửa trên khi tham gia các giải đấu tầm châu lục.
U23 Triều Tiên không mạnh hơn chúng ta nhưng biết khai thác điểm yếu của chúng ta. Ảnh AFC
|
Thực tình thì ngoại trừ về thể lực U23 Triều Tiên không mạnh hơn chúng ta nhưng tình thế trận đấu đã khiến cho đội bóng của HLV Ri Yu-il dễ đá hơn nhiều. Trong bối cảnh tâm lý căng cứng sau sai lầm của đồng đội và kết quả của trận đấu cùng giờ đã khiến các cầu thủ chúng ta liên tiếp mắc sai lầm.
Vấn đề lúc này không phải là vì sao thua mà làm cách nào để đứng dậy nhanh nhất. Đây chính là lúc ông Park Hang-seo thể hiện đẳng cấp.