Chiếm 1/5 lượng nước trên bề mặt thế giới, Ấn Độ Dương là nơi tạo ra các nguồn lợi lớn thương mại và năng lượng, đặc biệt đối với châu Á. Tuy nhiên, căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ đang gia tăng khi New Delhi nêu lên mối quan ngại về việc các tàu ngầm của Hải quân Trung Quốc mở rộng hoạt động tại Ấn Độ Dương- khu vực mà Ấn Độ coi là sân sau của nước này.
Việc triển khai tàu ngầm của Trung Quốc tại vùng biển này bắt đầu từ năm 2013 khi báo cáo của Bộ Quốc phòng Ấn Độ cảnh báo rằng Trung Quốc chính là mối đe dọa nguy hiểm. Trong ba năm qua, Trung Quốc đã gia tăng hoạt động của các tàu ngầm tại cảng Colombo của Sri Lanka và cảng Karachi của Pakistan, đồng thời trang bị AIP- động cơ đẩy sử dụng không khí độc lập, có thể giúp tàu ngầm hoạt động liên tục dưới lòng biển mà không cần nổi lên mặt nước để nạp không khí - cho loại tàu ngầm hiện đại lớp Nguyên.
Những hoạt động này đã làm dấy lên nghi vấn về động cơ thực sự đằng sau của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương. Mặc dù Trung Quốc khẳng định rằng việc triển khai tàu ngầm là một phần trong nhiệm vụ chống cướp biển nhưng nhiều hoạt động của họ lại cho thấy khát vọng xây dựng sự hiện diện dưới đáy biển tại Ấn Độ Dương.
Ấn Độ đang phản ứng trước những hoạt động này bằng việc chứng tỏ sức mạnh của mình với mục tiêu phát triển từ "một quốc gia không biết gì về biển" để vượt ra khỏi năng lực của một cường quốc thuần túy lục địa. Qua các chuyến thăm đến Seychelles và Mauritius vào tháng 3/2015, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã thể hiện tầm nhìn dài hạn khi coi Ấn Độ Dương là chính sách ưu tiên hàng đầu và cam kết sẽ bảo vệ lợi ích biển của Ấn Độ.
Đó không phải là những lời nói sáo rỗng, mùa Hè năm ngoái, Ấn Độ đã lên kế hoạch chi tiêu ít nhất 61 tỷ USD trong 12 năm tiếp theo để phát triển lực lượng Hải quân của nước này. Bên cạnh việc bổ sung thêm 100 chiếc tàu chiến mới vào hạm đội gồm 137 tàu hiện có, Ấn Độ đang tập trung vào lĩnh vực hoạt động dưới đáy biển thông qua việc lần đầu tiên tiến hành xây dựng lực lượng chống tàu ngầm. Đáng chú ý, Hải quân Ấn độ cũng lên kế hoạch bổ sung thêm 6 tàu ngầm tên lửa đạn đạo hạt nhân. Thủ tướng Modi cũng cam kết củng cố phối hợp an ninh biển với Mỹ và Nhật Bản.
Năm ngoái, Barack Obama trở thành vị Tổng thống Mỹ đầu tiên tham gia lễ diễu hành mừng ngày Quốc khánh của Ấn Độ. Chuyến thăm này dẫn đến việc Mỹ và Ấn Độ ký kết thỏa thuận Tầm nhìn Chiến lược chung tại châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, cũng như việc hai nước này thống nhất đổi mới Hiệp định khung về quan hệ quân sự 6 tháng sau đó. Hiệp định này mở rộng phạm vi hợp tác quốc phòng và gửi thông điệp mạnh mẽ rằng Mỹ và Ấn Độ muốn hợp tác cùng nhau và đạt được tầm nhìn chung về lĩnh vực biển.
Ấn Độ cũng có kế hoạch ký kết với Nhật Bản một hiệp ước quốc phòng bao gồm hoạt động phối hợp giám sát biển. Năm 2015, Nhật Bản trở thành thành viên thường trực trong cuộc diễn tập quân sự Malabar được tổ chức hàng năm giữa Mỹ với Ấn Độ tại Vịnh Bengal và đây cũng là lần đầu tiên trong 8 năm qua cuộc tập trận này được tiến hành giữa ba quốc gia về các hoạt động chống tàu ngầm.
Quân đội Mỹ gần đây tuyên bố rằng họ sẽ duy trì tập trận Hải quân chung với Nhật Bản và Ấn Độ tại khu vực phía Nam Philippines, gần với Biển Đông. Trong Hội thảo An ninh Mỹ-Nhật thường niên được Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Mỹ (CSIS) phối hợp với Viện các Vấn đề Quốc tế của Nhật Bản tổ chức tại thủ đô Washington D.C tháng trước, Phó Đô đốc Umio Otsuka- Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản, nhấn mạnh rằng sự hiện diện gia tăng của Trung Quốc làm tăng nhu cầu về thông tin tình báo, giám sát, do thám để giám sát tốt hơn những ý định của Trung Quốc.
Sự phối hợp ba bên có thể mở rộng sang lĩnh vực công nghệ. Một báo cáo gần đây của CSIS cho rằng Ấn Độ vốn đã dựa vào Mỹ trong công nghệ tàu chiến, do đó, có thể phối hợp cùng Washington nghiên cứu công nghệ biển nhằm gia cố thêm cho hạm đội tàu ngầm thế hệ tiếp theo của Ấn Độ. Trong khi đó, cựu Đô đốc Hải quân Mỹ Gary Roughead cho rằng, với nền tảng công nghệ to lớn trong lĩnh vực rô-bốt, đặc biệt là các phương tiện ngầm không người lái- một lĩnh vực chưa được nghiên cứu nhiều, Nhật Bản có thể thúc đẩy mở rộng hợp tác tại Ấn Độ Dương.
Tiến bộ về công nghệ sẽ tạo thêm động lực mới cho các hoạt động thăm dò dưới đáy biển. Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ cần phải suy nghĩ về việc làm thế nào để giải quyết những bất ổn mới trong lĩnh vực này. Điều đó có nghĩa là các nước này cần tính đến việc xây dựng một cơ chế an ninh mới tại khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Khi mối quan hệ ba bên được tăng cường thì họ sẽ tập trung vào việc dàn xếp hiệu quả các vấn đề trong khu vực, kể cả việc thuyết phục các quốc gia khác tham gia vào một khuôn khổ hợp tác như thế.
Tất nhiên vẫn còn nhiều vấn đề gai góc ở phía trước. Mở rộng các hoạt động dưới mặt biển cùng với những nỗ lực ngăn chặn vũ khí hạt nhân đã đặt Ấn Độ Dương vào tình thế khó có thể giảm thiểu căng thẳng trong tương lai gần. Việc Ấn Độ tăng cường tham gia các hoạt động phối hợp tại khu vực rộng lớn Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương là rất quan trọng. Nếu thực hiện đúng, nó sẽ là cách dẫn đến ổn định khu vực Ấn Độ Dương, đồng thời cho thấy mức độ hợp tác mà ba bên Mỹ-Nhật-Ấn có thể đạt được.
Theo The Diplomat