Vai trò cực kỳ hạn chế của Mike Pence
Theo dư luận Mỹ trong những ngày gần đây, trong lúc Tổng thống Trump tìm cách đảo ngược kết quả bầu cử, ông tìm đến Phó Tổng thống Mike Pence, người có vai trò chủ trì phiên họp kiểm phiếu đại cử tri tại Quốc hội trong tháng tới, theo quy định của Hiến pháp Mỹ.
Tuy nhiên, luật pháp liên bang gần như không trao cho ông Pence bất cứ thứ quyền lực nào để ngăn chặn chiến thắng của Tổng thống đắc cử Joe Biden.
Thượng viện và Hạ viện Mỹ sẽ cùng tham gia một phiên họp chung vào ngày 6/1/2021 để chính thức kiểm đếm lá phiếu đại cử tri (mà ông Biden giành được 306, so với 232 của ông Trump), và Chủ tịch Thượng viện, ông Mike Pence, sẽ chủ trì sự kiện này.
Trong hôm thứ Năm vừa qua, Tổng thống Trump đã nhắc lại một đoạn tweet ông đưa ra trước đó, cho rằng ông Pence nên tận dụng vai trò của mình để không công nhận lá phiếu đại cử tri ở các bang do dự mà ông Biden giành phần thắng, và cho rằng Phó Tổng thống có quyền đề nghị chọn đại cử tri mới nếu ông cho rằng lá phiếu đại cử tri hiện nay không hợp pháp.
Ông Trump cũng bắt đầu tham vấn các cố vấn của mình về trách nhiệm của ông Pence vào ngày 6/1; theo các báo cáo mà CNN và Axios đưa ra trong tuần này.
Trên thực tế, vai trò của Phó Tổng thống Pence trong tiến trình bầu cử là cực kỳ hạn chế: Ông chỉ phụ trách việc mở giấy xác nhận mà các đại cử tri đoàn mỗi bang gửi tới Quốc hội và chủ trì phiên họp chung của Quốc hội, chứ không được can thiệp vào kết quả bầu cử.
Theo Hiến pháp Mỹ, ông Pence sẽ là người mở tất cả các giấy xác nhận của cả các đại cử tri chính thức lẫn “các địa cử tri thay thế” mà chiến dịch của ông Trump tập hợp ở một số bang do dự.
Trong tối hôm 24/12, ông Trump viết tweet nói rằng có một điều luật liên bang cho ông Pence quyền được loại bỏ các địa cử tri vào ngày thứ Tư thứ 4 của tháng 12 (trong tuần này). Tuy nhiên, luật này thực ra chỉ nói Phó Tổng thống làm thế nào để xử lý các giấy xác nhận đến muộn của đại cử tri đoàn – trong khi đến thời điểm hiện tại các giấy xác nhận đã đến đủ.
“Ông Pence không thể làm gì nhiều” – sử gia Thượng viện Donald A. Ritchie nói với tờ New York Times hồi tuần trước – “Công việc của ông ta chỉ là đọc chúng ra một cách rõ ràng”.
Điều gì ở phía trước?
Mặc dù ông Pence không thể hủy các lá phiếu của đại cử tri vào ngày 6/1, nhưng trên lý thuyết thì các thành viên Quốc hội lại có thứ quyền lực này.
Nếu một Thượng nghị sĩ và một Hạ nghị sĩ phản đối các đại cử tri của một bang, Thượng viện và Hạ viện sẽ bỏ phiếu riêng rẽ về việc hủy các lá phiếu của họ. Một nhóm nghị sĩ của đảng Cộng hòa tại Hạ viện đã hứa hẹn sẽ phản đối các đại cử tri ủng hộ ông Biden, và ít nhất có một Thượng nghị sĩ đang cân nhắc về việc tham gia.
Tuy nhiên, nỗ lực này gần như không có cơ hội thành công. Cả hai viện trong Quốc hội đều cần phải tổ chức bỏ phiếu về việc hủy đại cử tri chính thức, điều này là nhiệm vụ bất khả thi bởi Hạ viện được kiểm soát bởi đảng Dân chủ, thêm vào đó có nhiều thành viên kỳ cựu của đảng Cộng hòa ở Thượng viện công khai phản đối ý tưởng này và kêu gọi các đồng nghiệp không phản đối.
Nỗ lực đến cùng
Không sẵn sàng chấp nhận thất bại và không có khả năng đảo ngược chiến thắng của ông Biden tại tòa, Tổng thống Trump đang tìm cách can thiệp vào quá trình kiểm phiếu đại cử tri tại Quốc hội, như một chiến lược cuối cùng.
Trong hôm đầu tuần này, ông đã mời một số nghị sĩ đảng Cộng hòa tại Hạ viện tới Nhà Trắng để thảo luận về kế hoạch phản đối, và trong tuần trước ông cũng ra sức gây sức ép để đảng Cộng hòa chiến đấu vì ông.
Và theo Axios, ông Trump giờ quay sang tìm kiểm sự hỗ trợ từ Phó Tổng thống Pence, người mà ông cho là chưa nỗ lực đủ mặc dù ông Pence luôn công khai ủng hộ các nỗ lực pháp lý của ông Trump.
Khi Quốc hội xác nhận chiến thắng của ông Trump cách đây 4 năm, chính ông Biden là người chủ trì cuộc họp.