Bạo động vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại sau 4 tuần liên tiếp. Tình trạng bạo lực và vô pháp luật vẫn tràn lan.
Cuộc cách mạng lật đổ nước Mỹ vẫn chưa có hồi kết
Ở Seattle, những kẻ theo chủ nghĩa vô chính phủ đã chiếm cứ cả một khu vực và tuyên bố đây là “khu tự trị”. Nhiều cuốn sách bị cấm bán hoặc cấm đưa vào thư viện vì những lời phàn nàn của các nhà hoạt động. Thậm chí đến quốc ca Mỹ cũng bị tấn công khi một số người đang kêu gọi “hủy bỏ”. Những kẻ cực đoan còn đang tìm cách gây áp lực đòi Trường đại học Yale danh tiếng phải đổi tên.
Liệu có phải tình trạng này chỉ đơn thuần là hậu quả của việc một viên cảnh sát tàn bạo có tư tưởng phân biệt chủng tộc đã giết hại người đàn ông da đen George Floyd cách đây một tháng? Không!
Nước Mỹ bị chia rẽ sâu sắc cùng với sự chia rẽ của các đảng phái chính trị. Đảng Dân chủ, phần lớn báo chí chính thống, và các nhóm vận động cánh tả đều kiên quyết cho rằng mặc dù chủ nghĩa cực đoan hiển hiện quá rõ ràng trên từng góc phố của nước Mỹ, những vụ bạo loạn này chỉ nhằm mục đích cải cách lực lượng cảnh sát và tìm giải pháp bù đắp cho sự bất bình của người da màu; ngoài ra không có động cơ nào khác.
Hạ nghị sỹ đảng Dân chủ Jerry Nadler, Trưởng ban Tư pháp Hạ viện, người đã mất bốn năm vẫn chưa thể hạ bệ được Tổng thống Donald Trump, công khai tuyên bố rằng ông ta “… không có thời gian đâu để lo đối phó với mấy thứ tưởng tượng như cái gọi là Antifa”.
Đảng Cộng hòa và các phương tiện truyền thông bảo thủ thì cho rằng các cuộc biểu tình ôn hòa sau cái chết của George Floyd đã bị “cướp diễn đàn”:
(1) Các cuộc biểu tình ôn hòa đã bị thay đổi từ việc kêu gọi cải cách hệ thống cảnh sát sang thành ngăn chặn sự tàn bạo của cảnh sát, (2) rồi chuyển sang thành yêu cầu công bằng xã hội để khắc phục nạn phân biệt chủng tộc, 3) sau đó là phá hủy hệ thống quản trị dân chủ và nền tảng tư bản của hệ thống, (4) nhường chỗ cho tình trạng vô chính phủ, vô pháp luật và bạo lực, và (5) cuối cùng là ép buộc thực hiện chủ nghĩa xã hội.
Hạ nghĩ sỹ đảng Cộng hòa Andy Briggs nhận xét: “Về cơ bản, Antifa đã cướp đi mất cuộc biểu tình ôn hòa… và nhấn nước Mỹ chìm trong những vụ đốt phá”.
Những người hoài nghi lại nghĩ khác và cho rằng các cuộc biểu tình không bị “cướp diễn đàn” và cũng không bị biến đổi bản chất, mà đúng hơn là những kẻ cực đoan ghét Mỹ đang thúc đẩy bạo lực và tình trạng vô pháp luật nhằm cố gắng phá hủy các nền tảng của nước Mỹ để phát động một cuộc cách mạng.
Người dẫn chương trình kênh thời sự Fox News, nhà báo Tucker Carlson cho rằng: “đây không phải là những người biểu tình hay những kẻ bạo động”. “Những người này chính là quân đội có vũ trang của đảng Dân chủ… họ đang làm việc này để lật đổ hệ thống chính quyền đương thời tại Mỹ”.
Việc truyền thông đưa tin rầm rộ về các cuộc biểu tình và bạo lực, tiếp sau đó là tình trạng vô pháp luật quả là thuận theo đúng ý của đảng Dân chủ, trong khi đảng Cộng hòa ủng hộ quan điểm cải tiến chuyển đổi. Quan điểm của nhà báo Carlson đang ngày càng được thừa nhận rộng rãi khi tình trạng bạo lực và vô pháp luật vẫn tiếp diễn.
Đây là những gì chúng ta đã thấy rõ…
Phong trào “Mạng sống của người da đen là quan trọng” (Black Lives Matter - BLM)
Phong trào “Mạng sống của người da đen là quan trọng” (gọi tắt là Phong trào BLM) được thành lập năm 2013 sau khi Khayvon Martin, một thiếu niên da màu, bị giết trong một cuộc ẩu đả với một nhân viên bảo vệ người gốc Latinh có tên George Zimmerman.
Nhân viên bảo vệ Zimmerman không phải người da trắng, cũng không phải cảnh sát. Phong trào BLM đã thề sẽ chiến đấu chống lại chủ nghĩa da trắng thượng đẳng, chống lại bạo lực nhắm vào người da đen và chống phân biệt đối xử.
Thị trưởng Thành phố Washington DC cho sơn vàng dòng chữ Black Lives Matter trên các con phố chính của Thủ đô.
|
Tất cả mục tiêu được công bố trên trang web của Phong trào BLM đều tập trung làm nổi bật thông điệp: Chủ nghĩa xã hội chính là cách thức để đạt được công bằng xã hội. Trong những ngày đầu của Phong trào, các thành viên được nhắc đến trên trang web với danh xưng “đồng chí”. Ba người sáng lập là người da đen và đều tự xưng là những người theo chủ nghĩa Marx, có trình độ.
Nhiều người biểu tình mang trên tay biển hiệu của Phong trào BLM. Phần lớn trong số này là người da trắng xuống đường để ủng hộ công bằng xã hội. Nhưng họ không phải là thành viên điển hình của Phong trào BLM. Những người ủng hộ này dường như không biết (hoặc không quan tâm) về các nguyên tắc sáng lập và chương trình nghị sự hiện thời của Phong trào này
Phong trào BLM ủng hộ sáng kiến “Giải thể Cảnh sát”, hiểu theo đúng nghĩa đen là họ kêu gọi giải tán các sở cảnh sát khắp nước Mỹ. Đây chính là mục tiêu của Đảng Xã hội Dân chủ, cũng như của các phong trào Chiếm lĩnh phố Wall, tổ chức Antifa và những người theo chủ nghĩa vô chính phủ.
Lãnh đạo của Phong trào BLM công khai ủng hộ bạo lực. Ngay trên kênh truyền hình quốc gia, người đứng đầu của BLM New York, Hawk Newsome đã đe dọa: “Nếu đất nước này không cho chúng tôi những gì chúng tôi muốn, chúng tôi sẽ đốt phá toàn bộ hệ thống này và thay thế bằng một hệ thống mới”. “… bằng mọi cách có thể”.
Ngay từ khi bạo loạn bắt đầu nổ ra, người đồng sáng lập của Phong trào BLM, Opel Tometi đã thông báo trên Twitter rằng việc đốt phá tài sản không phải là bạo lực. Trên thực tế, hành động đốt phá được coi là một trọng tội mang tính bạo lực nghiêm trọng, có thể bị phạt tới 20 năm tù. Cho đến nay, 29 người đã chết trong các cuộc bạo loạn.
Tổ chức chống phát xít (Antifa)
Antifa là một phong trào chống phát xít sử dụng chiến thuật phát xít. Gần như tất cả các thành viên đều là người da trắng. Họ đặt ra sứ mệnh là phá vỡ hệ thống chính trị trên danh nghĩa của những người da đen mà họ cho rằng không có khả năng tự bảo vệ mình. Trong khi đó, chính nhiều người da đen lại xem Antifa là phong trào của những người theo chủ nghĩa thực dân mới.
Một nhóm vũ trang bịt mặt của tổ chức cực đoan Antifa. Ảnh: Reuters.
|
Dấu ấn của Antifa trở nên rõ nét hơn từ tháng 9 năm 2017 khi họ bắt đầu phá rối các buổi diễn thuyết của các diễn giả có quan điểm bảo thủ tại các trường đại học. Các cuộc biểu tình của tổ chức này trở nên bạo lực đến mức các sự kiện đã bị hủy bỏ.
Họ cũng nổi tiếng với việc tham gia vào bạo lực đường phố trong vụ đối đầu với những kẻ theo chủ nghĩa phát xít mới và những người cực đoan cánh hữu ở Charlottesville và Portland.
Cách thức hoạt động của họ trong các cuộc bạo loạn: đầu tiên họ sẽ đến trinh sát trước các địa điểm sẽ diễn ra biểu tình; bố trí sẵn gạch, các chai bom xăng tự chế, gậy gộc và các loại vũ khí gây chết người khác trong các kho dự trữ bí mật tại các vị trí trọng yếu; gây nhiễu loạn để khơi mào bạo loạn; và sau đó họ sẽ trà trộn vào các đám người biểu tình.
Điều quan trọng ở đây là các vụ bạo loạn có thể không phải là tự phát: chúng đã được tổ chức và lên kế hoạch tỉ mỉ.
Có vẻ như những người theo chủ nghĩa vô chính phủ đã luôn đồng hành với Antifa. Hầu hết trong số họ đều là người da trắng. Họ hoạt động theo các nhóm nhỏ và xuất hiện vào những thời điểm mà họ có thể kích động các cuộc biểu tình trở nên bạo lực. Không giống như những người khác, họ không muốn có bất kỳ hình thức chính phủ thay thế nào.
Phong trào “Hãy chiếm lấy phố Wall” (Occupy Wall Street)
Phong trào Occupy (chống bất bình đằng giàu-nghèo) là một nhóm gồm các nhà hoạt động chủ yếu là người da trắng với cách thức là chiếm giữ các địa điểm công cộng, thường là công viên, để kêu gọi xóa bỏ chủ nghĩa tư bản và từ bỏ toàn cầu hóa.
Tiền thân của phong trào này được thành lập vào năm 1999 để phản đối Hội nghị của Tổ chức Thương mại Thế giới tại Seattle. Khoảng 50.000 người đã tham dự các cuộc biểu tình và bạo loạn đã xảy ra sau đó. Các phương tiện truyền thông đã rầm rộ gọi đây là “Trận chiến Seattle”.
Phong trào Occupy được hình thành vào tháng 9 năm 2011, khi các thành viên chiếm lĩnh Công viên Zuccotti ở New York, sau đó đến các công viên ở các thành phố khác để chống lại chủ nghĩa tư bản. Phong trào này tan rã vào năm 2012, sau khi không đạt được mục đích gì.
Sau khi xuất hiện trở lại, họ hiện đang dựng trại ngay trung tâm Manhattan, yêu cầu thành phố New York cắt 1 tỷ đô la từ ngân sách dành cho cảnh sát để hỗ trợ cho phong trào “Giải thể cảnh sát”. Chính quyền thành phố đã đáp ứng yêu cầu này.
Điều này cho thấy một số người chỉ đang kiếm cớ để biểu tình. Họ tập hợp lại với nhau mỗi khi có vấn đề mới nổ lên, lấy đó làm cớ để tấn công hệ thống chính phủ đương thời. Thêm vào đó, những thành viên của Antifa hiện còn đang tính đến việc gộp Biến đổi khí hậu vào chương trình nghị sự của mình.
Phá hủy tượng đài
Những kẻ bạo loạn đã bắt đầu “kéo đổ” các bức tượng trên khắp nước Mỹ– suốt 4 tuần qua những kẻ này đã đốt phá các khu dân cư nghèo và các cơ sở làm ăn của người da màu. Những bức tượng bị đám đông điên cuồng giận dữ giật đổ vào đêm khuya để tránh bị bắt.
Những bức tượng đầu tiên đổ xuống là tượng của các lãnh đạo Liên minh miền Nam trong cuộc nội chiến nhằm tiếp tục duy trì chế độ chiếm hữu nô lệ ở các tiểu bang miền Nam trong giai đoạn 1861-1865. Đại tướng thống lĩnh quân đội Liên minh miền Nam Robert E. Lee là mục tiêu nhắm đến đầu tiên.
Người biểu tình đòi kéo đổ tượng cựu Tổng thống Andrew Jackson. Ảnh Reuters.
|
Những người biểu tình đã tấn công một bức tượng đại diện cho chế độ chiếm hữu nô lệ. Hơn 200 bức tượng thuộc nhóm này đã bị “hủy bỏ” theo cách như vậy.
Nhưng sau đó, nhiều bức tượng khác cũng bị phá hủy dù chúng không liên quan gì đến chế độ chiếm hữu nô lệ. Đó là tượng đài Abraham Lincoln, vị tổng thống đã bãi bỏ chế độ chiếm hữu nô lệ; tượng của những người theo chủ nghĩa bãi bỏ chế độ chiếm hữu nô lệ; tượng đài vị Tướng Lãnh đạo quân đội liên bang Hoa Kỳ Ulysis S. Grant, người đã đánh bại Liên minh miền Nam giành thắng lợi trong cuộc nội chiến.
Thậm chí, cả tượng đài tưởng niệm những người lính Mỹ trong Thế chiến II, những người đã chiến đấu anh dũng để đánh bại chủ nghĩa phát xít; tượng đài Manuel de Cervantes, tác giả tác phẩm kinh điển “Truyện Đông Ki Sốt”; tượng đài tưởng niệm những người lính da đen chiến đấu chống lại Liên minh miền Nam và nhiều tượng đài khác nữa.
Một sự thật thú vị: Những kẻ phá hoại đã không thành công khi cố gắng kéo đổ bức tượng Tổng thống Andrew Jackson được đặt trước Nhà Trắng. Tổng thống Jackson chính là một trong những người sáng lập Đảng Dân chủ vào năm 1832. Chính Tổng thống Trump đã cứu bức tượng này.
Sẽ là quá nhân từ khi cho rằng những kẻ bạo loạn đã phá hủy tượng đài bởi họ không biết gì về lịch sử Hoa Kỳ. Nhiều khả năng hơn là những kẻ này đang cố gắng phá hủy các biểu tượng của chủ nghĩa biệt lệ Mỹ (Americanism).
Việc hoàn toàn không coi các cơ sở làm ăn và các khu dân cư nghèo của người da màu ra gì càng cho thấy một điều rõ ràng là không thể lấy lý do chủng tộc để ngụy biện cho bạo lực.
Thêm vào đó, sách, cờ tổ quốc, các tác phẩm nghệ thuật, quốc ca, các công trình kiến trúc cũng trở thành mục tiêu tấn công – điều này càng thể hiện rõ ý đồ của những kẻ bạo loạn.
(Chuyển ngữ: Đào Thúy, còn tiếp)