Đối đầu Mỹ-Trung: Không còn đường lùi

VietTimes – Thế giới đang chứng kiến xung đột giữa hai siêu cường là Trung Quốc và Hoa Kỳ, leo thang ầm ĩ dưới thời Tổng thống Donald Trump. Thực tế, quan hệ căng thẳng giữa hai siêu cường đã âm ỉ trong hai thập niên qua.
Căng thẳng trong quan hệ giữa hai siêu cường đã âm ỉ suốt 2 thập niên qua (Ảnh: Economic Times)
Căng thẳng trong quan hệ giữa hai siêu cường đã âm ỉ suốt 2 thập niên qua (Ảnh: Economic Times)

Giới nghiên cứu chiến lược Hoa Kỳ đã nhận ra ý đồ của Trung Quốc thách thức vị thế số 1 của Hoa Kỳ. Từ những năm đầu của thiên niên kỷ mới, Bắc Kinh đã xuất hiện trong Sách Trắng của Lầu Năm Góc (báo cáo thường niên của Ngũ Giác Đài đánh giá các rủi ro quân sự, chiến lược cho Mỹ). Tuy nhiên, Washington bị xao lãng sau sự kiện bị khủng bố tấn công ngày 11/9/2001, tập trung nguồn lực vào nhiệm vụ chống khủng bố, đổ quân vào chiến trường Iraq, rồi Afghanistan…

Các công ty từ Hoa Kỳ thì vẫn liên tục vận động hành lang (lobby) chính phủ Mỹ, duy trì mối quan hệ với Trung Quốc nhằm khai thác thị trường hơn 1 tỉ dân, “làm sao bán được 1 cây tăm 1 ngày cho mỗi người Hoa là tốt rồi”.

Cách đây 5 năm, chính giới Mỹ hụ còi báo động, thống nhất quyết sách kìm hãm sự trỗi dậy của Trung Quốc. Hình ảnh Tổng thống Mỹ là ông Barack Obama thời đó đến Bắc Kinh dự hội nghị mà không được tiếp đón đúng nghi lễ ngoại giao, phải đi xuống cửa sau máy bay của mình không trống không kèn đã cho Mỹ thấy một hình ảnh rõ ràng về thái độ coi thường Mỹ của Trung Quốc. Thay vì là đối tác hợp tác, bạn hàng chiến lược, Trung Quốc đã chính thức trở thành đối thủ trên nhiều phương diện, từ chính trị - ngoại giao cho đến kinh tế - văn hóa.

Nhiều viện nghiên cứu (think tanks) của Mỹ đã đánh động cho biết nguồn lực Trung Quốc đổ vào công nghệ thông tin (CNTT), dữ liệu lớn (big data) và trí tuệ nhân tạo (AI) cực kỳ lớn, tương đương với nguồn lực của cả Hoa Kỳ và EU cộng lại! Đây là những lĩnh vực sẽ quyết định trật tự thế giới trong tương lai gần. Mỹ đã phải ra tay trước khi để Trung Quốc vượt mặt.

Từ trừng phạt những công ty công nghệ, các tổ chức tình báo công nghệ đến từ Trung Quốc, Washington lấn sang lĩnh vực kinh tế bằng cách áp thuế suất lên hàng hóa xuất xứ từ đại lục, giáng mạnh vào tham vọng đe dọa vị thế số 1 của Hoa Kỳ.

Nhìn lại Hoa lục. Trung Quốc từ lâu vẫn hậm hực vì không được đối xử bình đẳng trên chính trường thế giới, cộng thêm nỗi nhục không nguôi bị xâm chiếm bởi liên quân tám nước trong suốt cả 100 năm (có cả Mỹ tham gia công phá thành Bắc Kinh) vào thế kỷ thứ 19. Người Trung Quốc có niềm tự hào dân tộc 5.000 năm lịch sử. Trong suốt một giai đoạn hơn 1.800 năm, Trung Quốc và Ấn Độ đã luôn là hai cường quốc số 1 và 2 thế giới về địa lý, kinh tế, dân số. Phương Tây chỉ mới nổi lên từ đầu thế kỷ 18 trở lại, nhờ ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật, cải cách hệ thống chính trị, thị trường… “Những anh nhà giàu mới nổi” là hiện tượng mà Trung Quốc quyết tâm thách thức để tái khẳng định vị trí trên phạm vi toàn cầu.

Danh sách 8 nước xâm chiếm, ép buộc dân Trung Quốc mua thuốc phiện (Ảnh: Internet)
Danh sách 8 nước xâm chiếm, ép buộc dân Trung Quốc mua thuốc phiện (Ảnh: Internet)

Trung Quốc có chủ trương bành trướng hay không là một câu hỏi lớn cần minh định. Các thế hệ lãnh đạo của Trung Quốc thuộc nằm lòng bài học Khổng Minh phải 7 lần cất quân dẹp loạn Mạnh Hoạch ở phương Nam. Đánh thắng cả 7 lần để chư hầu phải tâm phục khẩu phục, nhưng nhất định không chiếm giữ. Khổng Minh cho rằng đất xa khó giữ. Chiếm thì sẽ có ngày Thiên triều bị mất mặt, mất uy với các nước chư hầu khác. Trường hợp Tây Tạng bị trấn áp mạnh tay kể từ khi Đảng cộng sản Trung Quốc cầm quyền vào năm 1949 là một ngoại lệ đặc biệt. Cộng sản Trung Quốc không thể chấp nhận một thủ đô tôn giáo có sức ảnh hưởng lớn như Phật giáo tồn tại trong hệ thống chính trị của họ.

Nhưng Trung Quốc phải là cái rốn của thiên hạ. Trung Quốc khao khát được nể trọng. Suốt ba thập niên, Trung Quốc náu mình làm ăn, tích lũy tài sản, “thao quang dưỡng hối”, chờ thời theo lời dặn của Đặng Tiểu Bình. Thu nhập bình quân đầu người tăng rất nhanh và liên tục trong chuỗi thời gian hơn ba thập niên, một kỷ lục trong lịch sử kinh tế phát triển.

Sau giai đoạn tăng trưởng hai con số, Trung Quốc vẫn duy trì ở mức 6%-7%, trong khi kinh tế Mỹ đã đi vào giai đoạn trưởng thành, khó tăng trưởng cao, may mắn mới đạt khoảng 2%-3%/năm. Thành tựu kinh tế phác thảo viễn cảnh Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ về mặt GDP nhờ dân số gấp 4 lần dân số của Mỹ. Điều này không chỉ mở rộng tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh về nhiều mặt, mà ngày càng khiến người Trung Quốc tự tin hơn, thậm chí ngạo mạn.

Đại dịch COVID-19 đang ảnh hưởng đến cán cân địa chính trị như thế nào?

Tâm dịch di động đến Mỹ, gia tăng đồng thuận giữa Mỹ và EU trong nỗ lực kiềm chế Trung Quốc. Ở chiều ngược lại, Trung Quốc có thêm tự tin đẩy nhanh ý đồ tranh chấp với Mỹ sau khi Mỹ và các đồng minh của Mỹ lộ ra những lỗ hổng trong năng lực lãnh đạo, hệ thống quản trị khủng hoảng.

Tỷ lệ cử tri Mỹ ủng hộ ông Trump và ông Biden (Ảnh: RealClearPolitics)
Tỷ lệ cử tri Mỹ ủng hộ ông Trump và ông Biden (Ảnh: RealClearPolitics)

Kết quả thăm dò dư luận mới đây cho thấy Tổng thống Donald Trump đang sụt giảm uy tín với cử tri. Đối thủ của ông Trump, ứng cử viên Đảng Dân chủ Joe Biden tuy đã bị cách ly trong mấy tháng qua nhưng lại đã vượt qua ông Trump trong mấy cuộc khảo sát mới đây. Mới chỉ cách nay 3 tháng, dư luận tin rằng ông Trump sẽ ở lại thêm một nhiệm kỳ nữa. Câu hỏi là NẾU ứng viên đảng Dân Chủ giành phần thắng trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, liệu quan hệ căng thẳng Mỹ-Trung có hạ nhiệt không? E rằng ít thay đổi.

Sự khác biệt giữa hai đảng chính trị ở Mỹ trong nội dung tranh cử chủ yếu là các chính sách đối nội, còn sách lược đối ngoại được quyết định bởi giới tinh hoa quyền lực chính trị (political elites), có tính ổn định lâu dài, trở thành cẩm nang hành động cho dù vị tổng thống tiếp theo của Hoa Kỳ có là ai. Cũng đừng quên rằng điểm đồng thuận cao nhất giữa lưỡng đảng hiện nay là coi Trung Quốc là đối thủ đáng gờm, ưu tiên trong nỗ lực duy trì vị thế số 1 của Mỹ trên toàn cầu.

Trong lịch sử loài người, chiến tranh thường bùng nổ khi số 2 ngày càng hùng mạnh, tự cao tự mãn, và nguy hiểm hơn nữa là khi họ bắt đầu cho rằng số 1 đang có những dấu hiệu thoái trào. Đương nhiên, số 1 không dễ dàng chấp nhận bị soán ngôi. Thế giới đang ở điểm giao này.

Vị trí số 1 thường có quyền chủ động xây dựng sân chơi và luật chơi cho phần còn lại của thế giới, như Mỹ đã làm trong suốt gần 80 năm qua, từ sau Đệ nhị thế chiến. Và cũng từ đó Mỹ được quyền chủ động những đặc quyền đặc lợi cho mình. Trung Quốc đã bắt đầu không chấp nhận cho phép Hoa Kỳ tự tung tự tác như trước nữa.

Mặt trận tử huyệt

Tàu USS Bunker Hill và USS Barry của Mỹ hoạt động trên Biển Đông (Ảnh: US Navy)
Tàu USS Bunker Hill và USS Barry của Mỹ hoạt động trên Biển Đông (Ảnh: US Navy)

Ngoài lĩnh vực kinh tế, Bắc Kinh và Washington sẽ tiếp tục gia tăng ảnh hưởng quân sự tại Biển Đông. Mặt trận này đang được cả hai bên xem là tử huyệt của mình.

Với Trung Quốc, Biển Đông là sân sau, lối ra vào của 70%-80% hàng hóa vận chuyển qua đường hàng hải. Kịch bản tệ nhất với Trung Quốc là Mỹ sử dụng các căn cứ quân sự tại Hàn Quốc, Nhật Bản và Hạm đội 7 phong tỏa Biển Đông chặn đường tiếp vận của TQ. Trong vòng một tuần lễ là Trung Quốc sẽ nghẹt thở, xanh mặt. Không một chiến lược gia nào của Trung Quốc có thể chấp nhận một rủi ro chiến lược cực hiểm như vậy.

Về phần mình, Mỹ cũng không thể rời mắt khỏi Biển Đông. Chỉ cần một dấu hiệu lơi là, những đồng minh chiến lược của Mỹ sẽ lập tức trở thành chư hầu của Trung Quốc, chắp cánh cho Trung Quốc mạnh hơn. Mỹ sẽ lập tức mất vị trí lãnh đạo thế giới ngay cả trong mắt những đồng minh thân thiết. Đây là kịch bản mà người Mỹ cũng không thể chấp nhận, đẩy hai quốc gia vào tình thế bất khả hòa đàm. Căng thẳng sẽ tiếp tục leo thang, có thể xảy đến xung đột cục bộ.

Khả năng xung đột quân sự toàn diện giữa hai siêu cường là thấp vì cả hai bên đều sợ không thể kiểm soát được khả năng leo thang. Trung Quốc sẽ áp dụng chiến lược tiệm tiến để tránh khiêu khích làm Hoa Kỳ phải xuống tay can thiệp mạnh.

Nhưng Trung Quốc sẽ mạnh tay trên các mặt trận khác, đặc biệt giới hạn triệt để vị trí độc tôn của đồng đô la. Trung Quốc sẽ dựa vào ảnh hưởng thương mại kinh tế trong khu vực và toàn cầu của mình để phát huy đồng nhân dân tệ, kể cả đồng tiền ảo. Trung Quốc đã bắt đầu và trong thời gian ngắn sẽ mạnh dạn yêu cầu các đối tác làm ăn của họ sử dụng đồng nhân dân tệ trong các hợp đồng thương mại.

Cục diện chưa ngã ngũ chính là cơ hội cho các nước Đông Nam Á. Các quốc gia trong khu vực sẽ liên tục được hai siêu cường o bế. Vị trí mặt tiền Biển Đông khiến Việt Nam nằm trong trật tự  ưu tiên, đặc biệt là Trung Quốc luôn nỗ lực tìm mọi cách chi phối lân bang, củng cố lực lượng đối trọng quyền lực với Mỹ và đồng minh.

Ai được ai thua sẽ tùy vào khả năng của lãnh đạo quốc gia biết cân đối bài toán chiến lược giữa những giá trị có thể được từ sự o bế của hai siêu cường, so với những nhượng bộ chẳng đặng đừng.