Phải chăng Mỹ sẽ khép lại kỷ nguyên can thiệp quân sự ở nước ngoài?
West Point là Học viện quân sự Mỹ được thành lập vào năm 1802 và là trường quân sự lâu đời nhất của Hoa Kỳ-nơi đào tạo đội ngũ sỹ quan quan chỉ huy và tham mưu cho Quân chủng Lục quân. Trong lễ tốt nghiệp hàng năm của Học viện này, các tổng thống Mỹ thường tới tham dự và phát biểu.
Trong bài phát biểu lần này, hướng về phía các học viên vừa tốt nghiệp, Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh:“Các bạn sẽ bắt đầu cuộc đời binh nghiệp của mình vào thời điểm có tính bước ngoặt trong lịch sử Hoa Kỳ. Trong đó, các quân nhân Mỹ sẽ không tham gia các cuộc chiến tranh và xung đột quân sự ở các quốc gia khác mà là tập trung phòng thủ quốc gia và bảo vệ đất nước chống lại kẻ thù bên ngoài”. Theo ông Trump, quan điểm quốc phòng mới của Mỹ là tập trung bảo vệ các lợi ích quan trọng có tính sống còn, theo đó các quân nhân Mỹ sẽ không tham gia giải quyết các cuộc xung đột ở những quốc gia mà ngay cả người dân Mỹ cũng chưa bao giờ biết đến tên gọi hay vị trí của họ trên bản đồ thế giới.
Ông Trump còn tuyên bố:“Nước Mỹ không phải là cảnh sát của thế giới. Nhưng hãy để cho kẻ thủ của chúng ta hiểu rằng nếu sự an toàn của người dân Mỹ bị đe dọa thì chúng ta sẽ không bao giờ do dự hành động”. Tuy nhiên, trước đó 3 ngày, vào ngày 09/06/2020, phát biểu trước các nghị sỹ của Thượng viện và Hạ viện Hoa Kỳ, Tổng thống Donald Trump cho biết, Mỹ sẽ vẫn tiếp tục thực thi chiến dịch chống lại các tổ chức khủng bố mang tên “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng, “Al-Qaeda”, “Taliban” và các tổ chức khác có liên quan ở Afghanistan, Iraq, Syria, Yemen, Jordan, Lebanon, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước châu Phi như Somalia, Kenya và Niger. Ngoài ra, theo ông Trump, các quân nhân Mỹ sẽ vẫn tiếp tục tham gia các lực lượng gìn giữ hòa bình và quan sát viên tại các điểm nóng trên thế giới và giúp Philippines chống khủng bố.
Đây không phải là lần đầu tiên ông Trump đưa ra tuyên bố có ý nghĩa tương tự. Trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2016, ứng cử viên của Đảng Cộng hòa Donald Trump đưa ra cam kết rằng trong trường hợp được đắc cử, ông sẽ chấm dứt sự sự can thiệp của Mỹ vào công việc nội bộ của các nước và không tiến hành các hoạt động lật đổ chế độ chính trị của họ. Ông nhấn mạnh: "Chúng ta sẽ chỉ sử dụng lực lượng quân sự trong những trường hợp rất quan trọng đối với an ninh quốc gia. Mỹ sẽ chấm dứt các hoạt động xây dựng nền dân chủ bên ngoài Hoa Kỳ và sẽ không tham gia các tình huống mà nước Mỹ không có quyền can thiệp".
Sau khi đắc cử, trong bài phát biểu ngày 7/12/2016 tại thành phố Fayetteville (bang North Carolina), ông Trump lại nhấn mạnh rằng, Mỹ không nên can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác mà nên tập trung vào việc đánh bại chủ nghĩa khủng bố.
Trên thực tế, quân đội Mỹ trong gần 4 năm cầm quyền của Tổng thống Donald Trump đã hành động hoàn toàn ngược lại những cam kết của ông. Đó là, họ vẫn tiếp tục can thiệp quân sự vào cuộc chiến ở Afghanistan, Iraq và Syria; áp đặt các biện pháp cấm vận gắt gao chưa từng có nhằm vào Nga, Triều Tiên, Iran và Cuba. Đặc biệt, Tổng thống Mỹ Donald Trump đích thân ra lệnh tấn công sát hại Tư lệnh lực lượng vệ binh cộng hòa của Iran, tướng Qasem Soleimani, trên lãnh thổ Iraq.
Ngoài ra, Washington đã can thiệp hết sức thô bạo vào công việc nội bộ của Venezuela - nơi Mỹ ngang nhiên công nhận tổng thống tự xưng Juan Guaido là “tổng thống duy nhất” của Venezuela. Thậm chí, ngày 26/3/2020, Bộ Tư pháp Mỹ phát lệnh truy tố Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro và một số quan chức chủ chốt khác trong chính quyền của Venezuela với cáo buộc hết sức phi lý về “âm mưu khủng bố ma túy”. Để thực thi lệnh truy tố phi lý này, ngày 3/5/2020 một nhóm sát thủ thuộc Cư quan Phòng chống ma túy DEA (Drug Enforcement Administration) và Công ty an ninh tư nhân Silvercorp của Mỹ thực hiện chiến dịch bí mật mang tên “Gideon” để đột nhập vào lãnh thổ Venezuela nhằm bắt cóc và ám sát Tổng thống Nicolas Maduro cùng với các quan chức trong chính phủ Venezuela. Trước tinh thần cảnh giác của Venezuela, chiến dịch này đã thất bại hoàn toàn.
Theo giới phân tích, trên thực tế, Mỹ sẽ vẫn phải tiếp tục can dự quân sự vào các cuộc xung đột và các điểm nóng trên thế giới. Lý do là, để làm cho “Nước Mỹ vĩ đại trở lại” như là một siêu cường số 1 thế giới, chính sách của bất kỳ tổng thống nào cũng phải dựa trên bốn trụ cột chủ yếu là (1) sức mạnh quân sự vượt trội, (2) tiềm sực kinh tế số 1 thế giới, (3) vị thế của đồng đô la là đồng tiền chung của thế giới và (4) tiềm lực khoa học-công nghệ dẫn đầu toàn cầu. Trong đó, sức mạnh quân sự vượt trội đóng vai trò then chốt. Về sức mạnh quân sự, theo Báo cáo về cán cân quân sự trên toàn cầu trong năm 2019, Mỹ hiện có 600 căn cứ quân sự bố trí trên khắp thế giới và ngân sách quân sự gần 700 tỷ USD, chiếm tới hơn 2/3 tổng ngân sách quân sự toàn cầu.
Hệ thống căn cứ quân sự của Mỹ trên thế giới (Ảnh: Wikipedia)
|
Đặc biệt, trong nhiệm kỳ đầu cầm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa Mỹ rút khỏi hàng loạt các thỏa thuận, hiệp ước và hiệp định quốc tế. Trong đó đáng chú ý là Mỹ đơn phương rút khỏi Thỏa thuận của Nhóm P5+1 với Iran và áp đặt các biện pháp cấm vận ngặt nghèo chưa từng cố đối với Tehran. Ông Donald Trump đưa Mỹ rút khỏi Hiệp ước về hủy bỏ tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF), Hiệp ước về bầu trời mở và không có ý định đàm phán với Nga để gia hạn Hiệp ước hạn chế vũ khí tấn công chiến lược giai đoạn 3 (START-3).
Mỹ ráo riết xây dựng các căn cứ quân sự trên lãnh thổ các quốc gia thành viên Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) có biên giới giáp với Nga. Ngoài ra, Mỹ còn áp đặt các biện pháp cấm vận nhằm vào các công ty của châu Âu và Nga tham gia dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy Phương Bắc-2”. Thậm chí, Quốc hội Mỹ hiện đang thảo luận dự thảo nghị quyết coi Nga là “quốc gia tài trợ khủng bố” để áp đặt thêm các biện pháp cấm vận Moscow trong khi Nga là quốc gia dẫn đầu thế giới trong cuộc chiến chống khủng bố ở Syria.
Vậy nên, Washington sẽ vẫn tiếp tục can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia trên thế giới, trong đó có cả can thiệp quân sự mà không phụ thuộc vào chuyện ông Donald Trump hay bất cứ ai là chủ nhân Nhà Trắng. Bởi, những quyết sách quan trọng nhất của nước Mỹ nằm trong tay một nhóm bao gồm ông chủ các tập đoàn công nghiệp, tài chính, ngân hàng và hệ thống an ninh, tình báo và mật vụ cùng với đội ngũ đông đảo các tổ chức nghiên cứu chiến lược hoạt động theo đơn đặt hàng của các ông chủ trong tổ hợp công nghiệp-quân sự./.