Trong khi giới quan sát Trung Quốc vẫn đang tranh luận về việc liệu cuộc gặp giữa Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan và nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Dương Khiết Trì ở Zurich có giúp quan hệ giữa hai nước bớt căng thẳng hay không, thì ít nhất cả hai bên đều không có bất đồng với nước đăng cai tổ chức hội nghị – Thụy Sĩ.
Đối với Washington, một nước trung lập như Thụy Sĩ rõ ràng là một sự lựa chọn tốt để tổ chức rất nhiều hội nghị thượng đỉnh lịch sử và các hoạt động ngoại giao của họ, như hội nghị thượng đỉnh Geneva năm 1985 giữa Tổng thống Ronald Reagan và người đồng cấp Liên Xô Mikhail Gorbachev.
Tổng thống Joe Biden cũng chọn Geneva làm địa điểm tổ chức cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong tháng 6 năm nay, cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi ông Biden nhậm chức.
Thụy Sĩ cũng đại diện cho những lợi ích của Mỹ tại Iran kể từ sau cuộc khủng hoảng con tin năm 1979 tại Đại sứ quán Mỹ ở Tehran.
Mỹ, Trung Quốc khó xảy ra xung đột vũ trang, viện nghiên cứu Trung Quốc cho hay
Thụy Sĩ là một địa điểm đặc biệt đối với các nhà lãnh đạo đảng Cộng sản vì vai trò độc nhất của nó trong việc giúp đỡ Trung Quốc tiếp xúc với phương Tây trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh. Đại sứ quán Trung Quốc tại Thụy Sĩ, cơ quan ngoại giao duy nhất của Bắc Kinh ở Trung Âu và Nam Âu, từ lâu đã được xem là cánh cửa giúp Trung Quốc tiếp cận với các thủ phủ của châu Âu trong khoảng những năm 1950, 1960.
Vào năm 1954, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai đã gặp người đồng cấp Pháp tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Bern, từ đó dọn đường cho việc thiết lập quan hệ giữa Trung Quốc và Pháp trong thập kỷ sau đó.
Thêm nữa, quan hệ giữa Trung Quốc và Thụy Sĩ luôn ở trạng thái ổn định, nếu như so sánh với quan hệ giữa Bắc Kinh và các nước châu Âu khác; theo Huang Jing, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Quốc tế và Khu vực, ĐH Ngôn ngữ và Văn hóa Bắc Kinh.
Mặc dù Thụy Sĩ trong năm ngoái đã cùng với Mỹ và nhiều nước phương Tây chỉ trích các chính sách của Bắc Kinh ở Tân Cương và Hong Kong, nhưng Thụy Sĩ không phải một đồng minh của Mỹ và cũng không tham gia với phương Tây áp lệnh trừng phạt nhằm vào Trung Quốc – những yếu tố được Bắc Kinh hết sức chú ý.
Mỹ, Trung Quốc khó xảy ra xung đột vũ trang, viện nghiên cứu Trung Quốc cho hay
Ông Gu Su, chuyên gia khoa học chính trị tại ĐH Nam Kinh, nói rằng bằng việc lựa chọn Thụy Sĩ làm địa điểm tổ chức cuộc họp cấp cao, Mỹ và Trung Quốc đều muốn gửi đi một tín hiệu.
“Cả hai bên đều đưa ra những phát ngôn khá cứng rắn trong những tháng gần đây, trong khi quan hệ song phương có nhiều tín hiệu đối đầu và thậm chí có thể va chạm. Đã đến lúc để họ hạ giọng xuống đôi chút” – ông Gu nói – “Họ cần có một bầu không khí chuẩn mực để thực hiện công việc đó. Và Thụy Sĩ, một nước trung lập, ưa chuộng hòa bình, là lựa chọn hoàn hảo”.
Ông nói rằng, Trung Quốc đã thể hiện rõ mong muốn giảm thang căng thẳng và tạo dựng lại niềm tin với Mỹ trong những tuần gần đây, bởi giới lãnh đạo ở Bắc Kinh đang chịu sức ép về kinh tế và chính trị ở trong nước.
“Quan hệ suy giảm nhanh chóng với phía Mỹ và các đồng minh của Mỹ, như Australia, đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế của Trung Quốc. Đã có nhiều lời kêu gọi cấp thiết cải thiện ngay tình hình đó” – ông Gu nói
“Rõ ràng, cuộc gặp giữa ông Dương và ông Sullivan là một nỗ lực nhằm khám phá những triển vọng “đình chiến ngoại giao” và làm rõ quan điểm của mỗi bên trong việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh giữa ông Tập và ông Biden” – vị chuyên gia nói thêm.
Tuy nhiên, ông Huang Jing cảnh báo rằng hội nghị ở Zurich hầu như chỉ mang tính tượng trưng và có thể không tạo được nhiều ảnh hưởng tới chính sách của mỗi bên. Ông nhấn mạnh rằng, ông Sullivan không phải một thành viên nội các Mỹ, trong khi ông Dương Khiết Trì là một quan chức đảng.
“Chúng ta không biết chắc về tầm ảnh hưởng của ông Sullivan đối với ông Biden, và ông Dương đối với ông Tập. Điều đó sẽ làm giảm khả năng đưa ra những quyết định cuối cùng của họ, và cả khả năng tạo thỏa thuận” – ông Huang nói – “Đây là một bước đi tích cực, nhưng đừng kỳ vọng quá nhiều”.