Tại sao Giáo hoàng Francis thực hiện chuyến thăm lịch sử tới Iraq?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Giáo hoàng Francis trở thành vị Giáo hoàng đầu tiên tới thăm Iraq, ngay trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và nhiều quan ngại về an ninh. Chuyến đi này có nghĩa như thế nào?
Giáo hoàng Francis (phải) bắt đầu chuyến thăm Iraq vào ngày 5/3 (Ảnh: NYTimes)
Giáo hoàng Francis (phải) bắt đầu chuyến thăm Iraq vào ngày 5/3 (Ảnh: NYTimes)

Giáo hoàng Francis bắt đầu chuyến thăm Iraq kéo dài 3 ngày, bắt đầu từ 5/3, bất chấp lo ngại rằng ông sẽ thu hút đám đông lớn ngay trong khi đại dịch do virus corona chủng mới đang trỗi dậy ở quốc gia này.

Những quan ngại về an ninh tại một quốc gia bị tàn phá bởi chiến tranh và xung đột kéo dài nhiều năm cũng không thể ngăn cản Giáo hoàng thực hiện một lời hứa sẽ tới thăm một trong số những cộng đồng Công giáo lâu đời nhất thế giới.

Tại sao thăm Iraq?

Một chuyến thăm như vậy từng là ước mơ của một số vị Giáo hoàng. Giáo hoàng John Paul II từng có ý muốn thăm Iraq vào năm 2000, nhưng chuyến đi sau đó bị hủy do căng thẳng gia tăng trong khu vực. Giáo hoàng Benedict XVI cũng từng lên kế hoạch thăm Iraq nhưng rồi cũng phải hủy do chiến sự.

Tổng thống Iraq Barham Salij từng gửi lời mời Giáo hoàng Francis tới thăm đất nước ông vào tháng 7/2019, với hy vọng rằng sự kiện sẽ giúp đất nước hàn gắn sau nhiều năm xung đột.

Lúc bấy giờ, Giáo hoàng đã nhận lời mời và nêu rõ rằng ông thực sự không muốn làm người dân Iraq thất vọng, đặc biệt là cộng đồng người Công giáo ở quốc gia này. Vatican tin rằng những rủi ro mà Giáo hoàng phải hứng chịu trong chuyến thăm không lớn bằng cơ hội được ủng hộ và gần gũi với cộng đồng giáo dân Iraq.

Một số chức sắc của Vatican tin rằng niềm tin của người Công giáo đang có nguy cơ biến mất khỏi Iraq. Xếp hạng của quốc gia này đã giảm suốt nhiều năm – khoảng 1/3 trong tổng số 1,5 triệu tín đồ Iraq trong những năm cuối cùng của chính quyền Saddam Hussein.

Giáo hoàng Francis cũng sẽ có cuộc gặp với các thủ lĩnh người Shi’ite, với hy vọng cải thiện mối quan hệ và thiết lập một nền tảng hòa bình để bảo vệ những giáo dân của mọi tôn giáo ở Iraq.

Còn đại dịch COVID-19?

Sau hơn một năm ẩn mình trong các bức tường của Vatican, Giáo hoàng Francis tới Baghdad trong hôm 5/3 ngay trong thời điểm dịch diễn biến căng thẳng.

Trong bài phát biểu hàng tuần vào ngày 3/3 vừa qua, Giáo hoàng thể hiện quyết tâm thực hiện chuyến đi này. “Tôi yêu cầu các bạn dõi theo chuyến thăm này cùng với lời cầu nguyện, để nó diễn ra theo cách tốt đẹp nhất có thể. Người dân Iraq đang chờ đợi chúng ta”; ông nói.

Giáo hoàng Francis, người được tiêm vaccine ngừa COVID-19 vào khoảng giữa tháng 1/2021, đã thúc giục các nước giàu quyên góp vaccine cho các nước nghèo hơn, đồng thời nói việc từ chối tiêm chủng là “tự sát”.

Tòa thánh Vatican cũng khẳng định rằng chuyến thăm của Giáo hoàng sẽ không gây nguy hại tới sức khỏe của những người dân Iraq chưa được tiếp cận với vaccine.

“Chuyến thăm của Giáo hoàng sẽ không gây rủi ro về mặt sức khỏe cho người dân – điều này có bằng chứng” – Linh mục Antonio Spadaro nói – “Chúng tôi nhận thức rõ về vấn đề này”.

Vatican khẳng định rằng chuyến thăm sẽ an toàn, được giãn cách xã hội. Trong khi đó, nhiều ngừi ủng hộ lo ngại rằng các mục tiêu của chuyến thăm sẽ bị ảnh hưởng nếu như có bất cứ thông tin nào cho thấy Giáo hoàng góp phần gây lây lan virus corona khi tổ chức các sự kiện ở Iraq.

Giáo hoàng sẽ làm gì ở Iraq?

Giáo hoàng Francis sẽ có lịch trình dày đặc. Ông bắt đầu đến Baghdad và gặp gỡ với các quan chức chính phủ, sau đó sẽ có cuộc gặp với giáo sĩ và các học sinh trường đạo tại Our Lady of Salvation, nhà thờ Công giáo Syria nơi mà một vụ tấn công từng xảy ra khiến hơn 50 người thiệt mạng vào năm 2010.

Nhà thờ Our Lady of Salvation ở thủ đô Baghdad (Ảnh: Getty)

Nhà thờ Our Lady of Salvation ở thủ đô Baghdad (Ảnh: Getty)

Ngày 6/3, ông sẽ tới Najaf, thành phố thiêng liên nhất của người Shi’ite ở Iraq. Tại đây, ông sẽ gặp gỡ đại giáo chủ Hồi giáo Ali al-Sistani, vị giáo sĩ Hồi giáo 90 tuổi, người rất ít khi xuất hiện trước công chúng. Là vị giáo sĩ Shi’ite tôn kính nhất ở Iraq, ông rất ít khi gặp gỡ các nhân vật chức sắc đến từ nước ngoài.

Một điểm đánh chú khác trong lịch trình ngày 6/3 sẽ là cuộc gặp tại Plain of Ur, nhà của Abraham, ông tổ của các Đạo Chúa. Giáo hoàng Francis sẽ có bài phát biểu tại đây sau đó trở về Baghdad để tham gia một sự kiện khác ở nhà thờ Chaldean.

Ngày 7/3, Giáo hoàng dự kiến bắt chuyến bay tới Erbil, thuộc khu tự trị của người Kurd ở Iraq, nơi thường xuyên hứng chịu các vụ tấn công bằng rocket trong những ngày gần đây.

Sau cuộc gặp với các quan chức tại đó, Giáo hoàng Francis sẽ sử dụng trực thăng để tới Mosul, từng là thành phố bị phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng chiếm đóng. Ông sẽ có buổi cầu nguyện cho các nạn nhân chiến tranh tại nhà thờ trong thành phố.

Giáo hoàng sau đó sẽ tới Qaraqosh, một trong những thành thị Công giáo năng động nhất Iraq, nơi mà cộng đồng hứng chịu tình trạng bạo lực suốt thập kỷ qua. Ông sẽ có bài phát biểu tại nhà thờ và sau đó trở về Erbil, tham gia một sự kiện tổ chứctại sân bóng đá Franso Hariri.

Giáo hoàng trở về Rome trong hôm 8/3.

Chuyến thăm có ý nghĩa thế nào với giới lãnh đạo Iraq?

Iraq đã hoan nghênh chuyến thăm của Giáo hoàng, coi đây như cơ hội để thể hiện sự ổn định đáng kể của đất nước họ sau nhiều năm chiến tranh và xung đột sắc tộc. Tuy nhiên, chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh các vụ tấn công liên hoàn bằng rocket mà các nhóm phiến quân thân Iran thực hiện nhằm vào các mục tiêu Mỹ ở Iraq.

Giáo hoàng Francis sẽ được tiếp đón chính thức bởi người đứng đầu nhà nước Iraq, Tổng thống Barham Salih, một chính trị gia người Kurd từng có lần gặp gỡ ông ở Rome và ưu tiên quyền của những nhóm người thiểu số.

Giáo hoàng cũng sẽ gặp gỡ Thủ tướng Mustafa al-Kadhimi, người nắm quyền lực sau khi vị Thủ tướng tiền nhiệm từ chức vào năm 2019 do làn sóng biểu tình chống chính phủ rộng khắp.

Nhưng đáng chú ý nhất chính là cuộc gặp giữa Giáo hoàng với đại giáo chủ al-Sistani. Những thông điệp mà vị đại giáo chủ này đưa ra thông qua người đại diện luôn rất có trọng lượng. Ông đủ tầm ảnh hưởng để làm thay đổi trục lịch sử của Iraq thông qua thông điệp về những vấn đề như bầu cử.

Cuộc gặp đó sẽ mang tính chất riêng tư, và diễn ra tại ngôi nhà khiêm tốn của vị đại giáo chủ ở Najaf.