Syria rối vì liên bang hóa

Ba khu vực thuộc kiểm soát của người Kurd ở miền Bắc Syria hôm 17-3 nhất trí thành lập một hệ thống liên bang. Bước đi này đe dọa phủ bóng đen lên vòng hòa đàm Syria mới nhất tại TP Geneva - Thụy Sĩ. Damascus cảnh báo bất kỳ ý tưởng nào dẫn đến sự chia cắt lãnh thổ Syria cũng đều thất bại
Các tay súng người Kurd tại TP Hasaka - Syria. Ảnh: Reuters
Các tay súng người Kurd tại TP Hasaka - Syria. Ảnh: Reuters

Hai vấn đề lớn

Theo tờ The New York Times, mục tiêu của bước đi trên là hợp thức hóa vùng bán tự trị mà người Kurd thiết lập trong 5 năm nội chiến Syria, đồng thời thiết lập mô hình cho một chính phủ phi tập trung ở quốc gia Trung Đông này. “Cái tên không quan trọng vì gọi nó là liên bang hóa hoặc tự trị đều được. Vấn đề là Syria không thể trở lại như trước đây nên cần có sự thay đổi” - ông Saleh Muslim, thủ lĩnh Đảng Liên minh Dân chủ người Kurd ở Syria (PYD), đang thúc đẩy nỗ lực trên, nhận định.

Người Kurd là cộng đồng thiểu số lớn nhất ở Syria, chiếm hơn 10% dân số trước khi nội chiến nổ ra. Trong xung đột, họ trở thành lực lượng mạnh mẽ ở miền Bắc Syria, đánh bại các tay súng tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và lập chính quyền tại những khu vực họ kiểm soát. Lực lượng người Kurd cũng là một trong những đồng minh hữu ích nhất của Mỹ trong cuộc chiến chống IS ở Syria.

Dù vậy, chuyện người Kurd ở Syria muốn tự trị chắc chắn sẽ gây tranh cãi gay gắt về 2 vấn đề lớn hơn đang gây chia rẽ sâu sắc ở Trung Đông: Một là khao khát của người Kurd trong việc lập một nhà nước hoặc ít ra là thêm quyền tự trị tại những quốc gia họ sinh sống, từ Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq cho đến Iran, Syria. Hai là ý tưởng giải quyết cuộc nội chiến Syria bằng cách liên bang hóa nước này.

Không dễ để ý đồ của người Kurd ở Syria diễn ra suôn sẻ bất chấp sự ủng hộ có thể có từ một số quốc gia, trong đó có Nga. Ông Bashar Jaafari, trưởng phái đoàn chính phủ Syria tham gia đàm phán ở Geneva, nói với hãng tin AP rằng mục tiêu hòa đàm là duy trì một Syria thống nhất nên bất kỳ ý tưởng chia cắt lãnh thổ nào cũng sẽ thất bại. Tương tự, phe đối lập Syria phản ứng tiêu cực. “Chúng tôi ủng hộ các chính quyền địa phương có thêm quyền lực. Tuy nhiên, chúng tôi không ủng hộ liên bang hóa bởi nó sẽ chia cắt Syria thành những nhà nước mini” - ông Riyad Hijab, một thủ lĩnh phe đối lập, nói với tờ The Washington Post.

Phủ bóng hòa đàm

Bên ngoài Syria, Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn là nước lo lắng nhất. Đảng Công nhân người Kurd (PKK) đang phát động cuộc nổi dậy bạo lực nhằm đòi độc lập cho người Kurd ở nước này. Không những thế, Ankara xem PYD là chi nhánh của PKK ở Syria và đã nhiều lần tuyên bố sẽ quyết tâm ngăn chặn một khu tự trị của người Kurd ra đời ở miền Bắc Syria. Vì thế, không có gì khó hiểu khi một quan chức ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ giấu tên lên tiếng bác bỏ “hành động đơn phương không có giá trị” của cộng đồng người Kurd ở Syria. Trái lại, Mỹ cho biết sẽ chấp nhận khu tự trị nói trên nếu người Syria đồng ý.

Reuters nhận định sự ra đời của một hệ thống liên bang ở miền Bắc Syria càng làm cho khả năng tìm được tiếng nói chung tại vòng hòa đàm ở Geneva thêm xa vời. Ngoài việc bác bỏ ý tưởng liên bang hóa, ông Jaafari hôm 16-3 còn loại trừ khả năng đàm phán trực tiếp với phe đối lập. Ông cũng cho biết việc rút phần lớn lực lượng khỏi Syria của Nga không khiến Damascus ngạc nhiên bởi đây là “quyết định chung của cả Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Bashar al-Assad”.

Trả lời báo Komsomolskaya Pravda hôm 17-3, ông Viktor Bondarev, Tư lệnh Lực lượng Không quân Nga, cho biết tiến trình rút quân sẽ hoàn tất trong 2-3 ngày. Trước đó 1 ngày, người phát ngôn Lầu Năm Góc Steve Warren cho biết dù một bộ phận máy bay chiến đấu và binh sĩ đã rời đi song sức mạnh chiến đấu của Nga ở Syria gần như không suy suyển và tiếp tục được sử dụng trong một số chiến dịch không kích IS. Không những thế, Nga còn bắt đầu cung cấp vũ khí cho người Kurd ở Iraq để giúp lực lượng này đánh bại IS.

Một số nhà ngoại giao phương Tây phỏng đoán ông Putin đang tìm cách gây sức ép để người đồng cấp Assad chấp nhận giải pháp chính trị. Tuy nhiên, phát biểu trên của ông Jaafari cho thấy Damascus vẫn chưa thay đổi lập trường. Trong khi đó, phe đối lập tham dự hòa đàm lên tiếng đòi phái đoàn chính phủ Syria nêu quan điểm về một tiến trình chuyển giao chính trị.

Ngoài ra, theo tờ Guardian, hòa đàm Syria còn đối mặt bế tắc xung quanh thành phần phe đối lập tham dự. Ông Jaafari không thừa nhận phái đoàn Ủy ban Đàm phán cấp cao Syria (HNC) được Ả Rập Saudi hậu thuẫn nhưng lại hoan nghênh “Nhóm Moscow” - một nhóm đối lập được Damascus đánh giá là ôn hòa hơn HNC. Ông Fateh Jamous, thành viên “Nhóm Moscow”, chỉ trích HNC áp đặt những điều kiện “đi ngược lại nguyên tắc đồng thuận”, nhất là vấn đề tương lai của ông Assad trong một Syria mới. Guardian nhận định đây vẫn là thách thức lớn nhất của hòa đàm.

Mừng, lo lẫn lộn

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nhận định quyết định rút quân của Nga là một “dấu hiệu tích cực” cho tương lai Syria, trong khi một quan chức an ninh cấp cao nước này cho biết động thái đó đã được lên kế hoạch trước và không khiến Tehran bất ngờ. “Việc Nga rút phần lớn quân khỏi Syria chứng tỏ rằng không cần sử dụng vũ lực để duy trì thỏa thuận ngừng bắn” - Ngoại trưởng Iran phát biểu trong chuyến thăm Úc hôm 15-3.

Trong khi đó, phát biểu trên đài truyền hình nhà nước IRIB ngày 16-3, Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Iran Ali Shamkhani khẳng định Tehran đã dự tính trước việc rút quân của Moscow. Theo ông Shamkhani, cuộc chiến ở Syria vẫn chưa kết thúc, các cố vấn quân sự của Iran và Nga sẽ tiếp tục giúp đỡ Damascus chống lại “các nhóm khủng bố”.

Trái với Iran, Israel xem bước đi trên của Nga vừa đáng ngạc nhiên vừa gây lo ngại. Trong chuyến thăm Moscow hôm 16-3, Tổng thống Israel Reuven Rivlin yêu cầu người đồng cấp Vladimir Putin bảo đảm hành động rút quân không củng cố thêm sức mạnh cho các lực lượng Iran và Hezbollah ở Syria. Một cố vấn cấp cao giấu tên của ông Rivlin tiết lộ trong cuộc gặp kéo dài 2 giờ, tổng thống Israel nhấn mạnh sự hiện diện của những lực lượng trên gần biên giới Syria - Israel (trên Cao nguyên Golan) là “lằn ranh đỏ” đối với an ninh nước này. Ngoài ra, ông Rivlin còn trao đổi với Tổng thống Putin về khả năng quân gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc trở lại Cao nguyên Golan.

Thu Hằng

Theo NLĐ