Trong suốt khoảng thời gian tuần trước, hàng loạt những nhân vật có tiếng, từ người đứng đầu Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho tới nhà kinh tế học Mỹ đoạt giải Nobel Paul Krugman đều lên tiếng cảnh báo về nguy cơ nền kinh tế toàn cầu trượt dốc.
Trong một bản báo cáo mà Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), trụ sở tại Thụy Sĩ, công bố hôm thứ Tư, 7 trong số 10 chuyên gia kinh tế cả trong lĩnh vực công và tư nhân nói họ tin rằng một cuộc suy thoái toàn cầu có thể xảy ra trong khoảng năm 2023.
Trong khi đó, Ned Davis Research, công ty nghiên cứu có trụ sở tại Florida vốn nổi tiếng nhờ đưa ra Mô hình Khả năng Suy thoái Toàn cầu, mới đây đưa ra khả năng xảy ra suy thoái toàn cầu trong năm tới là 98,1%., mức cao nhất kể từ đợt suy giảm kinh tế do đại dịch COVID-19 năm 2020 và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2008-2009.
Trong bối cảnh chiến sự ở Ukraine, các chính sách chống dịch zero-COVID của Trung Quốc và lạm phát tăng mạnh ở nhiều nước đang bao phủ viễn cảnh kinh tế toàn cầu, các nhà đầu tư đặc biệt quan ngại về khả năng Fed tiếp tục tăng lãi suất một cách cương quyết khiến cho nền kinh tế lớn nhất thế giới trượt vào suy thoái – và kéo theo nhiều phần của thế giới.
Nhìn vào lịch sử, Mỹ và các ngân hàng trung ương khác luôn cảm thấy khó khăn khi quản lý nhiệm vụ nâng lãi suất – làm tăng chi phí vay mượn và khoản đầu tư cho doanh nghiệp, các hộ gia đình – mà không gây tổn hại nghiêm trọng tới đà tăng trưởng của nền kinh tế. Các cuộc suy thoái trước đây – thường được xác nhận là 2 quý liên tiếp tăng trưởng âm – thường được cho là lỗi của Fed trong lúc họ nỗ lực kiềm chế lạm phát.
Nhiều nhà phê bình, trong đó có cả những kinh tế gia có tiếng như Jeremy Siegel, cũng đổ lỗi cho Fed lần này, cho rằng Fed đã chờ đợi quá lâu mới chịu nâng lãi suất, và rồi sau đó đưa ra những mức nâng quá gắt hòng bù lấp cho sự bất động của họ trước đó.
Mặc dù vẫn hy vọng về một cú “hạ cánh mềm” cho nền kinh tế Mỹ, nhưng Chủ tịch Fed Jerome Powell tuần trước thừa nhận rằng giới chức ngân hàng trung ương “không biết” được liệu những nỗ lực kiềm chế lạm phát của họ có dẫn tới suy thoái hay không, hoặc nếu có thì cuộc suy thoái đó sẽ trầm trọng đến mức nào.
“Đối với Mỹ, nếu lạm phát không có dấu hiệu hạ nhiệt trong vài tháng cuối cùng của năm 2022, và các thước đo mức kỳ vọng lạm phát bắt đầu tăng, điều đó sẽ buộc Fed tiếp tục tăng lãi suất quyết liệt, có thể kéo dài tới mùa Xuân năm 2023 – theo quan điểm của tôi, đó là khi mà nền kinh tế sẽ trượt vào suy thoái,” Pao-Lin Tien, giáo sư kinh tế đến từ ĐH George Washington, nhận định.
“Tôi cho rằng tình trạng tương tự có thể xảy ra với các quốc gia khác nếu như ngân hàng trung ương buộc phải tăng lãi suất một cách quyết liệt và liên tục, để bảo vệ đồng tiền của họ hoặc kiềm chế lạm phát, và rồi suy thoái là điều không thể tránh khỏi.”
Campbell R Harvey – giáo sư đến từ Trường Kinh doanh Fuqua, ĐH Duke, người đi tiên phong trong việc sử dụng lãi suất thị trường trái phiếu Mỹ để dự báo suy thoái – nói rằng những hành động của Fed có thể “dễ dàng đẩy nền kinh tế vào suy thoái – và một cuộc suy thoái sẽ rất hiệu quả trong việc giảm lạm phát.”
“Tuy nhiên, các cuộc suy thoái thường rất đau đớn,” ông Harvey nói. “Chả có ai lại muốn bị đẩy vào chỗ phải đi xin sự hỗ trợ của chính phủ trong một khoảng thời gian dài cả.”
Nhưng, theo ông Harvey, chỉ số về lợi tức trái phiếu mà ông sử dụng để dự báo 8 cuộc suy thoái trước đây vẫn chưa chỉ ra suy thoái ở thời điểm hiện tại.
Các nền kinh tế ở cả châu Âu và châu Á đều đang cho thấy những tín hiệu bấp bênh (Ảnh: EU Business News) |
Nguy cơ ở châu Âu và châu Á
Bên ngoài nước Mỹ, làn gió ngược kinh tế khiến cho sự lạc quan gần như bị dập tắt hoàn toàn.
Đức, Italy và Anh – 3 nền kinh tế lớn nhất châu Âu – được dự báo sẽ trải qua những cuộc suy thoái kéo dài trong năm tới, chủ yếu là do các vấn đề nguồn cung năng lượng gây ra bởi cuộc chiến mà Nga phát động ở Ukraine, theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
OECD dự báo rằng khu vực eurozone sẽ tăng trưởng với mức khiêm tốn là 0,3% trong năm 2023, chỉ ra nguyên nhân là nhiều nền kinh tế của khối này sẽ trượt vào suy thoái trong suốt cả năm.
Mặc dù châu Á-Thái Bình Dương được dự báo sẽ tránh được đà giảm, nhưng các lệnh phong tỏa và hạn chế do chính sách zero-COVID của Trung Quốc ngày càng trở thành nhân tố kéo tụt đà tăng trưởng của toàn khu vực.
Trong hôm thứ Ba, Ngân hàng Thế giới (WB) đã giảm mức dự báo tăng trưởng kinh tế của châu Á-Thái Bình Dương từ 5% xuống còn 3,2% trong tháng 4, và giảm gần một nửa mức dự báo tăng trưởng của Trung Quốc, xuống còn 2,8%.
Trinh Nguyen, kinh tế gia đến từ hãng Natixis ở Hong Kong, nói rằng các nền kinh tế châu Á cũng sẽ không thoát khỏi tầm ảnh hưởng của lãi suất tăng, mặc dù khu vực này chỉ đang hướng tới đà tăng trưởng chậm chứ không hướng tới suy thoái.
“Chúng tôi cho rằng đà tăng trưởng của châu Á sẽ giảm tốc. Đối với những nền kinh tế dễ bị ảnh hưởng bởi chu kỳ thương mại, tầm ảnh hưởng do nhu cầu bên ngoài suy yếu sẽ tồi tệ hơn, ví dụ như Hàn Quốc và Đài Loan,” bà nói. “Ở các nền kinh tế mới nổi loại trừ Trung Quốc, việc thắt chặt các điều kiện tài chính sẽ làm giảm các khoản đầu tư. Tiêu thụ dự báo sẽ giảm, nhưng không quá nhiều.”
Ông Harvey nói rằng, mặc dù ông “có niềm tin” rằng châu Âu sẽ trải qua năm 2023 trong tình trạng suy thoái chứ không phải Mỹ, nhưng thế giới sẽ phải đối mặt với một viễn cảnh kinh tế đầy bấp bênh.
“Lạm phát là một hiện tượng toàn cầu. Lạm phát tăng mạnh thường đi đôi với các cuộc suy thoái,” ông nói. “Phải, nếu Mỹ trượt vào suy thoái, rất có khả năng nó sẽ dẫn đến suy thoái toàn cầu – đặc biệt là khi châu Âu đã ở trong một cuộc suy thoái rồi.”
Thế khó của BoE: Muốn thắt chặt tiền tệ nhưng vẫn sẵn sàng tung 65 tỉ USD cứu thị trường trái phiếu
Nền kinh tế toàn cầu có thể 'thiệt hại' 2.800 tỉ USD vì xung đột Nga - Ukraine
Hạn hán ở Trung Quốc đã tác động tới chuỗi cung ứng toàn cầu như thế...
Theo Al Jazeera