Sun Life Việt Nam làm ăn thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Sun Life Việt Nam đã có 9 năm thua lỗ liên tiếp (từ năm 2014 – 2022). Lỗ lũy kế tại ngày 31/12/2022 của công ty bảo hiểm này là 4.574,7 tỉ đồng.

Bộ tài chính vừa có kết luận thanh tra về việc bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng (bancassurance) của Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Sun Life Việt Nam (Sun Life Việt Nam) năm 2021 và các thời kỳ liên quan.

Theo đó, trong năm 2021, bảo hiểm Sun Life Việt Nam được phân phối qua kênh bancassurance thông qua hai ngân hàng là Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) và Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank).

Tính đến cuối năm 2021, số tiền chi phí hỗ trợ ban đầu, phí hợp tác mà Sun Life Việt Nam đã trả cho hai nhà băng này là 10.300 tỉ đồng.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính xác định Sun Life Việt Nam đã hạch toán các khoản chi phí, doanh thu liên quan đến hoạt động bancassurance chưa đúng quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và thuế với tổng số tiền 600,4 tỉ đồng.

Cụ thể, công ty đã hạch toán 343,2 tỉ đồng chi phí hỗ trợ ban đầu và phí hợp tác cho ACB và TPBank vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021.

Công ty bảo hiểm này cũng chi trả, hạch toán các khoản chi phí hỗ trợ cho ACB và TPBank chưa đúng quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và thuế với tổng số tiền 274,9 tỉ đồng.

Ngoài ra, Sun Life Việt Nam còn triển khai chương trình thi đua không liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm và hạch toán vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế hơn 8,6 tỉ đồng.

Bộ Tài chính đề nghị Tổng giám đốc Sun Life Việt Nam thực hiện xử lý tài chính đối với kỳ kế toán năm 2021 bằng cách hạch toán giảm chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021 với tổng số tiền 600,4 tỉ đồng.

Lỗ lũy kế gần 4.600 tỉ đồng

Sun Life đặt chân vào thị trường Việt Nam từ năm 2013 thông qua liên doanh Bảo hiểm nhân thọ PVI Sun Life. Đến tháng 11/2016, đơn vị này trở thành công ty 100% vốn nước ngoài với thương hiệu Sun Life Việt Nam.

Trong 10 năm kinh doanh ở Việt Nam, Sun Life Việt Nam chỉ một lần duy nhất báo lãi với khoản lãi sau thuế 36,5 tỉ đồng vào năm 2013. Các năm sau đó, công ty này liên tục báo lỗ, thậm chí là doanh thu càng tăng thì lỗ càng nhiều.

vt-sun-life-viet-nam.PNG

Năm 2020, doanh thu của Sun Life Việt Nam chính thức vượt mốc 1.000 tỉ đồng, đạt 1.306,8 tỉ đồng, khi công ty này bắt đầu cung cấp các sản phẩm bảo hiểm độc quyền cho TPBank theo hợp đồng được ký vào tháng 11/2019 (thời hạn 15 năm).

Đến năm 2021, thỏa thuận bancassurance độc quyền giữa Sun Life Việt Nam và ACB được triển khai giúp doanh thu của công ty bảo hiểm này tăng vọt lên mức 3.014,5 tỉ đồng, gấp 2,3 lần so với năm 2020.

Tuy nhiên, trong năm 2020 và 2021, Sun Life Việt Nam lần lượt báo lỗ sau thuế 644,7 tỉ đồng và 1.444,7 tỉ đồng.

Năm 2022, doanh thu thuần của Sun Life Việt Nam tiếp tục tăng trưởng 71,6% so với năm trước lên 5.173,2 tỉ đồng. Tuy nhiên, công ty tiếp tục báo lỗ sau thuế 1.469,2 tỉ đồng, nâng số lỗ lũy kế trên bảng cân đối kế toán lên mức 4.574,7 tỉ đồng.

Tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của Sun Life Việt Nam đạt 19.029,9 tỉ đồng, giảm 1,9% so với đầu năm. Trong đó, các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn và dài hạn chiếm 40,5%, đạt 7.723,5 tỉ đồng.

Danh mục đầu tư tài chính của Sun Life Việt Nam chủ yếu là các khoản tiền gửi ngắn hạn tại các ngân hàng (2.961,3 tỉ đồng), hưởng lãi suất từ 4,6-9,9%/năm; trái phiếu Chính phủ (3.213,8 tỉ đồng); trái phiếu doanh nghiệp dài hạn (1.394,1 tỉ đồng).

Ngoài ra, Sun Life Việt Nam còn ghi nhận 9.702,7 tỉ đồng tài sản dài hạn khác, chủ yếu là phí hỗ trợ theo hợp đồng bancassurance với số dư 9.532,9 tỉ đồng./.