Sự việc bà Nguyễn Thị Ngọc Lan (diễn viên Ngọc Lan) livestream trên Facebook phản ánh về giao kết hợp đồng bảo hiểm với Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ MVI (MVI Life) nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận và truyền thông trong nước thời gian qua.
Theo tìm hiểu của VietTimes, MVI Life tiền thân là Công ty Bảo hiểm Nhân thọ VietinBank Aviva. Tới năm 2017, Aviva mua lại phần vốn góp của VietinBank tại công ty bảo hiểm này đổi tên thành Aviva Việt Nam.
Trong năm 2017, Aviva Việt Nam ghi nhận doanh thu thuần ở mức 950 tỉ đồng - bằng tổng doanh thu thuần của 5 năm trước đó cộng lại. Bước sang năm 2018, doanh thu thuần của Aviva Việt Nam vượt mốc 1.000 tỉ đồng. Chỉ tiêu này tiếp tục tăng trưởng ở mức hai chữ số trong 4 năm sau đó, đạt 3.320,2 tỉ đồng vào năm 2021.
Bước ngoặt của Aviva Việt Nam diễn ra vào tháng 12/2021, khi Tập đoàn Aviva chuyển quyền sở hữu công ty cho Tập đoàn Tài chính Manulife (Manulife).
Trong thông báo đăng tải trên trang chủ vào tháng 6/2022, Aviva Việt Nam cho biết, The Manufacturers Life Insurance Company (MLI) - thành viên của Tập đoàn Tài chính Manulife - đã hoàn tất việc mua lại và đổi tên công ty thành Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ MVI (MVI Life).
MVI Life làm ăn ra sao?
Trước khi về tay Manulife, Aviva Việt Nam (nay là MVI Life) ghi nhận khoản lỗ lũy kế lên tới 1.119 tỉ đồng (tại ngày 31/12/2021).
Trong giai đoạn từ 2012 – 2021, MVI Life báo lỗ tới 6 lần với tổng số lỗ sau thuế lũy kế đạt hơn 1.480 tỉ đồng.
Năm 2021, doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm của MVI Life đạt 3.320,2 tỉ đồng, tăng 11,3% so với năm trước. Trừ đi chi phí, MVI Life báo lãi sau thuế 238,3 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 168,5 tỉ đồng.
Trên bảng cân đối, tại ngày 31/12/2021, tổng tài sản của MVI Life đạt 9.514,4 tỉ đồng, tăng 27,8% so với đầu năm. Trong đó, các khoản đầu tư ngắn hạn và dài hạn chiếm 82,9%, đạt 7.890,8 tỉ đồng, tăng 31,7% so với đầu năm.
Danh mục đầu tư ngắn hạn của MVI Life chủ yếu là các khoản tiền gửi ngắn hạn tại các ngân hàng (2.681,3 tỉ đồng), với mức lãi suất được hưởng từ 3,7-8,8%/năm.
Trong khi đó, danh mục đầu tư dài hạn của công ty bảo hiểm này bao gồm trái phiếu chính phủ (2.104,3 tỉ đồng), trái phiếu tổ chức tín dụng (1.090,7 tỉ đồng), trái phiếu doanh nghiệp (965,7 tỉ đồng) và tiền gửi dài hạn (674 tỉ đồng).
'So găng' MVI Life và Manulife Việt Nam
Tại Việt Nam, Manulife có 2 công ty con hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm, là MVI Life và Manulife Việt Nam.
Tuy nhiên, đặt cạnh Manulife Việt Nam, quy mô tài sản của MVI khiêm tốn hơn nhiều.
Như VietTimes từng đề cập, tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản của Manulife Việt Nam lên tới 106.378,6 tỉ đồng. Đây là quy mô đáng nể so với nhiều tập đoàn, công ty đang niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Năm 2022, Manulife Việt Nam ghi nhận doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt 26.332,4 tỉ đồng, doanh thu hoạt động tài chính đạt 4.820,3 tỉ đồng và thu nhập khác 1.952,3 tỉ đồng.
Trừ đi chi phí, Manulife Việt Nam báo lãi sau thuế năm 2022 ở mức 2.562,1 tỉ đồng. Trước đó, trong các năm 2020 và 2021, công ty này lần lượt báo lỗ 1.641,6 tỉ đồng và 4.741,1 tỉ đồng.
Dù Manulife Việt Nam báo lỗ, song trong các năm 2020 và 2021, công ty mẹ Manulife có trụ sở tại Canada vẫn ghi nhận thu nhập lõi (core earnings) từ hoạt động tại Việt Nam là số dương, lần lượt đạt 233 triệu USD và 290 triệu USD (tương ứng khoảng 5.419,6 tỉ đồng và 6.745,4 tỉ đồng).
Trong năm 2022, khoản thu nhập lõi tại thị trường Việt Nam của Manulife đạt 309 triệu USD (khoảng 7.187,3 tỉ đồng), là thị trường có kết quả kinh doanh nổi trội bậc nhất của tập đoàn tài chính có trụ sở tại Canada.
Thông thường, các khoản thu nhập lõi sẽ bao gồm lợi nhuận sau thuế đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi và không tính đến doanh thu hoặc chi phí phát sinh một lần không liên quan đến hoạt động kinh doanh chính.
Aviva cho biết, thương vụ thoái vốn của tập đoàn tại Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Aviva Việt Nam được hoàn tất vào ngày 29/12/2021. Giao dịch này đem về cho Aviva khoản lãi thanh lý lên tới 32 triệu bảng Anh, tương đương 939 tỉ đồng./.