“Vào LDG đi! Mã này đang điều chỉnh, giá rất ngon – chỉ 17. Lên 21, 22 ra là đẹp”, một người bạn được cho là khá am hiểu thị trường và đang được khá nhiều “dân chứng” tín nhiệm tư vấn cho người viết.
Người bạn này cho biết – một cách rất chân thành – rằng anh đã vào lúc giá 14.8 (tức 14.800 đồng/cổ phiếu). “Đúng 1 tháng, lên 18. Chốt lời. Tính cả margin là ăn khoảng 30% trong 4 tuần”, người bạn nói đầy hồ hởi.
“Nhưng con này còn lên nữa. Tôi tính rồi, sau nhịp điều chỉnh này, sẽ còn kéo tiếp. Tối thiểu cũng phải lên 21, 22. Nên tôi đang vào tiếp tục”, anh tính toán.
Người bạn thổ lộ, nguyên tắc “đánh” của anh kết hợp giữa sóng ngành, định giá và sóng đẩy trong phân tích kỹ thuật.
Theo đó, LDG đang trên một con sóng đẩy rất lớn, nên xu hướng chính là đi lên, đỉnh tới sẽ khoảng 22.000 đồng/cổ phiếu.
“Lợi nhuận quý III của LDG ước tính là khoảng 60 tỷ đồng sau thuế, tương ứng EPS sẽ xấp xỷ 2.700 đồng. P/E hiện tại là 8,29; tương lai có thể là 9 – 10, tạm nhân với P/E hiện tại là 8,3 thì tính theo phương pháp P/E min max, giá quý 3 thấp nhất cũng phải là 22.000 đồng/cổ phiếu. Trùng khớp với ước lượng sóng Elliot. Nên rất an tâm, bất chấp các nhịp điều chỉnh “đạp””, người bạn củng cố thêm.
Những tư vấn trên, thực tình, không phải là không có lý nếu quan sát diễn biến của LDG và dựa trên quan điểm phân tích kỹ thuật.
Nhưng chỉ vậy thôi, có lẽ chưa đủ!
Rớt giá
LDG chính thức mang tên là Công ty Cổ phần Đầu tư LDG từ ngày 30/09/2015.
Trước đó, doanh nghiệp này có tên Công ty Cổ phần Địa ốc Long Điền (Long Điền), được thành lập và hoạt động theo Giấy phép đăng ký kinh doanh số 3602368420 do Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Đồng Nai cấp ngày 19 tháng 08 năm 2010, với vốn điều lệ ban đầu là 50 tỷ đồng, đóng góp bởi 3 cổ đông sáng lập: Công ty TNHH Phú An (50,8%); CTCP Dịch vụ và Xây dựng Địa ốc Đất Xanh (49%); ông Bùi Đắc Tuấn (0,2%).
Đến ngày 12/08/2015, Long Điền – khi này đã tăng vốn lên mức 750 tỷ đồng - chính thức đưa cổ phiếu lên niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. HCM (HoSE), với mã LDG.
Từ mức giá chào sàn 14.000 đồng/cổ phiếu, LDG tăng trưởng và từng chạm ngưỡng 17.200 đồng/cổ phiếu vào đầu tháng 11/2015.
Tuy nhiên, ngay sau đó, LDG lại rơi rất nhanh.
5 tháng sau ngày niêm yết, phiên 11/1/2016, LDG chính thức xuống dưới mệnh giá, đóng cửa ở 9.900 đồng/cổ phiếu.
Ít tháng sau, thị giá LDG thậm chí còn không đạt nửa mệnh giá; Mức đáy 4.650 đồng chính thức xác lập vào phiên giao dịch 11/9/2016. Chốt năm, 30/12/2016, LDG đứng ở 5.700 đồng/cổ phiếu.
Thực tế, theo báo cáo tài chính, kết quả kinh doanh của LDG trong năm 2016 không đến nỗi nào (nếu không muốn nói là ổn).
Ngoại trừ quý 3 bị lỗ ròng 17,8 tỷ đồng – do khoản giảm trừ doanh thu tằng đột biến, thì 3 quý còn lại trong năm, LDG đều báo lãi khá tốt.
Hợp nhất cả năm 2016, sau soát xét, LDG lãi ròng 166,3 tỷ đồng, EPS tương ứng đạt 1.940 đồng – cao hơn đáng kể so với các mã cùng ngành, kể cả “ông lớn” VIC.
Nhưng đáng nói là trong khi các mã bất động sản khác, với EPS như thế hoặc thấp hơn, thị giá luôn gấp nhiều lần mệnh giá, thì với LDG - như đã đề cập - thị giá chỉ bằng một nửa mệnh giá.
Chưa kể, so với doanh nghiệp cùng ngành, chất lượng tài sản của LDG cũng tỏ ra khá an toàn. Với 2.805 tỷ đồng tổng tài sản tính đến 31/12/2016, nợ phải trả của LDG là 1.625 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 1. 180 tỷ đồng, tương ứng hệ số nợ/vốn chủ sở hữu chưa đến 1,4 lần. Đặc biệt, trong cơ cấu nợ phải trả của LDG, nợ vay chỉ chiếm một tỷ lệ rất hạn chế - khoảng 100 tỷ đồng.
Thay tướng
Với LDG, năm 2016 là một khoảng thời gian nhiều biến chuyển: dịch chuyển trong sở hữu và biến động tại thượng tầng.
Trong đó, không thể không kể đến sự rút lui của ông Lê Kỳ Phùng, Chủ tịch HĐQT và người sáng nghiệp LDG.
Nên biết, khi LDG thành lập năm 2010, ông Phùng – thông qua Công ty TNHH Phú An – chính là cổ đông lớn nhất của công ty, với tỷ lệ sở hữu 50,8%.
Suốt những năm sau này, dù LDG đã trải qua nhiều lần phát hành tăng vốn nhưng ông Phùng và Công ty TNHH Phú An (đã giải thể ngày 15/10/2013 và được sáp nhập vào Công ty TNHH Phú Lạc – Sau khi sáp nhập được đổi tên thành Công ty TNHH Du lịch Phú Lạc) vẫn luôn góp mặt trong danh sách những cổ đông lớn nhất của LDG.
Ngày 7/12/2016, ông Lê Kỳ Phùng chính thức từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT LDG. Nhưng từ trước đó, việc thoái vốn đã âm thầm diễn ra. Thậm chí, cá nhân “cha đẻ” LDG còn bị UBCKNN phạt 42,5 triệu đồng vì tội “bán chui”.
Chỉ trong năm 2016, ông Phùng đã bán ra toàn bộ 9,4 triệu cổ phiếu mà cá nhân trực tiếp sở hữu tại LDG, tương ứng với 12,54% vốn điều lệ công ty. Song song với, Công ty TNHH Du lịch Phú Lạc - pháp nhân có liên quan tới ông Phùng - cũng thoái triệt để 12,6 triệu cổ phiếu LDG, đưa tỷ lệ sở hữu từ 16,80% về 0%.
Tân Chủ tịch HĐQT LDG, người thay thế vị trí mà ông Lê Kỳ Phùng để lại, là ông Nguyễn Khánh Hưng – Thành viên HĐQT, Phó Tổng Giám đốc CTCP Dịch vụ và Xây dựng Địa ốc Đất Xanh (HoSE: DXG).
Lưu ý, DXG cũng chính là cổ đông đã cùng Công ty TNHH Phú An của ông Lê Kỳ Phùng tạo dựng nên LDG.
Sau sự rút lui của ông Phùng và Công ty TNHH Du lịch Phú Lạc, kể từ cuối năm 2016, nhóm DXG chính là nhóm cổ đông có chi phối lớn nhất tại LDG.
Trong đó, DXG trực tiếp sở hữu 14,34 triệu cổ phiếu LDG, tương ứng với tỷ lệ 16,2%; Hai công ty thành viên của DXG là Công ty CPXD Địa ốc Long Kim Phát và Công ty TNHH XDTMDV Hà Thuận Hùng cũng lần lượt sở hữu 16,00% và 9,13% khác; Chưa kể các cổ đông có liên quan sở hữu dưới 5% không thuộc diện phải công bố.
Bên cạnh sự hiện diện của ông Nguyễn Khánh Hưng ở vị trí Chủ tịch, HĐQT LDG cũng được “thay máu” đáng kể trong năm 2016: ông Nguyễn Phạm Anh Tài thay thế ông Bùi Đắc Tuấn kể từ ngày 27/04; ông Nguyễn Cao Cường thay thế ông Lê Kỳ Phùng kể từ ngày 07/12.
Kể từ ngày 28/04/2016, ông Nguyễn Phạm Anh Tài cũng thay thế ông Nguyễn Quang Đạt làm Giám đốc Tài chính LDG. Còn ông Nguyễn Cao Cường, sau khi vào HĐQT cũng được thanh chóng bổ nhiệm thay thế ông Lê Thanh Vinh giữ Quyền Tổng Giám đốc LDG.
Đổi vận
Biến động sâu sắc trong cơ cấu sở hữu cũng như thượng tầng lãnh đạo đã ngay lập tức đảo chiều thị giá LDG.
Mã cổ phiếu rơi thảm trong năm 2016 bất ngờ hồi sinh và liên tục tăng mạnh khi bước vào năm mới 2017.
Từ mức 5.480 đồng/cổ phiếu trong phiên khai niên, LDG lầm lũi tăng, không quá nhanh nhưng bền bỉ. Đến thượng tuần tháng 4/2017, LDG chính thức trở về ngang mệnh giá.
Kể từ đây, LDG bước vào giai đoạn tăng thẳng đứng. Liên tiếp những phiên “tím trần”, chỉ sau một tháng, thị giá đã đạt gấp đôi mệnh giá – ngày 15/5/2017, LDG thiết lập đỉnh giá 19.400 đồng cổ phiếu.
Khối lượng khớp lệnh cũng tăng mạnh, đạt bình quân 2,2 triệu đơn vị/phiên – cá biệt có phiên đạt hơn 6 triệu đơn vị.
Cuối tháng 5 đến trung tuần tháng 6, mã chứng khoán này bước vào giai đoạn tự điều chỉnh. Từ mức đỉnh, LDG rơi về vùng giá 12.000 đồng/cổ phiếu.
Nhưng từ cuối tháng 6, LDG lại trở lại nhịp tăng, dù không còn “thẳng đứng” nhưng đều đặn và bền bỉ. Đóng phiên gần nhất, 26/9/2017, LDG đứng ở 17.450 đồng/cổ phiếu. Trước đó, phiên 22/9, mã chứng khoán lập đỉnh quý ở 18.000 đồng/cổ phiếu.
Cần thiết phải nói rằng đó là một mức giá rất ấn tượng của LDG, thậm chí ấn tượng hơn rất nhiều mức đỉnh 19.400 đồng cổ phiếu thiết lập vào ngày 15/5.
Bởi lẽ, ít tháng qua, cổ phiếu LDG đã bị pha loãng đáng kể.
Ngày 09/08/2017, LDG chính thức niêm yết thêm 17,96 triệu cổ phiếu, nâng tổng số lượng chứng khoán niêm yết lên 106,46 triệu cổ phiếu, thông qua việc: (1) phát hành thêm 17,7 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu; (2) phát hành 0,26 triệu cổ phiếu ESOP.
Ngày 19/09/2017, HĐQT LDG tiếp tục ban hành Nghị quyết HĐQT số 21/2017/NQ-HĐQT, thông qua kết quả chào bán 53,5 triệu cổ phiếu riêng lẻ, cho 3 cá nhân và 2 tổ chức (giá phát hành: 10.000 đồng/cổ phiếu). Vốn điều lệ của LDG, theo đó, tăng từ 1.064,6 tỷ đồng lên thành 1.599,6 tỷ đồng – tức là gấp khoảng 2 lần so với đầu năm.
Điều này cũng đồng nghĩa rằng, để đạt được mức EPS bằng với năm 2016 thì, lợi nhuận của LDG trong năm 2017 cũng phải tăng tương ứng khoảng 2 lần.
Với việc vẫn được duy trì trong vùng giá 18.000 đồng/cổ phiếu, có thể thấy, kỳ vọng của thị trường vào LDG là rất lớn. Bằng không, phải có một yếu tố tác động khác!
Sẽ là không đầy đủ nếu quan sát diễn biến của cổ phiếu LDG mà tách rời với đường đi của DXG và bỏ qua những biến động của dòng tiền vào – ra, doanh nghiệp này./.
Đón đọc…